11/09/2015 06:12 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Gordon W. Felt đứng yên lặng, đầu hơi cúi xuống, khi ông lắng nghe giọng nói đầy kinh sợ của ba nạn nhân đi trên chuyến bay mang số hiệu 93 đã thiệt mạng. Những lời cuối của họ được máy trả lời tự động thu lại, ngay trước khi chiếc máy bay chở họ đâm xuống đất, trong ngày 11/9/2001.
“(Đoạn băng đó) thật mạnh mẽ. Nó chắc chắn sẽ để lại ấn tượng" - Felt nói, nước mắt lã chã rơi, khi viếng thăm một khu trưng bày trị giá 26 triệu USD mới được khai trương, ghi lại chi tiết vụ rơi máy bay số 93 của hãng United Airlines, đã làm 40 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, gồm cả anh trai ông là Edward Porter Felt.
An lòng trong ngày trở lại điểm rơi máy bay
14 năm sau khi những con người trên chuyến bay số 93 bị không tặc đánh cướp can đảm buộc nó phải đâm xuống đất, thay vì mục tiêu dự định nằm ở Washington, câu chuyện về họ mới được kể lại trong khu trưng bày kể trên, nằm tại Khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93.
Khu trưng bày này nằm ngay tại nơi chiếc máy bay rơi xuống. Các gia đình có thân nhân thiệt mạng trong sự kiện đã xin đất, vận động gây quỹ để xây công trình này. Tuy nhiên hoạt động xây dựng diễn ra rất chậm chạp và tòa One World Trade Center - công trình thay thế tòa tháp đôi WTC đã sụp đổ trong vụ 11/9 - còn mọc lên nhanh hơn.
Tuần trước, ông Felt, người là Chủ tịch hội Các gia đình của chuyến bay số 93 và đã tích cực ủng hộ hoạt động xây khu trưng bày, đã trở thành một trong những người đầu tiên nhìn ngắm bên trong nó.
"Tôi không có được sự bình an khi lần đầu tới đây vào năm 2001" - Felt nói khi ông bước ngang qua những hiện vật còn sót lại của chuyến bay số 93: các sợi dây cháy nham nhở, các mảnh kim loại cong queo, một mạch điện vỡ nát, một mảnh vải, một tờ hướng dẫn an toàn bay nhàu nhĩ, một chiếc đai an toàn, một chiếc thẻ tín dụng Visa được một tên khủng bố sử dụng...
“Tôi nhìn thấy bạo lực. Tôi thấy nỗi kinh hoàng của ngày đó hiện diện khắp nơi" - Felt nói, kể lại khoảnh khắc khi gia đình ông được đưa tới hiện trường vụ rơi chuyến bay số 93 - "Giờ khi trở lại đây, tôi đã cảm thấy an lòng hơn nhiều".
Những đoạn ghi âm đầy ám ảnh
Những người tới Khu tưởng niệm quốc gia chuyến bay số 93 sẽ được đưa đi theo một con đường lát đá granite đen, mô phỏng lộ trình bay cuối cùng của chiếc máy bay bị không tặc đánh cướp trong ngày 11/9.
Dọc hành trình, họ sẽ được nhắc nhở về những dấu mốc đáng buồn trong ngày đó: “8 giờ 46 phút 30 giây, chuyến bay số hiệu 11 của hãng American Airlines đâm vào một tháp WTC, 9 giờ 3 phút 2 giây, chuyến bay số 175 của hãng United Airlines đâm vào tòa tháp còn lại, 9 giờ 37 phút 46 giây, chuyến bay số 77 của hãng American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc".
Con đường chạy qua một điểm nghỉ hẹp nằm giữa 2 bức tường bê tông cao 12 mét, với mỗi bức có hình dáng giống cánh một chiếc máy bay. Nó dẫn tới một tảng đá lớn nằm tại vị trí mũi chiếc máy bay số 93 va chạm với mặt đất.
Con đường tiếp tục dẫn du khách tới khu trưng bày, với hiện vật được đặt dọc theo 10 bức tường cao. Các hiện vật cho thấy vụ khủng bố đã diễn ra rất bất ngờ, trong một ngày rất đẹp trời của tháng 9.
Đơn cử như trên một bức tường có trưng bày bản in của tờ Wall Street Journal, một tờ giấy chứa thông tin vắn tắt của Bộ Quốc phòng và một tập tài liệu chứa hoạt động của Quốc hội Mỹ... cho thấy mọi việc diễn ra bình thường vào ngày 11/9, trước khi tai họa ập xuống.
Bức tường khác có các bản tin về việc máy bay đã lao vào hai tòa WTC và Lầu Năm Góc. Một bức nữa có cảnh hàng ngàn chiếc máy bay đang ở trên không phận Mỹ, vào thời điểm vụ tấn công khủng bố diễn ra.
Nhưng trung tâm trưng bày là các hiện vật nói về 35 phút cuối của chuyến bay số 93. Một đoạn video mô phỏng về chuyến bay số 93, được xây dựng dựa trên dữ liệu thu từ các hộp đen máy bay, đã giúp khách tham quan nhận ra khung cảnh hỗn loạn trong khoang lái, khi các phi công cố gắng kiểm soát chuyến bay.
Nằm dọc theo một bức tường khác là bản sao của những chiếc ghế từng được lắp đặt trên chiếc máy bay số hiệu 93. Chúng cho thấy những mẫu điện thoại gắn trên máy bay mà vài hành khách và tiếp viên đã sử dụng để liên lạc với thân nhân hoặc báo cáo tình huống khẩn cấp.
“Một nhóm hành khách bọn anh đã sẵn sàng để làm điều gì đó" - hành khách có tên Thomas E. Burnett Jr., nói với vợ vào lúc 9 giờ 44 sáng. Lúc 9 giờ 58, Honor Elizabeth Wainio gọi điện cho mẹ kế của cô: "Con phải đi đây. Con yêu mẹ. Vĩnh biệt mẹ".
Edward Felt, một trong những người cuối cùng gọi điện từ chiếc máy bay, đã bấm số 911 (số điện thoại khẩn cấp) trên di động của ông vào lúc 9 giờ 58 phút sáng. Qua điện thoại, Felt khai tên, số hiệu chuyến bay và báo cáo vụ đánh cướp.
“Tôi đã nghĩ về 20 phút cuối trong cuộc đời anh ấy" - Gordon Felt chia sẻ - "Để hiểu được rằng chuyện gì đã diễn ra khi ấy. Tôi cũng hiểu rằng phần lớn các hành khách đều nhận thức rõ việc họ sẽ chết, một cách rất khủng khiếp. Tôi vẫn còn kinh ngạc vì điều này, cho tới tận hôm nay".
Tường Linh (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất