31/01/2018 07:19 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Trả lời phỏng vấn sau khi trở về Việt Nam, HLV trưởng Park Hang Seo khẳng định, vai trò cũng như công lao của các trợ lý HLV là cực lớn.
Thần thiêng nhờ bộ hạ
“Chúng tôi đã làm việc cật lực cùng nhau. GĐKT Gede có những thông tin rất bổ ích từ các đội bóng Trung Đông và Tây Á, điều đó giúp ích nhiều cho đội bóng. Ông ấy là người quan tâm đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam”, thuyền trưởng xứ Kim chi đề cao vai trò của các thành viên BHL.
Vẫn có câu: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Rõ ràng, một mình HLV Park Hang Seo không thể làm một cuộc cách mạng triệt để, đem lại thành công cho đội tuyển U23 Việt Nam, tạo cột mốc lịch sử cho nền bóng đá xứ sở tại VCK U23 châu Á 2018. Họ đã làm điều đó như thế nào? Bằng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các nền bóng đá Trung Đông, Tây Á và khu vực vùng Vịnh, sự am tường giúp GĐKT Gede đưa ra những lời khuyên bổ ích, để HLV Park Hang Seo có những toan tính về chiến thuật chuẩn bị. Ông Gede không phải là trợ lý HLV video, nhưng công việc của ông tại VCK U23 châu Á 2018 cũng gần như thế.
Việc tổng hợp các ý kiến và phân tích được giao cho trợ lý Lee Young Jin, trước khi thuyền trưởng Park đưa ra quyết định cuối cùng. Ở một vài thời điểm của trận đấu, trợ lý Lư Đình Tuấn cũng thay “cơ trưởng” đứng ra chỉ đạo đội bóng, trong khi, phụ trách thủ môn là Nguyễn Đức Cảnh. Chiến thuật chuẩn bị có vai trò quan trọng, và về cơ bản, nó được khu biệt bởi 2 khâu: Tìm hiểu về năng lực, sở trường và sở đoản của đối thủ sắp tới; kế đến mới là việc mài sắc vũ khí, đưa ra đối sách. Đấy gọi là biết người biết ta, trăm trận mới hy vọng không thua. Các đối thủ, dù ở tầm U23 quốc gia, không yếu đi, nhưng chúng ta đã có những đột phá cách mạng.
Giỏi thích nghi với mọi hoàn cảnh
Cũng theo chia sẻ của HLV Park Hang Seo và thực tế, phần lớn chúng ta đều cảm nhận được, rằng những diễn biến của trận đấu đôi khi không thuận theo kế hoạch chuẩn bị. Đội bóng đã phải đưa ra nhiều phương án khác nhau, nhưng khi không “khớp lệnh”, thì việc “tùy cơ ứng biến” sẽ mang tính sống còn. Khả năng đọc, phân tích tình huống và trận đấu, để đưa ra những điều chỉnh về nhân sự, cũng như chiến thuật của BHL đội tuyển U23 Việt Nam là hoàn hảo.
Không một sự thay đổi nào của ông Park và cộng sự, không phát huy tác dụng, kể từ trận đầu ra quân thua U23 Hàn Quốc đến trận đánh cuối cùng trước U23 Uzbekistan… Gói kích cầu hoàn hảo bóng đá trẻ ở cấp độ bóng đá trẻ, với đại diện là các đội tuyển trẻ quốc gia, bóng đá Việt Nam rõ ràng là có tiềm năng. Không phải đến tận bây giờ, sau thành công của U19, rồi U23 Việt Nam từ đôi ba năm đổ lại, mà từ cách đây gần 20 năm, tiềm năng ấy đã được chứng minh. Chúng ta hẳn chưa quên U16 Việt Nam, lứa những Văn Quyến, Như Thuật…, từng lọt vào bán kết VCK U16 châu Á năm 2000 và thậm chí thắng cả Trung Quốc.
Thành công của bóng đá trẻ Việt Nam ở một vài thời điểm, bao gồm cả chiến dịch vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 của đội tuyển U23+3…, đã không được kế thừa một cách liên tục, vì nhiều lý do chủ quan. Những người dị đoan cho rằng, bóng đá đôi khi ăn may được một đôi lứa cầu thủ tốt, cộng với HLV tốt và gặp vận thì dễ… “lên hương”. Song thực tế là, chân đế đào tạo trẻ cũng như bóng đá học đường của Việt Nam đã không phát huy hết tiềm năng, với cơ chế đầu tư kiểu cũ, thậm chí là đi tắt đón đầu, thành tích và tự mãn…, chứ không phải chuyện hên xui.
Năm 2013-2014, khi lứa cầu thủ U19 của Học viện HAGL liên kết với Arsenal và JMG toàn cầu “ra rang”, gây được tiếng vang, khơi gợi được tình yêu bóng đá và thậm chí cả tinh thần tự tôn dân tộc, các trung tâm và một số các CLB khác mới ý thức nhiều hơn vào khâu đào tạo. Nếu nâng chất ngay từ khâu đào tạo (bao gồm công thức đào tạo, đội ngũ HLV, dinh dưỡng và yếu tố sân bãi), chúng ta có cơ hội tiệm cận, thậm chí là chinh phục đỉnh cao bóng đá trẻ châu lục.
Kỳ 3: Những chiến binh đích thực
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất