Chuyện của Văn Quyết, vấn đề với đội tuyển Việt Nam

04/10/2024 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

Vậy là Văn Quyết lại có tên trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia, sau hơn 2 năm vắng bóng. Khả năng cống hiến của Văn Quyết thì không có gì để bàn cãi, nhưng sự có mặt của anh trên đội tuyển mang đến cảm xúc lẫn lộn cho những ai quan tâm đến đội tuyển Việt Nam.

1. Có lẽ là sau Lê Huỳnh Đức, thì Nguyễn Văn Quyết là cầu thủ có thể chia đôi dư luận. Người khen ngợi cũng nhiều và số lượng người không thích cũng rất lớn, mặc dù cả 2 đều là những tiến đạo có tầm vóc lớn trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đặc biệt là ở giải vô địch quốc gia.

Ví dụ như Lê Huỳnh Đức, người bắt đầu sự nghiệp ghi bàn từ năm 1993 cho đến tận khi giải nghệ năm 2006. Bền bỉ 13 năm trên sân cỏ trong màu áo CLB, cống hiến không mệt mỏi ở đội tuyển, nhưng kèm theo là vô số những sự việc khiến nhiều người cho đến nay vẫn có lý do để không xếp chủ nhân của 3 danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam này vào danh sách "huyền thoại".

Tính đến nay, Văn Quyết cũng đã chơi bóng đỉnh cao hơn 13 năm và có thể còn thêm nhiều mùa giải nữa. Mấy hôm trước, tiền đạo quê ở Thạch Thất (Hà Nội) này đã đạt đến con số 116 bàn thắng ở V-League, ngang với kỷ lục của Lê Công Vinh.

Văn Quyết ghi bàn ổn định đến mức cứ mỗi lần có danh sách tập trung đội tuyển là người ta lại ngóng xem thử anh có được gọi tên hay không. Ngoài một số mùa bị kỷ luật hay chấn thương, thì Văn Quyết luôn là một trong những chân sút nội ghi bàn nhiều nhất V-League. 4 lần đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc, 2 Quả bóng vàng Việt Nam, 5 danh hiệu vô địch V-League… là quá nhiều cho một cá nhân, hơn thế, là một tiền đạo nội trong giai đoạn mà ngoại binh luôn áp đảo hàng tấn công tại V-League.

Nhưng cũng như Lê Huỳnh Đức, Văn Quyết không có sự nghiệp đáng nhớ trên đội tuyển quốc gia như các đồng đội cùng thời.

2. Việc Văn Quyết không có duyên ở đội tuyển quốc gia không hẳn là câu chuyện của cá nhân anh. Chúng ta hãy hình dung, hơn 10 năm qua, một tiền đạo luôn đứng trong tốp đầu về phong độ ghi bàn, được thừa nhận bởi tất cả các cầu thủ khác, được các HLV nội khen ngợi và luôn là số 1 ở CLB dù Hà Nội FC trải qua đến 6 đời HLV khác nhau, ấy vậy mà khả năng được triệu tập lên đội tuyển của Văn Quyết lại ít khi chắc chắn.

Nguyên nhân lớn nhất chính là độ vênh về chuyên môn giữa V-League và đội tuyển quốc gia. Nghĩa là bóng đá Việt Nam thiếu sự nhất quán về phong cách chơi bóng giữa giải quốc nội và đội tuyển.

Chuyện không chỉ của Văn Quyết - Ảnh 1.

Tại AFF Cup 2022, HLV Park Hang Seo từng gạt bỏ các vấn đề cá nhân để triệu tập Văn Quyết nhưng ông vẫn không thực sự trọng dụng tiền đạo này. Ảnh: Hoàng Linh

Các HLV nước ngoài khi đến với bóng đá Việt Nam thì mỗi người một phong cách. Có lúc, lối chơi của đội tuyển gần như là một đường thẳng song song so với chiến thuật chung của V-League, tiêu biểu như triều đại của HLV Philippe Troussier.

Trong số các HLV ngoại từng dẫn dắt đội tuyển, ông Henrique Calisto có thể là người khai thác tốt nhất các thế mạnh của V-League để chuyển đổi thành bản sắc thi đấu trên đội tuyển. Vì vậy mà thời HLV người Bồ Đào Nha này cầm quân, các cầu thủ hạng Nhất cũng phát huy được năng lực khi lên đội tuyển.

Văn Quyết chính là "ví dụ tiêu biểu" của sự thiếu thống nhất cũng như tồn tại một sự "xa cách" không nhỏ giữa giải vô địch quốc gia với đội tuyển trong khi lẽ ra phải liên quan mật thiết từ vấn đề nhân sự đến chiến thuật hoặc nói xa hơn, là tư tưởng chơi bóng.

Cầu thủ được xem là tốt nhất của V-League có khi lại chẳng có chỗ trên đội tuyển. Thậm chí, có lúc chúng ta còn định làm hẳn một đội bóng riêng trên đội tuyển cho mục tiêu tham dự World Cup.

Nhìn sang Thái Lan, họ có thể thay HLV rất nhiều nhưng về mặt lối chơi của đội tuyển thì không có những thay đổi nào quá lớn. Đó là lý do mà một Alexandre Polking không trụ nổi ở V-League nhưng vẫn dẫn dắt Thái Lan vô địch 2 kỳ AFF Cup.

Hay mới đây, dù chưa đưa sang Việt Nam đội hình với cầu thủ phần lớn chơi ở Thai-League nhưng Thái Lan vẫn thắng ngay tại sân Mỹ Đình. Bóng đá Thái Lan dù ở lúc đỉnh cao hay sa sút, thì họ vẫn có được chất lượng cầu thủ lẫn lối chơi mang tính ổn định cao.

Nói cách khác, dù thế nào, thì người Thái vẫn xây dựng đội tuyển trên nền tảng của Thai-League. Đó là nguyên tắc.

3. HLV Kim Sang Sik gọi lại Nguyễn Văn Quyết là điều ai cũng đoán được. Không hẳn là vì ông Kim cần một chân sút hàng đầu, mà ông đang cố gắng lấp đầy một khoảng trống rất lớn trên đội tuyển: thủ lĩnh tinh thần.

Hai đợt tập trung, 4 trận đã qua, về lý thuyết thì đội tuyển Việt Nam không quá sa sút về chất lượng thi đấu so với thời của HLV Troussier nhưng rất dễ thấy là đội tuyển đã lạc mất niềm vui chơi bóng.

Khi không còn điều đó, càng nỗ lực chơi bóng trên sân lại càng dẫn đến những gãy đổ ở khía cạnh cá nhân, hoặc không tồn tại sự sáng tạo về lối chơi tập thể. Bóng đá không chỉ dùng mỗi đôi chân, mà còn cả cái đầu và trái tim nữa.

Ở tuổi 33, và vẫn đang là ngôi sao tại V-League, tiếng nói của Văn Quyết chắc chắn là còn trọng lượng. Công bằng mà nói, không ai ở đội tuyển hiện nay có thể sánh ngang với Văn Quyết về sự bền bỉ.

Những đồng đội trẻ trung và nổi tiếng hơn hiện đều gặp vấn đề về phong độ, như trường hợp của Quang Hải. Sự có mặt của Văn Quyết ở thời điểm này, gần giống như năm 2018, khi anh cùng với tiền đạo Anh Đức là các thành viên lớn tuổi ở đội tuyển trẻ trung vô địch Đông Nam Á dưới thời HLV Park Hang Seo.

Nhưng như đã nói, đây không phải là chuyện về Văn Quyết. Ở AFF Cup 2022, ông Park Hang Seo đã gạt bỏ các vấn đề cá nhân để triệu tập Văn Quyết.

Lúc đó, động thái này được đánh giá là lời cảnh báo về chất lượng của đội tuyển. Nghĩa là không có nhân tố mới nào nên HLV Park Hang Seo buộc phải gọi là người mà ông ít có khả năng dùng nhất, nhưng lại có phong độ cao tại V-League, hay nói cách khác là một trường hợp chẳng đặng đừng.

Sau 2 năm, đến lượt ông Kim Sang Sik phải làm điều đó. Đơn giản vì Nguyễn Văn Quyết vẫn đang chơi tốt, còn nhiều người khác thì không. Cảm xúc lẫn lộn là ở chỗ đó. Càng lớn tuổi, Văn Quyết lại càng không cho thấy mình đang già đi.

Khen ngợi anh thì dễ, nhưng lại thấy lo cho đội tuyển trong bối cảnh đội ngủ kế thừa thì chưa "chín" trong khi các đồng đội từng đá chung với Văn Quyết năm 2018 thì đa phần giống như đang ở… bên kia sườn dốc sự nghiệp, ít nhất là ở khía cạnh phong độ.

AFF Cup 2018, rồi AFF Cup 2022 và sắp đến là ASEAN Championship 2024, có khi Văn Quyết vẫn có mặt, cũng có thể là chỉ ngồi trên băng ghế dự bị để cổ vũ các đàn em.

Với Văn Quyết thì không vấn đề gì, anh là một người có tính chuyên nghiệp cao. Nhưng với đội tuyển, nếu 6 năm trôi qua mà vẫn cần Văn Quyết lên đội tuyển, thì hẳn là chuyện không quá vui.

Bên cạnh gương mặt kỳ cựu Nguyễn Văn Quyết, đội tuyển Việt Nam được tập trung cho đợt FIFA Days tháng 10/2026 còn có sự trở lại của một số gương mặt như Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Phạm Thành Long, Tô Văn Vũ, Châu Ngọc Quang.

Bên cạnh đó, HLV Kim Sang Sik cũng trẻ hóa lực lượng khi triệu tập các cầu thủ dưới 23 tuổi như: thủ thành Nguyễn Văn Việt, Trần Trung Kiên, hậu vệ Giáp Tuấn Dương, tiền vệ Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Thái Sơn, tiền đạo Nguyễn Đình Bắc, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Quốc Việt….

Đợt này, đội tuyển Việt Nam không có sự phục vụ của Phạm Tuấn Hải khi tiền đạo này đang trong giai đoạn điều trị chấn thương. Tương tự, hậu vệ Hồ Tấn Tài cũng không thể góp mặt lên tuyển quốc gia 2024 vì chấn thương.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link