13/02/2012 13:29 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Dù kết luận thanh tra chưa được công bố nhưng VFF nhiều khả năng cũng sẽ phải thực hiện một chỉ thị điều chỉnh nhiều điều khoản xung quanh hợp đồng bản quyền truyền hình đã ký với AVG.
Những đòi hỏi của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đối với bản quyền truyền hình là rất rõ ràng và cụ thể: Rút ngắn thời hạn bản quyền xuống còn hợp đồng cho mỗi 3 mùa bóng, nâng giá bản quyền từ mức 6 tỉ đồng/mùa tới 12 tỉ đồng, thậm chí 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, VFF không thể đáp ứng, còn Tập đoàn An Viên (AVG) thì không chấp nhận. Dù vậy, VFF có thể vẫn phải thuyết phục AVG để có những điều chỉnh hợp đồng theo hướng rút ngắn thời hạn cũng như nhượng bộ một số thương quyền của giải đấu cho VPF.
Nhượng toàn bộ thương quyền là phi lý
Theo bản hợp đồng bán bản quyền các giải chuyên nghiệp mà VFF ký với AVG, đối tác này có quyền khai thác thương quyền V-League, Giải Hạng nhất, Cúp Quốc gia trên mọi phương tiện thông tin, truyền thông. Điều này có nghĩa là nếu như căn cứ theo hợp đồng, VPF cũng sẽ phải xin phép AVG nếu sử dụng hình ảnh từ giải đấu.
AVG thừa hiểu rằng hình ảnh của các sân chơi bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai gần sẽ không chỉ gói gọn trên sóng truyền hình. Tập đoàn này có thời gian dài tới 20 năm để khai thác hết những nguồn lợi từ bóng đá Việt Nam. Vì thế, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu như toàn bộ hình ảnh bóng đá quốc nội nằm trong tay AVG, đó sẽ là một sự phi lý không thể chấp nhận. Đã rất nhiều lần bầu Kiên nhấn mạnh quy định: Bản quyền truyền hình 50% thuộc về VFF, 50% còn lại thuộc về các CLB. Ông cũng đưa ra lý lẽ để đòi lại bản quyền là VFF chưa xin phép các CLB.
VFF, VPF cùng khai thác ?
Nhiều khả năng kết luận thanh tra sẽ yêu cầu VFF và VPF cùng chung tay khai thác thương quyền các giải bóng đá. Tuy nhiên, chia như thế nào cũng không phải là việc làm đơn giản, nhất là khi VFF đã có giao ước với AVG còn VPF là bên thứ ba, đến sau. Nếu tước bỏ hợp đồng đã ký với AVG, VFF cũng gặp rắc rối to nên cơ quan có thẩm quyền sẽ không thúc ép VFF phải hủy hợp đồng. Hơn nữa, VFF vẫn là cơ quan chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL). Đó là còn chưa kể tới chuyện Bộ VH-TT-DL từng đồng ý để các liên đoàn thể thao hợp tác với AVG.
Hướng đi duy nhất hiện nay thực ra đã có, đó là AVG nhường một phần sóng của mình cho VTV để đơn vị này tự sản xuất. Nếu VTV được tham gia ghi hình, phát sóng thì chắc chắn VPF sẽ không còn quá bức xúc. Khoản tiền VTV mua lại sóng từ AVG mà thực chất là do AVG nhường cho VPF sẽ do VPF toàn quyền thu. Thực ra, đây mới chỉ là ý kiến chủ quan của một số người từng có điều kiện làm việc và cung cấp tư liệu cho đoàn thanh tra. Việc quyết định có lẽ vẫn còn cần phải chờ ý kiến của một cấp cao hơn.
Theo Người Lao động
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất