Chuông vàng vọng cổ năm 2022: Có gì để chờ đợi?

01/08/2022 07:46 GMT+7 | Văn hoá

Cuối tuần qua, Đài Truyền hình TP.HCM đã tổ chức họp báo về cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2022. Mỗi năm, Chuông vàng vọng cổ lại đến như một “người bạn” quen thuộc của khán giả và người yêu thích cải lương. Cuộc thi ra đời năm 2006, đến nay là lần thứ 17, bất kể “dư âm” của hai năm dịch bệnh, cuộc thi vẫn xôm tụ, chứng tỏ đời sống cải lương vẫn sôi động trong giới trẻ.

'Màu lạ' từ Chuông vàng Vọng cổ 2019

'Màu lạ' từ Chuông vàng Vọng cổ 2019

Đường đua chính thức của cuộc thi "Chuông vàng Vọng cổ" 2019 - lần thứ 14 đã bắt đầu mở ra từ tối qua (17/7) tại Nhà hát Truyền hình TPHCM.

1. Thật sự, Chuông vàng vọng cổ là cuộc thi đãi cát tìm vàng, để tìm ra những tài năng cải lương mới trong quần chúng, đa số là những người chưa tham gia làm nghề chuyên nghiệp, chỉ mới hoạt động tài tử, hoặc cũng có làm nghề nhưng còn mới mẻ.

Và tiêu chí quan trọng nhất của cuộc thi cũng là tìm ra giọng ca lạ, độc đáo, rồi từ đó có thể phát triển lên để họ có thể trở thành nghệ sĩ thực thụ. Vì thế, nhiều thí sinh còn rất vụng về trong biểu diễn, họ chỉ ca thôi chứ chưa bao giờ diễn, nên đến phần thi trích đoạn luôn có huấn luyện viên hỗ trợ cho họ về chuyên môn (như vũ đạo, hình thể, trang phục…) thì họ mới diễn được.

Chú thích ảnh
Họp báo Chuông vàng vọng cổ năm 2022. Ảnh: V.B

Ngay cả phần ca, dù họ đã rèn luyện rất nhiều, nhưng vẫn cần huấn luyện viên chăm chút, chỉnh sửa thêm về giọng, nhịp, nhả chữ, phát âm, phân câu… để tăng thêm chất lượng. Từ sự thô mộc, bản năng, các thí sinh có cơ hội được học nghề cấp tốc, tiến bộ thấy rõ qua từng vòng thi, nên dù có rớt đi chăng nữa, thì họ cũng tiếp thu được nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm về nghề, với bản lĩnh khác hẳn. Hoặc từ đây mà rèn luyện thêm để tham gia cuộc thi lần sau, hoặc tham gia những cuộc thi khác về vọng cổ, cải lương.

Như vậy, Chuông vàng vọng cổ rõ ràng là một cuộc đãi cát tìm vàng khó khăn, bắt đầu từ những hạt vàng thô sơ nhất, còn bị bao phủ bởi lớp bụi bên ngoài, ban tổ chức phải có con mắt sáng, có cái tâm sáng, để nhìn ra và nhặt lấy, trau chuốt cho nó sáng lên. Mà trau chuốt chỉ trong vài tuần, vài tháng là chuyện không hề đơn giản. Cho nên sẽ thấy thí sinh này trong vòng đầu thì khá, vòng sau lại yếu, hoặc ngược lại, vòng đầu yếu, vòng sau lại khá. Lý do thì nhiều, có khi do sức khỏe yếu đi bất thường, có khi chưa phù hợp với nhân vật, vai diễn, có khi chưa nỗ lực đúng mức… Vì thế, kết quả có khi không như người ta dự báo, không như người ta kỳ vọng.

Bởi vậy, đòi hỏi con mắt và cái tâm của ban tổ chức, ban giám khảo phải thật sáng và công bằng.

Chú thích ảnh
Võ Thành Phê (phải), CVVC năm 2008, một chất giọng trầm và đẹp hiếm hoi bây giờ. Ảnh: H.K

2. Đã từng có những tranh cãi về tiêu chí chấm thi, hoặc về kết quả người thắng cuộc. Hy vọng lần này sẽ có sự thống nhất cao hơn về tiêu chí. Chẳng hạn, một thí sinh rất khá qua nhiều vòng thi, nhưng đến chung kết thì giọng bị rè mà vẫn đoạt huy chương vàng, với lý do ban giám khảo chấm cả quá trình, thì liệu có thuyết phục? Thiết nghĩ, dù rất thương thí sinh ấy bị sự cố bất ngờ, nhưng vẫn phải tính trên điểm số chính xác của thực tế vòng thi hiện tại, mới gọi là công bằng với các thí sinh khác. Thử liên tưởng, một học sinh đi thi đại học, điểm số thấp, rồi được xét học bạ nói rằng cả quá trình 3 năm trung học đều giỏi, để cho em đậu đại học, có ai chấp nhận? Cho em này đậu, là tước đi cơ hội của một em khác.

Tiêu chí chủ yếu đặt vào chất giọng, tuy ban tổ chức luôn yêu cầu và hy vọng phát hiện những giọng ca độc, lạ, nhưng nói thật là càng về sau càng khó tìm ra những giọng ca như thế. Hầu hết là những giọng na ná nhau, ít nổi bật một cách rõ ràng, hoặc có nổi thì chỉ như “so bó đũa chọn cột cờ”. Và đa số thuộc giọng kim, chất treble và mid nhiều hơn chất bass, hiếm gặp chất giọng trầm ấm như các nghệ sĩ một thời, ví dụ Mỹ Châu, Thanh Sang, Thanh Tú, Ngọc Giàu…

Chú thích ảnh
Võ Minh Lâm, CVVC lần thứ 1 năm 2006, nay đã thành một kép chánh sáng giá. Ảnh: H.K

Lâu lâu xuất hiện một giọng hơi trầm thì giám khảo đã nhận xét là “thiếu bay lượn, trầm bổng” và cho điểm thấp. Đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt về việc này giữa các giám khảo và huấn luyện viên. Nhân vật mà thí sinh ấy đóng có tính cách hiền hậu, có số phận khá bi thương, trích đoạn ấy chủ yếu nghiêng về tình cảm sâu lắng hơn là kịch tính, như vậy chất giọng trầm ấm của em rất phù hợp, ngọt ngào, rung động, không thể xử lý giọng ca cao vút hoặc uốn lượn quá nhiều được. Thế nhưng, dường như ban giám khảo luôn đặt tiêu chí giọng ca phải lên bổng xuống trầm, kịch tính, cho nên đã thấy hầu hết thí sinh qua nhiều lần thi đều rèn giọng theo tiêu chí đó.

Với những xu thế chấm thi và ca hát như vậy, thì lớp trẻ phải chạy theo thôi. Họ đâu có đủ bản lĩnh để đi ngược dòng. Thú thật là nghe cải lương bây giờ thấy khá mệt mỏi, bởi đa số chất giọng treble cao vút, oằn oại, nghe hồi lâu sẽ tác động tới… “thần kinh”. Nhất là các trích đoạn cũng đều chọn lựa sao cho đầy kịch tính để thí sinh trổ tài đủ mọi cung bậc tâm lý, thì giọng ca càng phải cao vút, gào thét, thiếu đi sự nhẹ nhàng, mà sâu sắc. Ví dụ nghe Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Mỹ Châu, Trọng Phúc… ca, có cần uốn lượn gì đâu, mà vẫn “cứa” vào trái tim người ta. Tất nhiên, những “cao thủ” này vẫn biết nhấn nhá trong từng câu, chữ, nhưng không phải là kiểu bay lượn cố tình làm màu sặc sỡ.

Làm sao tìm được hoặc tìm thêm những giọng ca như thế, đừng bỏ mất những mầm nhỏ tài năng chỉ bởi họ không đi theo xu thế?

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link