Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: “V-League có rất ít nhân tố mới”

11/01/2011 13:31 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Không muốn nói “dối” khi không còn làm công việc liên quan trực tiếp đến bất cứ đội bóng nào tại V-League, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đã tâm sự rất thật như vậy. Cũng chính bởi cách nói thẳng, nói thật của ông mà có thể sẽ khiến không ít người chạm vào lòng tự ái.

* Chỉ còn hơn một tuần nữa là V-League mùa giải mới 2011 sẽ khởi tranh, đến giờ phút này, trong ông có cảm thấy háo hức hay chờ đợi gì ở giải đấu hàng đầu QG và cũng được mệnh danh là số một Đông Nam Á hay không?

- Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: Tôi nói rất thật là lâu nay tôi ít quan tâm đến V-League lắm, chỉ làm bóng đá Anh thôi.

* Không lẽ, quá trình chuẩn bị của các đội bóng tại V-League giờ không còn thu hút được một con người vẫn thường xuyên “ăn, ngủ với bóng đá” như ông?

- Tôi có lẽ chỉ nói mò thôi chứ không để ý đến đội nào vì chẳng thấy có tiến triển gì cả.

* Vậy theo ông V-League đang dậm chân tại chỗ?

- Họ cứ giành giật của nhau, chạy từ túi này sang túi nọ. Tức là nó chả có sự phát triển, chẳng qua chỉ tồn tại theo cái kiểu giật gấu vá vai. V-League không có yếu tố mới, yếu tố phát triển, chỉ chạy lung tung, tự đẩy giá lên. Tôi thấy có rất ít nhân tố mới. Nhân tố mới nghe có vẻ ghê nhưng sự thật, các nhân tố mới thể hiện được rất ít. Kinh nghiệm trong những năm qua đã cho thấy như vậy. Còn năm nay, tôi cũng chưa thấy nhân tố nào cho thấy sự yên tâm, thể hiện sự phát triển.

* Ý ông muốn nói đến tức là thị trường chuyển nhượng cầu thủ trước mùa giải đã và đang hoạt động rất bát nháo, không ai kiểm soát nổi?

- Thế thôi, lấy túi này bỏ túi kia. Đấy là kiểu cách chụp giật. Các yếu tố trẻ, mới, không thấy nói đến hoặc không đáng kể. Chừng nào mà các đội đều chưa có thể tự lo phần lớn lực lượng cho mình chứ đừng chụp giật, đừng dựa vào việc nhập tịch cho cầu thủ ngoại thì chừng đó chưa thể nói là có gì mới hay phát triển cả. Cái chủ yếu là phải tự đào tạo chứ không phải trông chờ yếu tố nước ngoài. Chung quy lại, V-League nay không có nhiều điều đáng xem cả. Bạn xem có nhân tố nào mới không, khó thấy lắm.


Từng gắn bó với V-League từ thủa “khai sinh” nhưng bây giờ chuyên gia Nguyễn Văn Vinh không còn nhiều niềm tin với sân chơi này

* Sau một giải đấu thất bại của ĐTVN, không lý nào, giải đấu hàng đầu QG như V-League cũng chẳng đủ sức thu hút một chuyên gia bóng đá như ông?

- Hình ảnh của ĐTVN ở những giờ phút cuối cùng rời khỏi giải, ai cũng thấy. Tất nhiên, vẫn sẽ có một vài nhân tố mới từ đội Olympic, các cháu sẽ trưởng thành lên để thay thế. Nhưng nhìn chung, tôi không đọc được, không thấy được. Các anh em ở đội Olympic sẽ thay thế, tạo không khí mới. Nhưng để tổ chức các nhân tố mới lại cho phát triển thì lại là một câu chuyện khác. Mới qua khỏi vòng đấu bảng mà ĐTVN đã được xem là đạt yêu cầu, đồng ý với nhau hết cả, không có vấn đề gì cả thì có lẽ cũng chỉ đến vậy. Bế tắc, không dám nói đến, thấy thế đủ rồi thì không có gì để nói. Chính vì thế, tôi cũng rất ngại khi nói đến vấn đề này, không muốn trao đổi gì cả. Qua cách những người chịu trách nhiệm chính quan niệm thì đấy có phải sự thay đổi không? Hai năm qua, suốt từ khi VĐ chúng ta làm được những gì? SEA Games thất bại, Asian Games chẳng có gì cả, AFF Cup, mục tiêu chính trong 2 năm cũng không làm được mà như thế vẫn gọi là đạt yêu cầu. Như vậy có gì để nói. Như vậy cứ yên trí là kiểu gì V-League cũng thế, cũng đạt yêu cầu. Tóm lại, một thứ bệnh thành tích, vơ vét thành tích rất cao đang tồn tại nhưng chẳng có ý nghĩa gì cả. AFF Cup còn như thế thì V-League theo tôi năm nay kiểu gì cũng đạt yêu cầu.

* Cuộc đua vô địch hay cuộc chiến trụ hạng như truyền thống của V-League hàng chục năm nay đã không làm ông quan tâm?

- Tất nhiên nói về cuộc đua vô địch hay trụ hạng thì có nhiều điều để nói lắm. Năm ngoái, có những đội tưởng như đã trụ hạng thì lại quay về với cuộc đua trụ hạng hay đá play-off. Có điều mà người ta đoán trước được là đội nào sẽ vô địch thì sau đó lại vô địch thật. Dường như công tác tổ chức giải đấu đã cho thấy, ý muốn của BTC là gì. Thế thì bất ngờ chẳng bất ngờ. Có thể trong quá trình giải đấu có một vài trận đấu nào đó bất ngờ nhưng kết cục cuối cùng lại không bất ngờ. Thậm chí, một cái giải đấu cho Hội CĐV cũng tranh cãi, cũng là ý muốn BTC. Không biết năm nay người ta còn lặp lại những điều không bất ngờ đó không? Không hiểu BTC giải như thế nào cả.

* Vậy là cung cách tổ chức giải làm cho giới chuyên môn mất niềm tin?

- Hoàn toàn mất niềm tin. Không chỉ nhà chuyên môn đâu mà các ông bầu đội bóng nhiều khi cũng cho thấy điều đó. Họ thất vọng dữ lắm chỉ có điều không muốn nói. Có một số đội bóng chơi chỉ cần trụ hạng. Tất nhiên, phải nói các đội đều cố gắng nhưng không vô địch, không xuống hạng cũng là được. Vấn đề này cho thấy điều không bình thường trong công tác tổ chức. Có thể, giai đoạn đầu mùa giải sẽ có những bất ngờ nhưng sau đó, đâu lại vào đấy thôi. Muốn giải năm nay tử tế hơn, mang tính chất thể thao hơn thì những nhà tổ chức phải nghiêm túc, vô tư, tử tế và đúng đắn hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Thành Đạt (thực hiện)

Đón đọc kỳ 2: Chuyện những ông vua sân cỏ

Bằng giờ này năm ngoái, trước thềm V-League 2010, trao đổi với TT&VH, cả chuyên gia Trần Văn Phúc lẫn HLV Nguyễn Văn Sỹ (khi ấy đang dẫn dắt XM. Xuân Thành Hà Tĩnh) đều đánh giá rất cao SLNA và V.NB, nhưng cuối cùng cả SLNA lẫn V.NB đều chỉ có thứ hạng chung cuộc rất khiêm tốn ở V-League 2010, khi SLNA đứng hạng 9 còn V.NB xếp thứ 11. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Văn Sỹ dự đoán rất chuẩn xác về cuộc đua trụ hạng, rằng V-League sẽ không có cảnh phải chờ tới vòng cuối cùng mới ngã ngũ như mùa giải 2009, và kịch bản cuối cùng đã diễn ra đúng như vậy, khi M.NĐ coi như xuống hạng ngay sau lượt đi, còn Navibank SG yên tâm với vị trí áp chót để chờ đá play-off.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link