20/03/2023 17:07 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Chuyên gia cảnh báo vựa lúa của thế giới bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam có thể gặp nguy hiểm vì thiếu nước ngầm.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia đã cảnh bảo rằng, vựa lúa của thế giới có thể gặp nguy hiểm nếu nông dân không áp dụng các biện pháp canh tác bền vững hơn bởi việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm cùng với biến đổi khí hậu đã khiến các phương pháp canh tác lâu đời trên khắp châu Á gặp rủi ro.
Các chuyên gia về khí hậu cho biết, mức độ căng thẳng của tình hình sẽ khác nhau giữa các khu vực, ngay cả khi lũ lụt và hạn hán được dự kiến sẽ xảy ra với tần suất và cường độ lớn hơn. Đây là tin xấu đối với Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam - 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Các vùng đồng bằng lớn như Việt Nam, Bangladesh và Myanmar – những nước sản xuất lúa gạo lớn – sẽ phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt nhiều hơn, chính vì vậy, cần phải chuyển sang sản xuất lúa gạo có khả năng chịu lũ lụt và nhiễm mặn. Lũ lụt cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở các đồng bằng Ấn - Hằng do hiện tượng băng tan ở dãy Himalaya.
Tharman Shanmugaratnam, đồng chủ tịch của Ủy ban toàn cầu về Kinh tế Thủy lợi, đồng thời là Bộ trưởng cấp cao của Singapore cho biết: “Đây không phải là sự kết thúc của việc trồng lúa ở châu Á, nhưng cần phải xem lại các tập quán canh tác mà người nông dân đã thực hiện từ hàng thế kỉ."
Ông Tharman Shanmugaratnam nói với SCMP: "Toàn bộ các khu vực đã khai thác nước ngầm quá mức, trong khi những khu vực khác phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Tin tốt là việc gì cũng có giải pháp."
Nông dân ở Ấn Độ sử dụng bơm trợ lực để bơm nước từ dòng nước ngầm để phục vụ canh tác khiến mực nước ngầm sụt giảm trong nhiều năm.
Tharman cho biết nông dân phải được khuyến khích áp dụng các biện pháp như tưới tiêu thông minh và sản xuất lúa chịu lũ và chịu hạn. Ông cũng nói thêm rằng, lựa chọn khác có thể là trồng các loại cây trồng ít cần nước hơn.
Bên cạnh việc chuyển sang các phương thức canh tác bền vững, các nhà khoa học cũng đang ủng hộ việc thay đổi chế độ ăn uống để ngăn chặn việc khai thác đất đai quá mức. Biraj Patnaik, một nhà hoạt động xã hội Nam Á và là cựu cố vấn của Tòa án Tối cao Ấn Độ, cho biết: “Chúng tôi phải đa dạng hóa giỏ thực phẩm của mình để giảm sự phụ thuộc vào gạo và lúa mì”.
Johan Rockström, giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam cho biết, hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.
Năm ngoái, lũ lụt ở Pakistan đã "nhấn chìm" 1/3 đất nước và đẩy quốc gia Nam Á này đến bờ vực khủng hoảng. Lũ lụt ở Malaysia đã giết chết ít nhất 4 người và hơn 40.000 người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy giá hàng hóa lên cao. Mặt khác, nông dân trồng lúa ở Ấn Độ đang chuẩn bị cho hạn hán trong mùa gió mùa hè.
Các chuyên gia về khí hậu cho biết châu Á dễ bị tổn thương hơn các châu lục khác do mật độ dân số cao. Mặc dù vậy, lũ lụt lớn ở Đức vào năm 2021 cho thấy ngay cả các nước phát triển cũng thường thiếu sự chuẩn bị trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất