Chứng khoán có tuần giao dịch giảm điểm, thanh khoản cao nhất lịch sử

06/04/2025 11:38 GMT+7 | Bạn cần biết

Thị trường chứng khoán Việt Nam lập "kỷ lục buồn" tuần đầu tháng 4 khi có phiên giảm mạnh nhất lịch sử kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán. 

Sau cú giảm  mạnh, những chuyển biến tích cực hơn đã xuất hiện vào phiên cuối tuần, khi tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại.

*Mức giảm và thanh khoản đột biến nhất lịch sử

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank cho biết, VN-Index trải qua phiên giao dịch cuối tuần đầy cảm xúc khi mở cửa trong sắc đỏ sàn. Tuy nhiên, dòng tiền ồ ạt đổ vào bắt đáy đã kéo hàng loạt cổ phiếu thoát sàn, thậm chí một số cổ phiếu còn đảo chiều lấy lại sắc xanh. Tâm lý nhà đầu tư dần ổn định, dòng tiền sau đó lan toả tích cực, nhiều Bluechips (loại cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn) khác bắt đầu hồi phục, nổi bật là nhóm ngân hàng và Vingroup.

Chứng khoán có tuần giao dịch giảm điểm, thanh khoản cao nhất lịch sử - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chứng khoán LPBank kỳ vọng dòng tiền tham gia cùng những thông tin tích cực sắp tới sẽ giúp thị trường tiếp tục hồi phục trong tuần giao dịch tiếp theo. Mặc dù vậy, Chứng khoán LPBank vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng, chỉ tham gia khi có dấu hiệu hồi phục rõ ràng từ thị trường.

Về diễn biến thị trường tuần qua, đáng chú ý nhất là phiên 3/4, VN-Index đóng cửa phiên này với mức giảm 88 điểm (giảm 6,68%) xuống dưới 1.230 điểm. Đây là mức giảm kỷ lục lịch sử của chỉ số này. Vốn hóa toàn thị trường giảm hơn 500.000 tỷ đồng, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Toàn sàn có tới gần 1.100 mã giảm điểm; trong đó có đến gần 500 cổ phiếu giảm sàn. Khối ngoại phiên này cũng bán ròng kỷ lục hơn 3.720 tỷ đồng.

Nhìn nhận về phiên giảm điểm mạnh nhất lịch sử diễn ra trong tuần qua, giới phân tích cho rằng, chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường của các nhà đầu tư cá nhân với tỷ lệ giao dịch trên 90%. Do đó, yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn.

Ở chiều tích cực, vẫn còn nhóm cổ phiếu khoáng sản ngược dòng tăng mạnh trong tuần qua. Có thể thấy rằng nhóm này không hề bị ảnh hưởng bởi sự giảm điểm chung của thị trường, thậm chí nhiều mã cổ phiếu khoáng sản đã tăng hết biên độ trong nhiều phiên liên tiếp. Theo đó, YBM, KSV, BKC, MGC đã tăng vài chục phần trăm mỗi mã trong tuần qua.

Nhận định chung về thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, cú sốc thuế quan dẫn đến áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Thị trường có tuần giao dịch giảm điểm với thanh khoản cao nhất lịch sử. Trong tuần (từ 31/3 - 4/4), VN-Index giảm mạnh từ vùng 1.325 điểm về vùng giá 1.160 điểm với 2 phiên khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử, sau đó phục hồi lấy lại hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 8,11% về mức 1.210,67 điểm; VN30 giảm 6,80% về mức về mức 1.280,52 điểm.

Thị trường diễn biến tiêu cực trước áp lực bảo vệ tài sản và áp lực giải chấp riêng lẻ. Các nhóm ngành giảm điểm mạnh với thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử.

Điểm tích cực nhất tuần qua là diễn biến của phiên cuối tuần. Phiên này, một số mã ngân hàng, bất động sản trong VN30 và nhóm khoáng sản phục hồi tích cực.

Tuần qua, thanh khoản thị trường tăng mạnh với khối lượng giao dịch trên HOSE hơn 5,6 tỷ cổ phiếu. Bên cạnh đó, trong quý I/2025, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 25.928,5 tỷ đồng trên HOSE. Tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị 6.522,3 tỉ đồng HOSE trong tuần đầu quý II.

Trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính thông thường. Đây là áp lực lớn, bất ngờ đối với nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư, dẫn đến thị trường có những phiên giao dịch, bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này vẫn có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tới.

"Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế", SHS khuyến nghị.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch kinh hoàng nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đòn thuế quan 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam là một "cú sốc" thực sự lớn đối với thị trường. Chỉ số VN-Index giảm hơn 100 điểm chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch cuối tuần.

Tuy nhiên, theo CSI, mặc dù phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán vẫn giảm khá mạnh, nhưng đã xuất hiện tín hiệu tích cực khi chốt phiên đà giảm của VN-Index đã thu hẹp rất nhiều so với lúc mở cửa.

Thậm chí nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, tập trung chủ yếu ở nhóm VN30 đã bật tăng trở lại, hỗ trợ cho thị trường chung rất lớn như (VHM, VIC, VNM, STB, LPB, SHB…) qua đó giúp VN-Index hồi phục tăng 53,67 điểm so với mức đáy. Điều đáng chú ý hơn là lực cầu bắt đáy đã bắt đầu nhập cuộc khi khối lượng có phiên bùng nổ, tăng mạnh hơn cả phiên giảm điểm lịch sử hôm (3/4) và tăng vọt 112% so với mức trung bình 20 phiên.

VN-Index dù đóng cửa giảm điểm, nhưng theo phân tích kỹ thuật, lực cầu đã có tín hiệu áp đảo hơn. Sự "hoảng loạn" bán tháo (do dư địa giảm điểm trong phiên hôm qua trước ảnh hưởng của "mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam") gần như đã được hấp thụ hết trong phiên cuối tuần (4/4).

Bước sang tuần mới, CSI kỳ vọng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có những bước tiến triển mới trong việc đàm phán về "mức thuế đối ứng 46% " theo hướng tích cực hơn. Vì vậy CSI  kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp hồi phục tăng trở lại trong tuần sau với mức kháng cự quanh ngưỡng 1.255 điểm.

Thực tế cho thấy, diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua cũng tương đồng với các thị trường trên thế giới.

*Chứng khoán thế giới lao dốc

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 4/4 tiếp tục lao dốc phiên thứ hai liên tiếp, qua đó xác nhận chỉ số Nasdaq đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market) và chỉ số Dow Jones bước vào giai đoạn điều chỉnh, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang gây ra những cú trượt lớn nhất trên thị trường kể từ đại dịch COVID-19.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 5,82% xuống 15.587,79 điểm. Diễn biến này xác nhận chỉ số Nasdaq đã chính thức bước vào giai đoạn giảm giá mạnh và kéo dài, so với mức kỷ lục 20.173,89 điểm ghi nhận ngày 16/12/2024.

Trong khi đó, Dow Jones giảm 5,50% xuống 38.314,86 điểm. Như vậy chỉ số này đã bước vào giai đoạn điều chỉnh so với mức đóng cửa kỷ lục 45.014,04 điểm vào ngày 4/12/2024. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 5,97% xuống 5.074,08 điểm, mức thấp nhất trong 11 tháng.

Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 9,1%, Dow Jones giảm 7,9% và Nasdaq giảm 10%. Đáng chú ý, cả ba chỉ số đều ghi nhận mức giảm trong hai ngày lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 gây ra sự hoảng loạn toàn cầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Trong hai phiên 3-4/4, chỉ số Dow Jones giảm 9,3%, S&P 500 giảm 10,5% và Nasdaq giảm 11,4%.

Theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data, giá trị cổ phiếu Mỹ đã bốc hơi khoảng 9.600 tỷ USD kể từ ngày 17/1, tức phiên cuối cùng trước khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Khoảng 5.000 tỷ USD trong số đó đã biến mất chỉ trong hai phiên 3-4/4, đánh dấu hai ngày sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử.

Hậu quả từ việc ông Trump áp thuế quan trên diện rộng đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Triển vọng này đã xóa sạch hàng nghìn tỷ USD giá trị của các công ty Mỹ. Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi quan ngại của thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa phiên 4/4 ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, cho thấy sự hoảng loạn ngày càng tăng trong giới đầu tư.

Nối tiếp đà bán tháo toàn cầu, ngày 4/4, chứng khoán châu Á giảm sâu do lo ngại chiến tranh thương mại từ thuế quan Mỹ, cùng rủi ro suy thoái và lạm phát tăng cao.

Các nhà đầu tư châu Á tiếp tục bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh lo ngại về khả năng xuất hiện thêm các diễn biến có thể gây tiêu cực cho thị trường vào cuối tuần.

Khép lại phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,8% xuống 33.780,58 điểm, khi các nhà sản xuất ô tô tiếp tục chịu áp lực. Toyota mất hơn 4% trong khi Nissan và Honda đều giảm hơn 5%. Cổ phiếu của những "người khổng lồ" công nghệ Sony và nhà đầu tư công nghệ SoftBank cũng giảm mạnh.

Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường chứng khoán Sydney, Singapore, Bangkok, Seoul, Wellington, Mumbai và Manila.

Phiên này, các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải, Đài Bắc và Jakarta đóng cửa nghỉ lễ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link