Cụ bà với "Tiếng hát mãi xanh"

06/05/2011 11:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Tối nay 6/5, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, cả 10 gương mặt của vòng chung kết sẽ cùng xuất hiện trong đêm Gala Tiếng hát mãi xanh với nhiều tiết mục biểu diễn ấn tượng cùng phần giao lưu với khán giả. Như vậy là cụ bà 74 tuổi Lê Thị Nhung lại có cơ hội tái xuất với tiếng hát mãi xanh của mình.

Cuộc thi Tiếng hát mãi xanh (Đài Truyền hình TP.HCM và Công ty MayQ Media phối hợp tổ chức) khởi động từ ngày 5/4 đã đi đến chặng cuối với đêm chung kết xếp hạng sẽ diễn ra vào ngày 11/5 với sự tranh tài của 6 thí sinh: Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Thục Duyên, Hoàng Ngọc Ánh (bảng trên 51 tuổi); Trần Thị Kim Loan, Trần Thanh Quang, Hà Vũ Huy Hoàng (bảng từ 35 đến 50 tuổi).

Tuy không bước tiếp vào vòng sau nhưng bà Lê Thị Nhung đều được giải khán giả bình chọn ở cả ba đêm chung kết.

Cụ Lê Thị Nhung cùng thí sinh Triệu Văn Hân (phải) đang tập để song ca trong đêm Gala - Ảnh: Vnexpress.

Với một thông điệp đầy ý nghĩa: Hát cho thỏa đam mê; Hát cho đời xanh mãi,Tiếng hát mãi xanh, cuộc thi hát dành cho lứa tuổi trung và cao niên (từ 35 tuổi trở lên) đã chinh phục tình cảm của đông đảo công chúng thời gian qua, dường như đã vượt lên trên tầm một cuộc thi thông thường. Thật vậy, ở Tiếng hát mãi xanh không có chỗ cho những tư tưởng tranh đua thường thấy ở những kỳ thi thố, mà chỉ có lòng đam mê cháy bỏng được cất cao tiếng hát, được sống lại một thời tuổi trẻ ở những con người tuổi đã kém xanh. Ngay cả BTC cuộc thi cũng không thể ngờ chỉ ở lần đầu tổ chức mà Tiếng hát mãi xanh lại tạo được sức hút mạnh mẽ đến vậy với hơn 2.000 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó số thí sinh ở bảng cao niên, trên 51 tuổi, lại đông hơn thí sinh ở bảng trung niên, từ 35 đến 50 tuổi), và trở thành chủ đề “hot” trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần một tháng qua.

Mọi người ưu ái Tiếng hát mãi xanh không đơn giản vì đây là một cuộc thi giàu tính nhân văn, cũng không vì cảm xúc thuần túy khi chứng kiến những cụ ông, cụ bà màu thời gian trĩu nặng trên mái tóc, bước đi, có người phải chống nạng lên sân khấu chỉ mong một lần được thể hiện bản thân hoặc đơn giản hơn muốn được lên ti vi thử xem sao... Mà họ thực sự bị chinh phục bởi những giọng ca ấy.

Khi cụ bà Lê Thị Nhung cất lên giai điệu bài Đêm đông ai mà chẳng... rùng mình cảm nhận rõ ràng sự da diết, khắc khoải bật lên tự đáy lòng người hát. Những giai điệu hào hùng của Tổ quốc mà thí sinh Triệu Văn Hân (sinh năm 1944) thể hiện trong các đêm thi như đưa khán giả sống lại một thời không thể nào quên... Nhiều người nhận xét, trong cuộc thi của những người trẻ, các thí sinh có thể hát rất hay nhưng để “cảm” thì không phải ai cũng làm được, nhất là với dòng nhạc cách mạng hay nhạc mang âm hưởng dân ca. Ngược lại, ở Tiếng hát mãi xanh, dễ hiểu khi phần đông các thí sinh đều chọn dòng nhạc cách mạng, nhạc trữ tình xưa, những dòng nhạc đã gắn với một thời tuổi trẻ của họ, và thể hiện bằng tất cả sự say mê và xúc cảm mãnh liệt cũng như truyền cảm xúc trọn vẹn ấy đến mọi người. Ở đây, khán giả thực sự nghe và cảm thụ âm nhạc chứ không cần tới yếu tố xem (nhan sắc ca sĩ, những màn múa minh họa) để cộng hưởng.

Và có lẽ chỉ duy nhất ở Tiếng hát mãi xanh là một thí sinh quên lời vẫn được cổ vũ hát lại (trường hợp của bà Lê Thị Nhung ở đêm chung kết 1); là khán giả phải cố gắng kiềm chế lắm để không vỗ tay tránh làm thí sinh xao lãng; là lại có những đôi mắt rưng rưng xúc động từ hàng ghế khán giả qua mỗi bài ca; là ban giám khảo cũng hồi hộp theo thí sinh và ân cần động viên: “Đừng run!”...

Ngọc Tuyết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link