14/05/2017 21:44 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bài báo này chỉ để vẻn vẹn cái tít trên, theo trào lưu các bạn trẻ hiện nay, bạn đọc sẽ suy nghĩ gì? Tất nhiên mỗi người một ý. Nhưng rồi tựu chung, cũng rất khó đưa ra “chân lý” cuối cùng.
Người viết tổng kết sơ qua mấy ý kiến các khách mời tham gia bình luận trực tiếp trận đấu của VTV, của chính phát biểu Công Phượng sau trận đấu, rồi rút ngắn nội hàm của chân lý: một bài học cho U22, để nhận ra U22 đang ở đâu?
Nhìn gương mặt Công Phượng, một trong ít cầu thủ trình độ kỹ thuật bậc nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay, không thể hiện được gì trước các bậc thầy “làm xiếc” với quả bóng, gương mặt vẫn còn tái mét, thất thần trả lời sau trận đấu, có lẽ rất nhiều người hoang mang cho giấc mơ thay đổi được màu huy chương ở bóng đá SEA Games năm nay.
U22 được coi là tập hợp được rất nhiều tinh túy, nhưng từ thời HLV Hữu Thắng dẫn dắt đến nay vẫn mờ mờ, ảo ảo, rất khó nhận ra trình độ đang ở đâu, kể cả năng lực của ông thầy trẻ.
Chúng ta buộc phải làm một sự so sánh, dù sự so sánh lúc này rất dễ bị cho là khập khiễng, nhưng có tham chiếu nào hợp lý hơn.
U20 hơn tuần trước đá với U20 Argentina, thua 1-4 so với 0-5. Hết hiệp 1, U20 chỉ thua 1 trái, trong khi U22 thủng đến 3 bàn, vỡ trận quá sớm. Có nghĩa, khả năng chịu đựng sức ép, cùng thực lực của U20 Việt Nam là tốt trong một trận đấu cụ thể. Quân của ông Tuấn “con” ghi được 1 bàn, quân của Hữu Thắng thì không thể.
Mà U22 vẫn được lợi thế khi có nhiều thời gian để nghiền ngẫm đối thủ, để đưa ra một thế trận khả dĩ, sau khi họ chứng kiến những gì mà U20 Argentina đã thể hiện với U20 Việt Nam.
Cuối cùng, toát lên tất cả là một trận đấu quá ít điểm sáng, ít cá nhân nổi trội, kỹ năng chỉ đạo chiến thuật, thay người thiếu hiệu quả. Một thủ môn Phí Minh Long chơi quá tệ nhưng vẫn được tin tưởng khiến người xem còn ức chế thì đồng đội khó mà tránh khỏi nơm nớp.
Nhưng có lẽ điều đáng bàn, tinh thần nhiều cầu thủ không tốt, không thấy chất lửa hay sự quả cảm trên các đôi chân. Chỉ là trận giao hữu thôi, làm gì phải cóng lên, tinh thần bấn loạn như thế, thay vì hãy cháy bỏng khát vọng được chơi bóng, được học hỏi, thể hiện hết phẩm chất. Tôi không tin rằng trình độ của U22 Việt Nam chỉ có thế.
HLV Hữu Thắng vẫn chưa thể hiện được nhiều về năng lực cầm quân. Ảnh: VSI
Ví dụ 10 ngày sau, đến lượt đội tuyển Việt Nam đá với U20 Argentina, có lẽ kết quả lẫn tình hình cũng không khả quan hơn. Thậm chí, có khả năng còn thua to hơn, còn gây thất vọng hơn.
Đến đây, có thể cảm nhận một vấn đề nan giải: hình như càng lên cao (từ các đội tuyển U đến dội tuyển quốc gia), thì bóng đá Việt Nam càng yếu dần. Thực tế mấy năm qua là vậy, bóng đá trẻ đang trở thành thiên sứ thắp lên khát vọng chấn hưng nền bóng đá trì trệ quá lâu năm.
Cho nên, đầu tư cho các giải “ao làng” kiểu SEA Games nên vừa phải thôi, lãnh đạo VFF, và cả khán giả, đừng nên đặt tất cả niềm tin lẫn danh dự vào những giải đấu chỉ giải quyết khâu “giữ ghế” này.
Thay vào đó, tiếp tục cổ vũ, đầu tư cho bóng đá trẻ vốn đang đi đúng hướng. Hãy quan tâm đến “tận răng” cho U20 Việt Nam, bởi mặt trận World Cup mới là danh giá, mới thắp lên niềm tin đưa nền bóng đá vượt giới hạn.
U22 Việt Nam - “mình để đây thôi không nói gì cả”…, xin nhường độc giả “bình bán” tiếp.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất