20/12/2011 13:01 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Không gọi đêm diễn My Way - Dòng đời sắp đến (21/12) là live show mà chỉ là kỷ niệm 50 năm cầm ca, bởi tại khán phòng 800 ghế của White Palace (TP.HCM), Elvis Phương dùng đến 500 vé mời, chỉ bán 300 vé cho những khách thật sự mến mộ mình. Khi TT&VH đề nghị một cuộc phỏng vấn, Elvis Phương ngại hai từ này, nghe chuyên môn quá, bởi anh không còn muốn hơn thua, được mất trong âm nhạc.
Mê ca hát từ nhỏ, đến mức bị cha đuổi ra khỏi nhà và từ không nhìn mặt trong 3 năm, Elvis Phương (sinh 1945 tại Bình Dương) bắt đầu biểu diễn ca hát từ 1960 tại trường dòng Regina Pacis. Trong hơn 1.000 ca khúc đã thu âm, Elvis Phương có khoảng 40-50 ca khúc được các nhạc sĩ “đo ni đóng giày” khá thành công, xét về hiệu ứng công chúng.
Bay cùng Phượng Hoàng
Khi tôi chuyển câu hỏi từ một người giấu tên, với nội dung: Anh nghĩ sao khi có vài nhận định cho rằng anh chỉ là ca sĩ hạng hai? Elvis Phương cười lạc quan: “Tất cả những phân hạng trong thiên hạ đều có cái lý của nó, tôi xin miễn bình luận. Tôi đến với âm nhạc nhờ đam mê, trong suốt 50 năm qua, dù gặp không ít khó khăn và tai nạn, nhưng đến giờ tôi vẫn được sống với đam mê của mình, quả là hạnh phúc. Không biết dòng đời sẽ đưa mình về đâu, nếu sau này khán giả không cần mình nữa, tôi sẽ ở nhà hát cho vợ tôi nghe. Nếu có nói điều gì vào dịp 50 năm, tôi muốn nói: Đời ca hát tôi không luyến tiếc”.
Elvis Phương thời mới vào nghề và bây giờ
Guitar bass Tiến Chỉnh chơi chung với Elvis Phương một thời gian trong ban nhạc Rockin’ Stars cho biết: “Phương mê âm nhạc, hiền lành và có một giọng hát khỏe mạnh. Một trong những người tiên phong của phong trào nhạc rock Việt Nam vào thập niên 1960 và cũng có thể là ca sĩ đầu tiên chuyển từ hát rock ngoại quốc sang hát rock Việt Nam thành công, với 2 nhóm nhạc làm bảo chứng là Shotguns và Phượng Hoàng”.
Nhiều người còn nhớ, khi mới thành lập (năm 1970), Phượng Hoàng định mời Thanh Mai về làm ca sĩ chính, nhưng bị từ chối, Elvis Phương là người thế chỗ. Như một cơ duyên, ban nhạc này “lăng-xê” Elvis Phương với các ca khúc rock Việt và bù lại, tiếng hát Elvis Phương đưa tiếng tăm của Phượng Hoàng đi xa.
Đêm kỷ niệm 50 năm cầm ca do Trần Vi Mỹ đạo diễn, với 26 ca khúc được tuyển chọn và hòa âm, phối khí mới. Elvis Phương sẽ song ca 4-5 bài cùng Lệ Thu, Thanh Hà, Mỹ Tâm, Phương Vy và em gái của mình - ca sĩ Kiều Nga. Vé đang được bán tại cà phê Regina (84 Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM).
Tuy là hậu bối, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh có nhiều kỷ niệm với Phượng Hoàng, từng thực hiện các phỏng vấn, ghi chép cho việc nghiên cứu. Anh nhận định khá mạnh dạn: “Trong lịch sử nhạc Việt, cùng với ban Phượng Hoàng, Elvis Phương đã tạo nên một kỳ tích không có đối thủ. Sự mạnh mẽ và đầy sảng khoái trong tiếng hát của anh đã khiến cho nhạc trẻ Việt Nam có một điểm tựa thú vị”.
“Trước đó, với nhạc Việt, người ta quen nghe sự mềm mại và da diết. Đến giai đoạn của Elvis Phương, nhạc trẻ Việt Nam có thêm vài chọn lựa, được giới thiệu đồng bộ, độc đáo và khiến những ai từng là khán giả của thập niên 1960, có thể vẫn lưu lại ký ức kỳ diệu đó cho đến tận hôm nay”, Nguyễn Tuấn Khanh nói thêm.
Bắt nhịp cầu âm nhạc
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn thì nhìn dưới góc độ hiện tượng xã hội: “Về bối cảnh xuất hiện, tuy không thuộc diện danh ca hạng nhất, nhưng công sức của Elvis Phương lại khá nhiều. Ví dụ, Elvis Phương đã dung hòa được nhạc trẻ của Pháp với nhạc rock của Mỹ - hai thứ thịnh vượng, gây ảnh hưởng thời bấy giờ. Là trung gian giữa nhạc của lớp ưu tú và bình dân, góp phần làm cho thị trường âm nhạc thêm sức sống. Sau cùng là nghệ sĩ đi đầu trong việc kết nối hải ngoại và trong nước”.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng viết về ban Phượng Hoàng: “Trong giai đoạn phát triển tột bậc của âm nhạc tại miền Nam, đã có nhiều xu hướng khác nhau. Nhưng tất cả đều nằm trong 2 chủ đề: Tình yêu và chiến tranh/ hòa bình. Riêng về tình khúc có nhạc tình tân lãng mạn, nhạc tình cảm tính, nhạc tình não tính, nhạc tình nhục tính... Như thế đã đủ chưa? Xin thưa chưa đủ. Bởi vì còn nhạc tình ảo tính của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà nữa. Hai nhạc sĩ nòng cốt của ban nhạc Phượng Hoàng trong thời kỳ này đã soạn nên những tình khúc tôi cho là mới mẻ nhất. Với nhạc ngữ rất lạ, phù hợp với ban nhạc combo hơn là nhạc tiền chiến. Những hợp khúc của họ không thua gì những bài hay nhất của nhạc rock Hoa Kỳ”.
Rocker Phan Ngọc Linh thì cho rằng: “Elvis Phương đã góp nhiều công sức để khơi mở một dòng nhạc trẻ và nhạc dịch đầu thập niên 70 của thế kỷ trước”.
“Elvis Phương hát đã trình bày rất nhiều thể loại, nhưng nhạc trẻ vẫn là mảng rực sáng trong sự nghiệp của ông”, Nguyễn Tuấn Khanh nói. “Nhạc trẻ Việt khi viết nên lịch sử của nó, chắc chắn không bao giờ có thể thiếu cái tên Elvis Phương”, nhạc sĩ Lê Hựu Hà thường trầm ngâm nói vậy lúc sinh thời.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất