Chuyện cần biết thêm về ca khúc 'Bụi phấn'

16/12/2014 10:29 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Câu chuyện âm nhạc trên TT&VH Cuối tuần số 47 ra ngày 20/11/2014, có bài viết về ca khúc Bụi phấn (Bụi phấn vẫn rơi trên tóc thầy), trong đó, qua chuyện kể của nhạc sĩ Vũ Hoàng, đã có những chi tiết chưa thật chính xác. Để bạn đọc có thông tin chính xác hơn về hoàn cảnh ra đời và những câu chuyện đằng sau bài hát này, chúng tôi cung cấp thêm góc nhìn của nhạc sĩ Lê Văn Lộc (đồng tác giả bài hát).  

Người thầy trong bài hát là… có thật

Bài báo nêu trên có đề cập chi tiết anh Vũ Hoàng có gặp tôi để xin 6 câu thơ phổ nhạc bài Bụi phấn, đó là chuyện không chính xác. Bởi năm 1982, Thành đoàn - Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp với CLB Sáng tác trẻ mở một lớp hướng dẫn cho các nhạc sĩ trẻ sáng tác thực tế. Lớp này kéo dài khoảng 2, 3 tháng và người đứng ra hướng dẫn chính là nhạc sĩ Trương Quang Lục, còn tôi là lớp trưởng.

Lúc ấy, trong những giờ dạy, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn thường đưa ra những ví dụ về thủ pháp phát triển viết lên bảng và sau đó khi mọi người chép xong thì ông sẽ ngồi xuống diễn tấu minh họa ngay trên đàn piano. Trong một lần, khi ông ngồi xuống ghế để đàn piano thì tôi thấy trên đầu ông dính đầy bụi phấn. Tôi thấy hình ảnh đó quá đẹp, thế là tôi sáng tác liền. Viết xong, tôi giơ tay lên, thầy mới hỏi: “Thắc mắc gì à?”, tôi bảo: “Dạ thưa không, tại hồi nãy thầy viết bảng bụi phấn dính trên đầu em thấy đẹp quá. Em đã sáng tác được một bài hát và em xin hát tặng thầy”. Nhạc sĩ Trương Quang Lục mới hỏi lại: “Giọng gì?”, “Dạ giọng Đô”. Ông hỏi tiếp: “Nhịp gì?”, “Dạ nhịp 3/4”. Sau cùng ông nói: “Tôi đệm em hát”. Thế là thầy trò tôi người đàn kẻ hát. Hát xong cả lớp vỗ tay rần rần. Sau đó nhạc sĩ Trương Quang Lục mới nói: “Đây là một bài nhạc chưa hoàn chỉnh, nếu được hoàn chỉnh sẽ là một bài nhạc rất tốt vì cảm xúc chân thật quá”.  


Theo nhạc sĩ Vũ Hoàng, thì việc anh cung cấp bài nhạc Bụi phấn (ảnh trái) cho TT&VH Cuối tuần là không chính xác vì tập nhạc này (Bụi phấn - 15 ca khúc chọn lọc Vũ Hoàng) phát hành năm 1993 (có ghi ý thơ: Lê Văn Lộc) là đã quá cũ trước khi được sửa đổi cho đúng. Ảnh bên phải là tập nhạc được in trong cuốn 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 phát hành năm 2000 (ảnh do nhạc sĩ Lê Văn Lộc cung cấp) với phần tác giả đã được ghi chính xác

Chuyện đến đó thì xong. Sau khi tan học, tôi về đến hồ Con Rùa thì thấy Vũ Hoàng đang ngồi với Cao Vũ Huy Miên, tôi tấp vô. Tôi với Vũ Hoàng lúc ấy thân nhau lắm. Sau khi kể lại câu chuyện, tôi nói “mà ông (tức nhạc sĩ Vũ Hoàng) đang dạy ở Cao đẳng Sư phạm thì ông hoàn chỉnh là quá tốt rồi. Ông hoàn chỉnh đi”. Vũ Hoàng coi sơ qua và bỏ ngay tờ nhạc của tôi vào giỏ. Sáng hôm sau, Vũ Hoàng gặp tôi và khoe là đã viết rồi, có phàn nàn rằng chữ “bục giảng” cao độ nó hơi lên trên, nên Vũ Hoàng kéo xuống dưới, và kéo được rồi.

Trong quá trình viết, rõ ràng là Vũ Hoàng có tham gia điều chỉnh, bổ sung và sau đó phát triển thêm câu cuối: “Mai sau lớn nên người/Làm sao, có thể nào quên/Ngày xưa thầy dạy dỗ/khi em tuổi còn thơ”, là phần 2 của đoạn B. Còn những đoạn trước đó đều là của tôi, Vũ Hoàng chỉ có bổ sung chút ít, hoặc sửa cao độ cho ngọt hơn mà thôi.

Cho nên với bài hát này không thể nói tôi chỉ đóng vai trò là ý thơ hay là lời thơ được. Mà phải coi tôi là đồng tác giả.

Đồng tác giả  

Khi bài Bụi phấn ra đời, thì lúc này lúc khác tôi toàn thấy tên mình ở phần “ý thơ, lời thơ”. Đến năm 1997, đã có một cuộc họp mang tính chất nội bộ là phần nhiều, giữa những nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TP.HCM. Bữa đó có rất nhiều nhạc sĩ như Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Trần Minh Phi, Ngô Tùng Văn, Vũ Hoàng và tôi cùng họp nhằm để xác định đúng tác giả bài Bụi phấn là ai? Cuối cùng buổi họp đó đã công nhận tôi là đồng tác giả với Vũ Hoàng. Đó là lần điều chỉnh đầu tiên. Nhưng lần điều chỉnh lớn nhất là năm 2002 khi Công ty Dệt Thái Tuấn vi phạm bản quyền vì đưa phần lời bài hát lên quảng cáo với cách làm rất bôi bác và không xin ý kiến tác giả. Và sau đó nhạc sĩ Vũ Hoàng và tôi (nhạc sĩ Lê Văn Lộc) đã cùng ký tên với tư cách đồng tác giả để kiện. Kết quả là chúng tôi thắng, được bồi thường 20 triệu, mỗi người được 10 triệu đồng.

Sau đó các báo đều đưa tin là Vũ Hoàng - Lê Văn Lộc là đồng tác giả bài Bụi phấn.

Nhắc lại trước đó một chút, năm 2000, ca khúc Bụi phấn được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Và trong cuốn sách nhạc in ra sau đó họ cũng ghi là “Nhạc & lời: Vũ Hoàng - Lê Văn Lộc”.

Thêm nữa, hai tác giả Vũ Hoàng và Lê Văn Lộc đều ký ủy thác tại Trung tâm Bản quyền tác giả Việt Nam. Khi ký thì các tác giả đều phải ghi rõ những tác phẩm của mình, trong đó ghi nhạc của ai, lời của ai. Ở phần bài Bụi phấn thì số tiền được chia tỷ lệ là 50/50. Đây là nguyên tắc phân chia với trường hợp đồng tác giả, khác với thơ phổ nhạc. Từ đó đến nay tôi và Vũ Hoàng đều ký nhận tiền tác quyền theo sự phân chia này.  

Thật sự cả hai chúng tôi đều là đồng tác giả bài hát này.

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link