Chuyện của 'Bộ tứ sông Hồng': Lời kể từ 'người đặt tên'

19/06/2018 07:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hẳn, chúng ta đã nghe nhắc tới sự hội tụ âm nhạc của "bộ tứ sông Hồng" từ vài tuần trước, khi ca sĩ Tùng Dương tổ chức live concert Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng. Ở chương trình ấy, anh biểu diễn những ca khúc của 4 nhạc sĩ gạo cội: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường và Trần Tiến.

Nhưng, đằng sau danh xưng ấy lại là một câu chuyện dài về tình bạn của 4 nhạc sĩ – cho dù họ chưa bao giờ có ý định lập thành "bộ tứ" cùng nhau.

Từ hơn một thập kỷ...

Trong số những người bạn của “bộ tứ sông Hồng”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha là người thân thiết nhất với cả 4 nhạc sĩ. Và, ông cũng là người đầu tiên có công “gán ghép” họ lại với nhau

Không phải theo kiểu gặp người nọ thông qua người kia, bản thân Nguyễn Thụy Kha đã kết giao với từng người trong “bộ tứ sông Hồng”, rồi sau mới vỡ ra là 4 nhạc sĩ cũng có liên hệ.

Chú thích ảnh
Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: HBN

“Bộ tứ sông Hồng” ban đầu được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đặt là “tứ quái”. “Tôi cảm giác 4 người họ như tứ quái trong một bát quái: Phương – Thủy, Tiến – Thổ, Thụ - Mộc còn Cường, tuy mệnh Mộc đấy nhưng cái chất thì đúng là Hỏa”, ông nói.

Cảm nhận này được ông rút ra sau hơn 10 năm làm bạn với 4 nhạc sĩ, từ đầu thập niên 1980. Người đầu tiên là Phó Đức Phương, ông gặp nhân một lần đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Thường. Rồi đến Nguyễn Cường với sự đồng cảm về Tây Nguyên ở buổi trò chuyện sau đêm nhạc Nguyễn Cường làm tại Nhà hát Lớn.

Đến năm 1982, Nguyễn Thụy Kha được bạn bè kéo đi nghe Trần Tiến hát ở TP.HCM và 2 người chia sẻ kỉ niệm thời tham gia kháng chiến chống Mỹ. Qua câu chuyện hàn huyên, họ mới vỡ lẽ hóa ra ngày trước Trần Tiến từng bị sốt rét phải vào “ngủ nhờ” ở đơn vị của Nguyễn Thụy Kha.

Người cuối cùng là Dương Thụ, quen qua giới văn nghệ sĩ vào năm 1987. “Dương Thụ ngày ấy ít nổi tiếng nhất, nhưng hầu như anh em trong giới ai cũng biết đến với những sáng tác rất kĩ càng”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể.

Ngày trước, phương tiện liên lạc chủ yếu là thư tay. Bộ tứ khi ấy 2 người ở Sài Gòn, 2 người ở Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha từng không ít lần đến “tụ bạ” ở nhà Trần Tiến trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, khi về thì mang thư của Trần Tiến chuyển cho Nguyễn Cường.

Bản thân ông vẫn còn giữ những lá thư Trần Tiến gửi cho mình, nội dung kiểu như: “Kha thân, tao sắp sửa ra Hà Nội, mày kiếm chỗ nào biểu diễn tao với mày đi cho vui”.

Hay những kỉ niệm khi được đóng vai “thẩm định” sáng tác mới của 4 nhạc sĩ. Điển hình là với Một thoáng Tây Hồ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha từng “cố vấn” đổi “Bát ngát trăng ngân, một khoảng trời”, thành “Bát ngát trăng buông, một khoảng trời”.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp 4 nhạc sĩ bên hồ Hoàn Kiếm, cảm hứng để nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đặt tên “tứ quái”.

... đến “nửa thế kỷ”

Đó là Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam - chương trình do Hội nhạc sĩ tổ chức lần đầu năm 1994. Năm ấy Nguyễn Thụy Kha tham gia cùng với nhạc sĩ Dương Thụ.

Đây là thời điểm “tứ quái” ra đời. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha kể: “Tôi tình cờ thấy một bức ảnh, chụp 4 ông ở hồ Hoàn Kiếm cạnh hàng kem Thủy Tạ, tự dưng nảy ra cái tên “tứ quái” và viết 1 bài báo về 4 người”.

“Thấy tôi đặt họ như thế cũng nhiều người tỏ ý không đồng tình, dù 4 nhạc sĩ sau thời kỳ Đổi mới đã có những đóng góp nhất định cũng như xây dựng tên tuổi. Nhưng đến nay thì họ ngày càng khẳng định mình và không còn ai phản đối nữa”, theo lời nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Ông tự nhận mình được trời “se duyên” để đóng vai tri kỉ, đồng hành với “tứ quái” qua năm tháng, qua những đổi thay. “Giờ người ta nhìn họ, lớn tuổi rồi nên trầm tĩnh. Chứ tuổi trẻ họ cũng bùng nổ, nhiều cái xốc nổi lắm. Trần Tiến từng bị phản ứng... Sau này ngộ ra mới chọn cách đi khác”.

“Trong 4 người, có Trần Tiến, Nguyễn Cường rất bỗ bã, Phó Đức Phương vui vẻ còn Dương Thụ trầm tĩnh, thâm thúy hơn. Mỗi người một cá tính, một cách lập ngôn riêng, họ chẳng có gì phải cạnh tranh và cũng không ai can thiệp vào con đường của ai. Thành ra chơi với nhau rất bền”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói.

Cần có thêm những “nhóm nhạc sĩ trẻ”

Thế hệ nhạc sĩ hiện nay có rất nhiều cái tên tài năng, nhưng đáng tiếc là họ chưa chụm lại được với nhau, vẫn là những dòng chảy rất riêng rẽ. Trước đây chúng ta đã có không ít nhóm nhạc sĩ như “Những người bạn” với những cái tên nổi tiếng Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy,..., họ đã nâng cao nền sáng tác ở Sài Gòn một thời.

Chúng ta cần có thêm những nhóm nhạc sĩ trẻ, để phát triển sáng tác. Nhưng không dễ để làm được điều này, đòi hỏi đầu tiên là sự tương đồng ở quan niệm thẩm mỹ, đồng thời mỗi người cũng phải có chất riêng để không cạnh tranh lẫn nhau. (Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha).

Kỳ 2 & hết: "Bộ tứ sông Hồng": Sang – Hoang – Tàng – Lãng

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tùng Dương làm được điều 'Bộ tứ sông Hồng' chưa thể làm

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tùng Dương làm được điều 'Bộ tứ sông Hồng' chưa thể làm

Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ, ông cùng 3 người bạn khác trong 'bộ tứ sông Hồng' luôn muốn làm chung 1 liveshow nhưng "càng già càng đuối". Và tới đây, Tùng Dương với bản lĩnh và sức trẻ sẽ thay 4 ông hiện thực hoá khao khát đó.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link