13/03/2015 14:19 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Một buổi chiều đầu tháng Ba oi ả của tiết trời TP.HCM, bên tách cà phê ở một góc quán khá sang trọng ở Quận 1, phóng viên Thể thao & Văn hoá Cuối tuần có dịp đàm đạo đủ chuyện trên trời dưới đất, chứ chẳng riêng gì chuyện bóng bánh, với ông bầu đình đám của làng túc cầu một thời Hoàng Mạnh Trường. Bỗ bã, nhưng rất lý thú.
“Người giàu, chẳng ai khoe bao giờ”
Ông bắt đầu bén duyên với bóng đá từ năm 2006 và mua lại suất chơi hạng Nhất 1 năm sau đó, cũng là thời điểm xi măng Vissai. Phải chăng đội bóng còn là phương tiện để ông tìm kiếm các cơ hội làm ăn?
- Khi thị trường xi măng nội địa trở nên chật chội, chúng tôi quyết định bơi ra biển lớn. Nhưng, để chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản hay Australia, là chuyện không phải ngày một, ngày hai, lại là với "gã tay mơ" như mình.
Tôi tìm đến đối tác, kết bạn và đi uống rượu với họ, rồi mời họ qua bên mình thăm quan nhà máy, dây chuyền sản xuất; tiếp đó, nhờ họ cung cấp các kỹ sư giỏi nhất để về vận hành cho mình. Khi nào sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng với thị trường của họ, mình mới bán cho họ được. Đối thủ cạnh tranh bán 10 đồng, mình bán 9,5 đồng, thế là mình thắng thôi. Lời ít nhưng bền!
Bầu Trường khẳng định mình không làm bóng đá để khoe của
Trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm là ưu tiên số 1 và vì thế, tôi không dùng thứ "trang sức" nào để mình trở nên long lanh hơn. Đội bóng không phải là sự đảm bảo hay lấy "số má" gì với đối tác làm ăn cả. Mà tính ra, bóng đá Việt Nam có là gì với thế giới đâu? Trong khi sản phẩm xi măng Vissai hiện đang có mặt ở 36 quốc gia khác nhau, đủ cả 5 châu.
Kinh tế Việt Nam đã trải qua những giai đoạn khó khăn khác nhau, nhưng tại sao và như thế nào, ngành xi măng lại chịu rất ít tổn thất, ít nhất là so với sắt, thép hay các vật liệu xây dựng khác? Và nữa, bầu Trường dường như chưa từng thất bại. Bí quyết là gì, thưa ông?
- Tôi phải nói rõ như thế này. Trong khi sắt, thép hay xăng dầu, than, quặng…, được biên vào dạng khoáng sản, phần nhiều phải nhập và phụ thuộc trực tiếp vào thị trường thế giới, cũng như giá điện và than, thì đá vôi, nguyên liệu chính sản xuất xi măng rất rẻ. Đá vôi có ở khắp mọi nơi trên đất nước mình và ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản hay Nepal, trữ lượng của nó rất khổng lồ. Người ta tính rằng, phải mất cả triệu năm nữa, ngành xi măng mới tiêu hết đá vôi trên vỏ trái đất.
Ngành xi măng thuộc ngành công nghiệp nặng. Chúng tôi xây dựng các nhà máy (hoặc mua lại), mua máy móc về, đào tạo hoặc thuê kỹ sư giỏi, cho ra sản phẩm, rồi mới đi chào bán. Nghe có hơi hướng đầu tư mạo hiểm rồi, nhưng thực tế là, chúng tôi phải tính toán rất kỹ.
Độ vênh về chi phí sản xuất xi-măng ở Việt Nam và thế giới khá lớn (khoảng 1/3, ví dụ như chúng tôi chỉ mất 150 USD để cho ra 1 tấn xi măng, thì thế giới là 250 USD). Xi-măng không mất giá, cũng không tăng nhiều là vì thế và với The Vissai, chúng tôi gần như "miễn nhiễm" với khủng hoảng. Tôi mua lại những nhà máy của anh vỡ nợ và đưa công nghệ của mình vào. Thất bại của người này mở ra cơ hội thành công cho kẻ khác, âu đó cũng là chuyện bình thường trong kinh doanh.
Hiện The Vissai có 8 nhà máy – dây chuyền sản xuất xi măng trong nước, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn kỹ sư, công nhân, cho ra hàng chục triệu tấn mỗi ngày. Có thời điểm, tôi cứ ngồi café như thế này, nhưng tiền thì vẫn đổ vào túi hàng ngày.
Nhưng xin mạo muội nhận xét thế này, nhìn ông không giống ông chủ giàu có. Từ cách đây ngót chục năm đến giờ vẫn thế?
- Vì tôi không (hoặc ít) diện các bộ cánh đắt tiền, không dùng trang sức, cũng như hiếm thấy đi xe sang, mua máy bay riêng ư? Nói thẳng với anh như thế này, tôi không có nhu cầu thể hiện mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, như người khác. Tôi không lên sàn (chứng khoán), đã đành, nhưng cơ bản, con người tôi không thích khoe khoang. Mà người giàu, chẳng ai khoe khoang bao giờ cả. Giàu thì bị ghét, còn nghèo lại bi khinh, thói đời là thế. Tôi thích đi làm từ thiện, âm thầm thôi, tôi chẳng nói cho ai cả, đừng nói là báo đài. Nhận được một lời cảm ơn của người nghèo, ấm lòng lắm!
Nếu nói về tư liệu sản xuất, tiền thật thì tôi không ngán ai cả. Người ta xây một toà nhà, chưa xây xong đã bán rồi để lấy lãi, vậy đó đâu phải tài sản đích thực! Còn ngành xi măng khó gấp ngàn lần, với vốn đầu tư cực lớn và tài sản của tôi không giống người khác là vì thế. Xong, tôi cũng chẳng cần sự thừa nhận.
“Bóng đá Việt Nam cần môi trường để thở”
Tạm gác một bên chuyện xi măng, cảm giác của ông bây giờ như thế nào khi không còn là một ông bầu bóng đá?
- Thoải mái! Nói thật, tiền đầu tư cho bóng đá chẳng đáng là bao cả, thậm chí không thể bằng ngân quỹ cho quảng cáo, chi phí mà bất cứ tập đoàn kinh tế lớn nào cũng phải tính tới. Nhưng tôi lại không có nhu cầu quảng cáo, vì làm gì có đủ hàng để bán, thì quảng cáo làm gì? Ngoài tôi và anh Đức HA.GL ra (Đoàn Nguyên Đức – PV), đừng ông nào nói yêu bóng đá phi lợi nhuận.
Bản thân anh Đức có những tính toán riêng của anh ấy, còn tôi quyết định dừng, vì không chịu được cảm giác bị phản bội. Tôi hỏi anh, khi anh yêu mê mệt một người con gái, rồi người ta bỏ theo thằng khác, có đau không?! Phải thích và yêu mới làm bóng đá được, chứ thế giới thiếu gì người giàu. Nhưng tình yêu phải được đền đáp nữa.
Và ông đoạn tuyệt với bóng đá khi bị một nhóm cầu thủ V.Ninh Bình "phản bội" tình yêu. Ảnh: V.S.I
Tôi và anh Long (bầu Trần Đình Long của Hoà Phát Hà Nội trước đây), từng thống nhất với nhau là mỗi anh em chỉ một đội thôi. Anh thử nghĩ xem, 2 thằng đánh một thì như thế nào? Nhưng môi trường bóng đá Việt Nam vẫn thế, chưa bao giờ đủ lành mạnh để bóng đá có thể phát triển. Như B.Bình Dương đấy, ai có thể đấu tiền với họ! Phải xem xét xem tiền họ lấy từ đâu ra để đổ vào bóng đá.
Ông đã đầu tư bao nhiêu tiền cho bóng đá trong 9 năm? Đến bây giờ, có thể khẳng định bầu Trường dù thành công trên thương trường đến đâu, vẫn là "kẻ chiến bại" trong bóng đá?
- Phải thừa nhận luôn, tôi là kẻ thất bại với bóng đá. Tôi trân trọng người tài và sẵn sàng trả họ hậu hĩnh để họ cống hiến cho bóng đá Ninh Bình. Mỗi năm tôi rót cho bóng đá bèo nhất cũng chừng 50 tỷ đồng, thì anh thử nhân lên mà xem!
Tuy nhiên, niềm tin đã không được đặt đúng chỗ. Tôi bị phản bội và điều đó triệt tiêu luôn những đam mê cuối cùng. Trong bóng đá chuyên nghiệp, khâu quản lý và huấn luyện là cực kỳ quan trọng. Tôi đã mất một thời gian dài để ra được quyết định chia tay bóng bánh luôn, xung quanh vụ ầm ĩ ở AFC Cup 2014.
Liên quan đến vụ việc tiêu cực, dàn xếp tỷ số của nhóm hơn 10 cầu thủ (chứ không chỉ có 9 người – bầu Trường khẳng định), tôi nói luôn là, họ không chỉ “làm” mỗi trận đấu đó. Tôi đã nghi ngờ từ trước rồi, sau này mới nhờ công an làm. Tôi đã phải trăn trở nhiều, vì rõ ràng, cửa vào chơi chung kết của V.Ninh Bình rất sáng. Đúng là tiền mất, tật mang, khi họ hùa với nhau.
Làm bóng đá rõ là tốn kém và sứ mệnh của bầu Trường với bóng đá quê hương đã kết thúc không như mong đợi, thưa ông?
- Theo tôi, làm bóng đá không cần quá nhiều tiền. Vấn đề là bạn phải có chiến lược, sẵn cơ sở hạ tầng, khâu tổ chức và truyền thống (nếu có) nữa càng tốt. Ngoài ra, môi trường phát triển cũng rất quan trọng. Anh mở một cái quán ra, lúc nào mà không muốn khách ra vào nườm nượp, đông vui và cảm giác được phục vụ?
Nhưng khi rót tiền cho bóng đá Ninh Bình, tôi lại không có sẵn mặt bằng, không có sẵn con người, và không có nghề, thiếu kinh nghiệm quản lý nữa. Tất cả đều phải đi mua, đi thuê lại. May mắn nếu người mình thuê tính cách tốt, còn ngược lại họ chỉ "lăm lăm ăn cắp vặt" thì nói làm gì nữa. Vài chục con người tiêu tốn số tiền bằng 1/10 quỹ lương tôi trả cho hơn 6.000 cán bộ - CNV của Tập đoàn, cũng chẳng sao. Nhưng vấn đề là họ khiến tôi thất vọng.
Khi V.Ninh Bình bắt đầu có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam, Tỉnh uỷ Ninh Bình có ý định bán SVĐ chính và cả khu tập luyện với giá không đồng, nhưng tôi không mua. Họ cũng muốn hỗ trợ 30 tỷ/năm, nhưng tôi không lấy. Bởi, tôi chỉ là nhà đầu tư, có ràng buộc nhưng không phụ thuộc. Giờ thì tất cả đều đã thấy rồi.
Với thực tế sân cỏ nội như ông đề cập, đặt một ví dụ, nếu ông là chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông sẽ hành động như thế nào để giúp bóng đá Việt Nam khởi sắc?
- Nếu tôi là Chủ tịch Liên đoàn, việc đầu tiên tôi làm là tiến hành điều tra, tạo cơ chế minh bạch tài chính giữa các đội bóng. Không thể để bất cứ một liên minh nào tồn tại, bởi điều đó cản trở sự công bằng, tính fair-play của cuộc chơi, không có lợi cho sự phát triển.
Việc tiếp theo tôi làm là làm trong sạch môi trường của những người tham gia hoạt động bóng đá, đặc biệt là đội ngũ trọng tài. Tôi không tiện nói ra, nhưng chỉ cần bỏ ra ít tiền cho giới này, muốn thắng ai và thắng bao nhiêu mà không được!
Cuộc cách mạng nào mà không có mất mát, hy sinh. Giờ họ đang làm, dù là không thật xuất sắc hay hiệu quả cho lắm, rồi bảo họ nghỉ đi, tất nhiên họ sẽ phản ứng ngay. Tôi đã từng hy sinh cả đội bóng đấy, nhưng vẫn chịu điều tiếng. Bóng đá tóm lại, phải lành mạnh, không được “đi đêm”, mới hy vọng phát triển được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
“Tôi có thể vỗ ngực rằng, mình không thua bất cứ một ông bầu bóng đá trong nước nào về tình yêu, đam mê và cả tiền mặt, song tôi vẫn là kẻ thất bại. Làm bóng đá tử tế hoá ra không đơn giản chút nào, đặc biệt trong môi trường bóng đá Việt Nam vốn chưa bao giờ lành mạnh”. ----------------- “Nhiều người nói bóng gió rằng, ông Trường không những không xây, mà chỉ toàn phá bóng đá. Đầu tiên là phá giá thị trường cầu thủ, rồi đến chuyện tệ nhất, ông để đội bóng làm ảnh hưởng đến hình ảnh nền bóng đá thông qua vụ mua bán độ - dàn xếp tỷ số ở AFC Cup 2014…" Thực ra, như tôi đã nói, tôi thích người giỏi, người tài và luôn đối xử công bằng với người tài. Như Gustavo chẳng hạn, tôi từng trả 20 ngàn USD/tháng, nhưng cuối cùng thì anh ấy đã đóng góp được gì đâu?! Còn chuyện tiêu cực, tôi khẳng định đội nào không có nhiều cũng có ít. Vấn đề là có bắt được cả mẻ hay không thôi. Khâu quản lý ở V.Ninh Bình luôn có vấn đề và đấy là lỗi của tôi, khi tôi đã thuê họ làm thay việc đó. ------------------- “Báo chí – truyền thông phải định hướng rõ ràng hơn để bóng đá Việt Nam phát triển, thay vì chỉ "tát nước theo mưa" và nói một chiều. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Công Phượng chẳng hạn. Cậu ấy còn trẻ và đã là gì đâu, đã làm được gì đâu, mà khen nhiều thế?! Không khập khiễng khi tôi cho rằng, nếu Văn Quyến từng có 10 phần vào tuổi của Phượng, thì cầu thủ này chỉ được 2 – 3 phần. Tôi mua suất chơi và độ chục cầu thủ ở thời kỳ đầu với giá 10 tỷ đồng, nhưng bây giờ, sau chục năm làm bóng đá, không những tốn rất nhiều tiền mà nhiều cầu thủ thậm chí còn đang nợ tiền tôi. Tôi gần như không thu lại được bất cứ thứ gì, ngoài nỗi buồn. Cuộc đời là thế đấy”.
Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất