21/11/2014 17:42 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ lần đầu tiên giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup, với tên gọi tiền thân là Tiger Cup và bây giờ là AFF Suzuki Cup), năm 1996, đã có đến nửa tá các ông thầy ngoại từng kinh qua cabin ban huấn luyện (BHL), đấy là chưa kể các trường hợp làm hơn một nhiệm kỳ như Alfred Riedl hay Henrique Calisto, cũng như các HLV (nội) chính thức hoặc tạm quyền kiểu Phan Thanh Hùng hay Trần Văn Khánh, Nguyễn Thành Vinh… Mặc dù vậy, nền bóng đá Việt cũng chỉ một lần leo đến đỉnh vinh quang: AFF Suzuki Cup 2008, với thuyền trưởng xứ Iberia, Henrique Calisto.
Luẩn quẩn với cái ao làng
Ngoại trừ 2 kỳ AFF Cup, năm 2004 và 2012, khi đội tuyển Việt Nam phải rời cuộc chơi ngay sau vòng đấu bảng, thì 7 lần còn lại, chúng ta đều có thành tích hoặc ít nhất vào bán kết (lần duy nhất về thứ 4 là Tiger Cup 2000). Tiger Cup 2004, Việt Nam là đồng chủ nhà, nhưng đội bóng dưới thời Edson Taveres đã chơi bạc nhược và đỉnh điểm là trận thua 0-3 trước Indonesia, ngay tại Mỹ Đình. Có lẽ ít ai còn nhớ, Edson Tavares chính là HLV ngoại đời đầu (1995), người đặt những viên gạch đầu tiên cho kỷ nguyên thầy ngoại và nói hơi quá, cho cả nền bóng đá cấp độ đội tuyển, kể từ sau ngày bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại.
Tất nhiên là sau thất bại đắng ngắt, để lại nhiều mối hoài nghi ấy, Edson Tavares phải nói lời chia tay. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là “đỉnh cao” của sự nghi kỵ, khi ngay trong lần đầu tiên tham dự (1996), cũng là năm đầu Tiger Cup được tổ chức ở Singapore, HLV Karl-Heinz Weigang đã đề xuất đuổi khỏi đội tuyển một vài cái tên bị nghi là “làm độ” ở trận hoà khó hiểu 1-1 trước Lào ở vòng bảng.
HLV Calisto, người dẫn dắt tuyển Việt Nam tới chức vô địch AFF Cup 2008
“Bóng ma” cứ luẩn quẩn bám theo đội tuyểnViệt Nam tại AFF Cup, giải đấu vẫn bị xem là ao làng của các nền bóng đá vùng trũng, khi tại Tiger Cup 98 trên sân nhà, Indonesia và Thái Lan đã diễn vở kịch tồi tệ nhất trong lịch sử giải đấu: Cầu thủ Indonesia tự đá vào lưới nhà, xin thua trong trận đấu cuối vòng bảng (diễn ra ở Thống Nhất), hòng tránh Việt Nam ở bán kết. “Ông kẹ” Thái Lan bất ngờ thua Việt Nam 0-3 ở Hàng Đẫy, trận bán kết sau đó và cũng bị đưa vào tầm ngắm, nhưng đỉnh điểm phải là cái lưng của Sasi Kumar, đưa bóng vào lưới Trần Tiến Anh ở chung kết.
Bất luận thế nào, AFF Cup (hay tên gọi tiền thân Tiger Cup) vẫn được (hay bị) xem là lò xay HLV. Ngoài Henrique Calisto (từ AFF Cup 2008 – AFF Cup 2010), không một ông thầy nào còn ngồi lại cabin ở 2 mùa giải liên tiếp. Song, ngay cả chuyện của ông “Tô”, cũng có nhiều góc khuất, khi “phù thuỷ” người Bồ đã luôn giành thế chủ động, bởi ông nắm đằng cán trong các bản hợp đồng có điều khoản đền bù. Nhưng, chúng ta sẽ cùng đề cập trong một chuyên đề khác.
Giấc mộng Nam Kha
Sau AFF Cup 2007 lần đầu tiên được tổ chức trong năm lẻ, đội tuyển Việt Nam như thường lệ vẫn đảm bảo được một suất chơi bán kết, HLV Alfred Riedl đã nhấn thêm một nấc thang nữa cho nền bóng đá bằng suất chơi tứ kết Asian Cup (giải vô địch châu Á), lần đầu tiên trong lịch sử, bằng nòng cốt đội bóng vừa đá giải Đông Nam Á. Với tư cách đồng chủ nhà, đội tuyển Việt Nam rõ ràng được hưởng lợi rất nhiều cho đến trước khi chúng ta thua nhà vô địch Iraq ở tứ kết, nhưng bất luận thế nào, đó vẫn là cột mốc chói lọi nhất của nền bóng đá cấp độ ĐT quốc gia.
Từ thành công được cộng hưởng, với chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 không lâu sau đó, HLV Henrique Calisto tự tin tuyên bố kế hoạch tấn công vào tốp 10 châu lục. Phù thuỷ xứ Iberia có cơ sở để hướng tới khả năng đó, khi đội tuyển Việt Nam vào thời điểm đó là tập hợp một thế hệ cầu thủ đầy tài năng, đang vào độ chín và cũng đầy tính kế thừa trong tương lai gần. Chỉ cho đến khi đội bóng bị đánh bật khỏi bán kết AFF Suzuki Cup 2010 (bởi Malaysia), ông “Tô” mới vỡ nhẽ: Nền bóng đá vẫn còn đầy những hỗn mang và thực sự là không thể vượt ngưỡng.
Đến nay, HLV Toshiya Miura đã có sự khởi đầu khá hanh thông, khi tiếp quản công trường ngổn ngang mà người tiền nhiệm Hoàng Văn Phúc để lại. Không mất quá nhiều thời gian, ngay sau màn chào hỏi cùng Olympic Việt Nam ở Aisan Games 17, HLV người Nhật trở lại và bắt đầu “dọn dẹp” tàn dư, bơm vào lòng đội bóng sức trẻ, cũng như nỗ lực tạo một bầu không khí tương đối trong lành. Những ngôi sao cỡ lớn nhất, ngay lúc này, cũng không chắc đã đảm bảo được vị trí, điều đó phần nào cho thấy tính cạnh tranh ở đội tuyển Việt Nam là khá cao. Tuy nhiên...
Toshiya Miura vẫn còn khá mới mẻ, so với thuộc tính – đặc thù nền bóng đá. Ví như ông có thể khó hiểu, khi Qủa bóng Vàng Huỳnh Quốc Anh và thậm chí cả chân sút số 1 Lê Công Vinh, không hoặc chưa thể hiện được nhiều vai trò trên sân bóng, nhưng giới quan sát lại không khó để nhận ra, đâu là nguyên nhân. “Tại sao hàng phòng ngự luôn dâng quá cao và để lộ những khoảng trống chết người, dù tôi không yêu cầu họ làm điều đó”, một thắc mắc nghe khá quen tai khác của HLV Miura, trong những trận đấu giao hữu quốc tế gần đây của đội tuyển Việt Nam. Chẳng có gì lạ!
Về mặt phương pháp, sự tỉ mỉ và cả tầm nhìn, Toshiya Miura mang hơi hướng một tổng công trình sư hơn là một mãnh tướng cầm quân ra trận. Tiếc rằng, với bản hợp đồng 2 năm, ông Miura rõ ràng không có nhiều thời gian. Nếu kỳ vọng rằng đội tuyển Việt Nam dưới thời Toshiya Miura có thể đòi lại được ngai vàng Đông Nam Á ở ngay kỳ AFF Suzuki Cup này, e là đi xa quá giấc mộng. Hy vọng, thuyền trưởng người Nhật không tự làm khó mình, để bước qua kỳ AFF Cup 2014 ít sóng gió, trước khi hướng tới chiếc HCV SEA Games 2015 rất khả quan.
Còn giấc mơ châu lục ư, giấc mơ World Cup ư, xa, xa lắm!
CCKM
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất