01/11/2011 10:28 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Bé bỏng và thánh thiện, Danica May Camacho đã hé mắt nhìn đời chỉ vài phút sau khi sinh tại một bệnh viện ở Philippines. Có điều, sự ra đời của Danica không chỉ có ý nghĩa với mẹ đẻ Camille và cha Florante. Cô bé còn được xem là một trong những biểu tượng cho thấy nhân loại đã lần đầu đạt mốc 7 tỉ người.
Mọi chuyện bắt đầu khi LHQ dự báo rằng đứa trẻ thứ 7 tỉ của thế giới sẽ chào đời vào ngày 31/10. Dù tính chính xác của dự đoán còn gây nhiều tranh cãi, với một số nhóm nghiên cứu cho rằng mốc 7 tỉ người chỉ tới vào năm sau, rất nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các hoạt động đánh dấu sự kiện quan trọng này.
Những trẻ đánh dấu một cột mốc lớn
Zambia tổ chức một cuộc thi viết bài hát về công dân thứ 7 tỉ của thế giới. Việt Nam tổ chức đêm nhạc hội với chủ đề “Thế giới 7 tỉ người – Dựa vào nhau cùng chung sống”. Nga đã tặng quà cho một số đứa trẻ “7 tỉ” sinh trong các thời khắc đầu tiên của ngày 31/10. Bờ Biển Ngà thì tổ chức một buổi biểu diễn hài kịch về chủ đề dân số.
Trong số đó, Philippines là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố họ sở hữu một “đứa trẻ thứ 7 tỉ”. Đứa trẻ này là một bé gái tên Danica May Camacho. Danica chào đời khoảng 2 phút trước nửa đêm ngày 30/10, trong sự chào mừng của rất đông phóng viên báo chí ở bệnh viện Jose Fabella tại thủ đô Manila. Cô bé nặng 2,5kg và rất khoẻ mạnh sau khi ra đời. “Bé trông thật đáng yêu” - mẹ của đứa trẻ, chị Camille Dalura, thì thầm khi vuốt ve con mình - “Tôi không thể tin nó là công dân thứ 7 tỉ của thế giới”.
LHQ đã gửi tặng một chiếc bánh mừng sự kiện bé Danica
trở thành công dân thứ 7 tỉ của trái đất
Danica là đứa con thứ 2 của Dalura và người bạn đời của chị, anh Florante Camacho. Sau khi Danica chào đời, các quan chức LHQ đã xuất hiện và tặng cho bé một chiếc bánh ga tô. Ngoài ra bé còn được nhận một số món quà khác gồm một suất học bổng và một khoản hỗ trợ tài chính để giúp cha mẹ bé mở cửa hàng tạp hoá.
Trong số những người tới chứng kiến sự ra đời của Danica có Lorrize Mae Guevarra, 12 tuổi. Cậu bé đã được Philippines tuyên bố là đứa trẻ thứ 6 tỉ của nhân loại, khi thế giới chạm cột mốc đáng nhớ hồi năm 1999. “Tôi rất vui khi được ngắm nhìn đứa trẻ dễ thương này. Tôi hy vọng giống mình, bé sẽ lớn lên khoẻ mạnh và được mọi người yêu thường” - Guevarra nói.
Cùng ngày, Ấn Độ cũng công bố công dân biểu tượng thứ 7 tỉ của họ là bé gái Nargis, được sinh ra tại vùng Lucknow ở phía Bắc đất nước vào lúc 7g20' sáng ngày 31/10. Còn Nga thì cho biết công dân biểu tượng thứ 7 tỉ của họ là bé Petr Nikolaev, ra đời lúc 0g02' ngày 31/10.
Được biết LHQ đã từng nêu danh một đứa trẻ người Bosnia, bé Adnan Mevic, là cư dân thứ 6 tỉ của trái đất vào ngày 12/10/1999. Khi đó Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã tới một bệnh viện ở Sarajevo, bế Mevic trên tay và chụp hình cùng đứa trẻ. 12 năm đã trôi qua và gia đình Mevic giờ sống trong cảnh nghèo khó. Tương tự là số phận của Matej Gaspar, đứa trẻ thứ 5 tỉ sinh ra tại Croatia. Gia đình cả hai đã than phiền rằng LHQ chọn con họ làm biểu tượng, nhưng sau đó lại bỏ mặc không quan tâm tới số phận của chúng. Đó là một phần trong lý do vì sao năm nay người ta không chọn một đứa trẻ “điển hình” để kỷ niệm việc thế giới có 7 tỉ người.
Khi lo lắng lấn át niềm vui
Thay vì thế, LHQ gọi 31/10 là “Ngày 7 tỉ” và những đứa trẻ như Danica May Camacho sinh ra trong ngày này sẽ nghiễm nhiên trở thành các công dân thứ 7 tỉ của Trái đất. Các bé là bằng chứng sống cho thấy thế giới đã có thêm 1 tỉ người, tức gần bằng quy mô dân số Trung Quốc, kể từ khi Adnan Mevic chào đời.
Dudley Poston, một giáo sư về dân số học tại Đại học Texas, cho Reuters biết rằng nhân loại chạm mốc 1 tỉ người đầu tiên trong những năm 1800. Khi đó tỉ lệ sinh lớn đã được cân bằng nhờ tỉ lệ chết của trẻ sơ sinh rất cao, bệnh tật và chiến tranh diễn ra liên miên khiến nhiều nam giới tử vong khi họ đang ở độ tuổi sinh sản tốt nhất.
Dần dần, khoa học tiến bộ khiến tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và bệnh tật giảm đi, cộng với tỉ lệ sinh cao đã khiến nhân loại đạt mức 2 tỉ người vào năm 1930 và 6 tỉ người vào năm 1999. Với tỉ lệ 2 đứa trẻ sinh ra mỗi giây như hiện nay, mốc 7 tỉ người hiện nay sẽ tiếp tục tăng lên một cách chóng mặt, tới mức 10 tỉ người vào năm 2100. LHQ dự báo Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong vai trò quốc gia đông dân nhất vào năm 2025, khi nó có 1,5 tỉ dân.
Năm nay, các băn khoăn liên quan tới tình trạng suy thoái môi trường do dân số tăng nhanh và nỗi lo chúng ta sẽ không thể có đủ thực phẩm để nuôi cả cộng đồng dân cư khổng lồ, đã phủ bóng lên sự kiện đứa bé thứ 7 tỉ chào đời. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Ghulam Nabi Azad nói rằng sự ra đời của đứa trẻ thứ 7 tỉ “đã mang tới những lo lắng lớn lao”. “Chúng ta không nên ăn mừng khi đứa trẻ thứ 7 tỉ chào đời. Chúng ta chỉ nên làm điều đó khi dân số toàn cầu ổn định” - ông nói trên tờ Times of India.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng tuyên bố ông sẽ không xuất hiện cạnh đứa trẻ thứ 7 tỉ nào. Ông nói rằng đứa trẻ thứ 7 tỉ sẽ bước vào “thế giới của những mâu thuẫn”, đặc biệt khi em sống trong một gia đình nghèo khó. “Thế giới có rất nhiều thực phẩm, nhưng vẫn có khoảng 1 tỉ người phải lên giường với chiếc bụng đói vào mỗi tối. Nhiều người tận hưởng cuộc sống sung túc, xa hoa, nhưng còn rất đông những người khác đang vật lộn với cái nghèo” - ông nói trên tờ Times.
Trong bài phát biểu trước các sinh viên ở New York hồi tuần trước ông Ban lại nhắc nhở: “Đây không phải là câu chuyện về những con số mà là về con người. 7 tỉ người cần có đủ thực phẩm. Họ cần có đủ năng lượng, cơ hội việc làm và giáo dục, quyền lợi và sự tự do, quyền tự do phát ngôn, quyền tự nuôi dạy con cái trong hoà bình và an ninh. Tất cả những gì bạn muốn cho bản thân, hãy nhân nó với con số 7 tỉ”.
Tường Linh (Theo AFP)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất