Đặc trưng văn hóa mãi mãi không phải là thứ mà ta có được thông qua những bình chọn ồn ào, từ kết quả biểu quyết của đám đông, hay chỉ dựa vào cảm tính. Văn hóa là thứ tự bồi đắp qua thời gian và lịch sử sẽ chưng cất cho chúng ta những giá trị văn hóa tinh túy nhất!
Sau Quốc hoa, Bộ VHTT&DL đang tiếp tục ráo riết tìm ra trang phục phù hợp để làm Quốc phục. Trước tiên, phải thừa nhận rằng, việc lấy ý kiến nhân dân về Quốc hoa, Quốc phục và Quốc tửu là việc làm đáng vỗ tay hoan nghênh, bất cứ sự lựa chọn dân chủ đều đáng như thế. Hơn nữa, việc trưng cầu dân ý về một biểu tượng của quốc gia càng là một việc chính đáng cần biểu dương.
Thế nhưng ngẫm cho cùng thì biểu tượng của một dân tộc mà phải loay hoay lựa chọn sau mãi 4.000 năm dựng nước thì có lẽ không được bình thường cho lắm! Và thực chất Quốc hoa, Quốc phục và Quốc tửu đó là những đặc trưng văn hóa của người Việt trong cái sự uống, sự mặc và thưởng thức, vậy thì việc gì ta phải loay hoay để bình chọn?! Đặc trưng văn hóa của một dân tộc không phải là thứ mà ta có thể khiên cưỡng, gò ép mà thành, đó là trầm tích của tinh thần, là kết quả của một quá trình bồi lắng qua những thăng trầm lịch sử của một dân tộc.
Nước ta trải qua những 4.000 năm văn hiến, lịch sử đã cho dân tộc ta nhiều đặc trưng văn hóa đặc sắc. Bây giờ chúng ta lại đi tìm đặc trưng văn hóa từ việc biểu quyết của một đám đông, kể cũng lạ!
Trong năm vừa qua, sau những cuộc bình chọn ồn ào, nhiều tranh cãi thì cuối cùng nhiều người chọn hoa sen. Nhưng hoa sen có là loài hoa gắn liền với đời sống, là biểu tượng đặc trưng của người Việt hay không? Câu trả lời chắc chắn là còn chưa thống nhất. Bởi lẽ từ trước tới nay hoa sen ở Việt Nam chủ yếu là dùng… cúng lễ. Nhưng có lẽ chúng ta không cần ngại ngùng khi nó đã được chọn làm Quốc hoa của Ấn Độ hay Ai Cập. Bởi người Ấn có lý do vì đó là bông hoa nở dưới chân Đức Phật khi ngài chào đời, tại vườn Lâm Tỳ Ni. Còn với chúng ta thì sao? Sen thật ra chỉ là một loài hoa hoang dã, nó được nhắc đến nhiều trong văn học dân gian, loài hoa gắn với vùng Đồng Tháp Mười thuộc Tây Nam Bộ trong câu ca “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”.
Nếu so với hoa đào, hoa mai thì sen không có ảnh hưởng nhiều với đời sống người Việt. Rõ ràng, người ta có thể bỏ qua một mùa sen mà không nhiều băn khoăn nhưng không thể yên lòng nếu mùa Xuân mà không có hoa mai, hoa đào. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã khiên cưỡng đặt ra một thứ Quốc hoa mà nó chưa có nhiều giá trị với nhiều công dân. Và sau 1 năm sen làm Quốc hoa, đời sống của sen trong lòng người Việt cũng không vì thế tốt đẹp hơn, sen cũng mãi là loài hoa tượng trưng cho sự thanh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Và hiện tại là chuyện Quốc phục. Thử hỏi rằng, người Việt Nam mặc gì trong những dịp trọng đại, thứ quần áo nào không thể thiếu trong tủ quần áo trong mỗi gia đình. Đáng tiếc rằng trong kho tàng trang phục của 54 dân tộc nước ta không có trang phục nào quan trọng đến thế. Áo tứ thân, áo dài, áo bà ba, áo yếm, khố… đó đều là những trang phục mang tính đặc trưng của từng vùng miền, có từ lâu đời nhưng chẳng nơi nào giống nơi nào!
Theo thông tin, áo dài đang chiếm ưu thế sẽ là Quốc phục của phái nữ, Quốc phục dành cho nam thì còn đang có nhiều băn khoăn. Comple đen, thắt ca vát hay khăn đóng, áo dài đang là hai trang phục được nhắm đến nhiều nhất.
Áo dài cho phái nữ có lẽ là trang phục ít gây tranh cãi nhất. Song, từ giữa thế kỷ XX mới có áo dài, tức bề dày lịch sử thì thua xa các trang phục khác. Không những thế, theo GS Trần Lâm Biền thì chiếc áo dài mà ta thường thấy ngày nay là áo tân thời không phải của người Việt Nam, không phải xuất phát từ cuộc sống bình dân của con người Việt Nam. Áo của người Việt Nam xưa có hai vạt buộc và để thõng xuống. Áo có nhiều nếp, nhiều màu, bay bay theo gió, hòa sắc vào nhau.
Như vậy giá trị của áo dài không phải bắt nguồn từ tâm hồn dân tộc mà nó là sản phẩm của đô thị. Và sản phẩm ấy cho đến bây giờ vẫn chỉ gắn với dân đô thị còn nó chưa gắn với toàn bộ dân tộc Việt Nam. GS Biền cũng thẳng thắn rằng: “Áo dài đại diện cho văn hóa dân tộc thì cái đó để cho người nào dễ tính, ít hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc thì họ thích thú!”.
Với trang phục cho nam thì comple đen, thắt ca vát như đa số đang dùng dường như rất thích hợp trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nhất là với các chính khách, thương gia trên khắp thế giới. Song, đó là trong các nghi lễ phương Tây, còn phương Đông lại khác. Nếu áo dài khăn xếp trở thành Quốc phục thì sao? Khi ấy ta sẽ chứng kiến một hình ảnh khá tức cười là trong mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu của nhân dân cứ áo dài thướt tha, khăn xếp tròn trịa, lách cách guốc mộc đứng lên biểu quyết các dự luật!
Và liệu chúng ta có thể yên tâm khi lấy ý kiến từ các nhà thiết kế về Quốc phục không? Nếu nhìn vào những trang phục truyền thống dân tộc mà các nhà thiết kế tạo ra cho các người đẹp đi thi, giới thiệu với bạn bè thế giới thì sẽ rõ! Thời gian qua quá nhiều bộ trang phục chẳng khác nào “quái thai”, của nữ thì hở ngực, hở rốn, của nam thì như những nhân vật trong các game bạo lực. Vậy mà không ít “nhà thiết kế tài năng trẻ” cứ cao giọng cho đó là trang phục lịch sử thời Âu Lạc… Đối với những người hiểu biết thì những bộ trang phục ấy chỉ làm trò cười. Còn với bạn bè thế giới, những người ít hiểu biết về lịch sử văn hóa Việt thì lại nghĩ rằng cha ông ta ngày xưa mặc như thế. Thế mới sinh chuyện!
Trở lại việc bình chọn các đặc trưng dân tộc, đành rằng dân tộc nào cũng cần có bản sắc, điều đó dĩ nhiên cần thiết. Song bản sắc dân tộc không phải là những biểu tượng mang tính hình thức mà vì nó chúng ta phải khiên cưỡng gò ép tạo nên từ ý chí chủ quan.
Hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã luôn phải hấp thu bồi đắp những giá trị văn minh của nhân loại để tự đổi mới và vươn lên. Bản sắc của đất nước ta là sự dung nạp khả năng tiếp nhận. Do vậy, sao chúng ta phải nặng lòng tìm kiếm một thứ gì đó để làm đại diện cho dân tộc trong khi nó vốn dĩ không mang tính đại diện. Bất cứ giá trị nào được tạo ra một cách khiên cưỡng đều có kết cục là bị đào thải, điều này đã không hề xa lạ với tất cả chúng ta ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Và chẳng có điều gì đau xót bằng việc chứng kiến người dân thờ ơ với những thứ được xem là đặc trưng Quốc gia.
Đặc trưng văn hóa mãi mãi không phải là thứ mà ta có được thông qua những bình chọn ồn ào, từ kết quả biểu quyết của đám đông, hay chỉ dựa vào cảm tính. Văn hóa là thứ tự bồi đắp qua thời gian và lịch sử sẽ chưng cất cho chúng ta những giá trị văn hóa tinh túy nhất!
Theo Trúc Vân
Năng lượng mới