(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng chấn động của đội tuyển Olympic Việt Nam trước Olympic Iran tôn vinh kỉ luật chiến thuật và sự tuân thủ tuyệt đối của các tuyển thủ chúng ta.
Các pha phối hợp của đội Olympic Việt Nam đều được thực hiện ở tốc độ cao, thường là phản công với sự tham gia của 2-3 cầu thủ. Những đường chuyền được thực hiện gãy gọn, chính xác. Các pha đi bóng được tối giản hóa động tác, nhắm đến mục đích duy nhất là lao lên thật nhanh, phối hợp hoặc dứt điểm.
Một cầu thủ nổi tiếng quen đi bóng rườm rà như Phi Sơn (mệnh danh Ronaldo Việt Nam) chỉ cần 2 nhịp khống chế để rồi đập nhả với đồng đội. Và sau pha đập nhả ấy, anh dứt điểm ngay, găm bóng đúng góc gần khung thành thủ môn đội Olympic Iran.
Các pha đi bóng tạo đột biến của Mạc Hồng Quân bên cánh phải cũng rất uyển chuyển, gọn gàng, hoàn toàn không có độc tác thừa. Và các tình huống dứt điểm được đội Olympic Việt Nam thực hiện cực kì quyết đoán.
Đó là hình ảnh đối lập với sự run rẩy tại SEA Games 27 cách đây gần 1 năm, vẫn của phần lớn những cầu thủ ấy trên sân. Không ai khác, có thể đảm bảo rằng tác động của HLV Miura lên tinh thần và thói quen chơi bóng của các tuyển thủ chúng ta đã rất rõ ràng, chỉ sau gần 1 tháng tập luyện.
Kỉ luật họ phô diễn đến từ những chi tiết nhỏ nhất của từng buổi tập. Ông Miura đến sân đúng từng phút, hoàn thành giáo án đúng 1 tiếng rưỡi đồng hồ tập luyện, và mọi chi tiết đều được căn chỉnh rất khoa học.
Tiền đạo Lê Công Vinh, trong lần trả lời báo Thể thao & Văn hóa ngày 27/6, nói: “HLV Miura với những giáo án thể hiện sự chuyên nghiệp. Các bạn có thể nhận thấy trong 2 buổi tập đầu tiên vừa qua, cường độ tập luyện được nâng dần lên và không có khoảng nghỉ trong thời gian tập”.
Theo quan sát của phóng viên chúng tôi, trong các buổi tập, ông Miura luôn yêu cầu các cầu thủ xử lý bình tĩnh, tự tin và gọn gàng. Ông khuyến khích các học trò thực hiện nhiều đường bóng sệt, phối hợp ngắn, ít chạm, liên tục di chuyển, và đặc biệt yêu thích bài tập chạy bền bất chấp thời tiết nắng mưa.
Những ngày khổ ải đó có ảnh hưởng lớn đến chiến thắng lịch sử của đội Olympic Việt Nam trước Iran vào chiều nay.
Chúng ta đã từng dè bỉu ông Miura khi nhìn vào bản thành tích nghèo nàn, với tỉ lệ thắng trận chỉ hơn 24% của ông. Nhưng chúng ta cũng quên rằng, huấn luyện các đội bóng yếu thi đấu các trận cửa dưới là sở trường của ông Miura. Trong hơn 400 trận cầm quân ở Nhật Bản, chỉ có 3 lần ông Miura huấn luyện các đội bóng thuộc J-League 1 là Consadole Sapporo mùa 2008-09, Vissel Kobe mùa 2009-10 và Ventforet Kofu mùa 2011. Và đặc biệt, ông Miura là HLV yêu bóng đá thực dụng.
Năm 2007, ông đưa Consadole Sapporo vô địch J-League 2 và lên hạng J-League 1 mà chỉ cần ghi 66 bàn thắng, để thủng lưới 45 bàn – thành tích rất kém nếu so với các đội xếp sau, như Tokyo Verdy ghi đến 90 bàn, có chân sút cự phách Hulk ghi tới 37 bàn; hay Kyoto Sanga cũng ghi tới 80 bàn mùa giải đó.
Thói quen chơi bóng cửa dưới, phòng ngự phản công và tối giản hóa các pha xử lý đặc biệt phù hợp trong một trận đấu chênh lệch cực điểm như gặp Olympic Iran. Thật đáng mừng, cầu thủ của chúng ta đã hoàn thành rất tốt ý đồ của thầy Miura, và vừa thắng một trận chấn động làng túc cầu châu lục.
Gia Hưng