Thảm đỏ Thảm thần của sao (Bài 1)

14/03/2011 07:10 GMT+7 | Phim

Câu chuyện thảm đỏ

Từ lúc ra đời cho đến nay, thảm đỏ là một nghi lễ mang tính tôn vinh cao nhất của tất cả các sự kiện, từ một ông vua lên ngai cho đến chuyến viếng thăm cấp quốc gia của một nguyên thủ. Còn trong lĩnh vực giải trí, thảm đỏ trở thành nơi hội tụ những giá trị của làng văn nghệ, là nơi truyền thông quảng bá sức mạnh… Có những thảm đỏ lớn và những thảm đỏ nhỏ. Có những thảm đỏ ít người tham dự và có những thảm đỏ đông nghịt người…, nhưng không vì thế mà giá trị của nó bị thay đổi. Sự đông hay ít là do lực hút từ nhiều của nhiều hướng quan tâm còn bản thân thảm đỏ không có lỗi khi tinh thần của nó chỉ là tôn vinh những nhân vật sẽ bước lên đó. Và thảm đỏ phải luôn được coi trọng, từ những người tổ chức, người tham dự và cả người theo dõi.

Nhân sự kiện Lễ trao giải Cánh diều 2010 diễn ra vào tối Chủ nhật, 13/3, một thảm đỏ đã lại được trải ra thu hút sự quan tâm của dư luận và công chúng điện ảnh, Chuyện đề tuần này sẽ là 3 câu chuyện thảm đỏ, từ toàn cảnh đến cận cảnh, từ thảm đỏ quốc tế đến thảm đỏ ở Việt Nam. Những câu chuyện đan xen với một thông điệp giản dị: Hãy để những thảm đỏ thực sự được tôn trọng.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG


(TT&VH Cuối tuần) - Màu đỏ thường tượng trưng cho quyền lực, thảm đỏ là một thứ quyền lực vô hình giúp tăng giá trị của những bước chân đi trên nó. Chỉ tính riêng trong ngạch giải trí, từ khi ra đời, thảm đỏ trở thành chiếc thảm thần không thể thiếu trong cuộc đời của một ngôi sao. Từ thảm đỏ, hình ảnh của ngôi sao ấy sẽ bay đi khắp thế giới.

Một tấm thảm thần

Tới nay chưa có một cứ liệu chính xác nào khẳng định được thời gian thảm đỏ ra đời nhưng các sử gia tin rằng thảm đỏ đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Truyền thuyết kể rằng, Agamemnon, thủ lĩnh của người Achaean trong cuộc chiến thành Troy sau khi chiến thắng trở về đã được người vợ (Clytemnestra) trải hai tấm thảm, một màu đỏ và một màu tím để chào mừng. Màu đỏ tượng trưng cho quyền lực, màu tím là màu của các vị thần. Suy nghĩ khá lâu, sau đó Agamemnon đã bước lên thảm đỏ vào nhà. Chuyện ấy được giải thích rằng Agamemnon chọn thảm đỏ là để có thể đi ngang bằng với các vị thần, và ở thảm đỏ, chỉ có mỗi Agamemnon là vị thần duy nhất. Từ đấy trở đi, thảm đỏ trở thành một nghi lễ chỉ dành riêng cho những chính khách, những nhân vật quyền lực nhất và sau này được nhân rộng, phổ thông hóa thêm và được ngành giải trí chọn lựa như một cách tôn vinh thế giới rực rỡ của mình. Thảm đỏ, mà không phải một chiếc thảm màu khác, mới là nơi thể hiện quyền lực lớn lao của thế giới giải trí.

Hai nữ tài tử Monica Bellucci và Sophie Marceau lộng lẫy trên thảm đỏ

Nhà thiết kế lừng danh người Pháp, Jean Paul Gaultier, cho rằng chẳng có sàn diễn thời trang cao cấp nào vĩ đại bằng các thảm đỏ, đặc biệt là ở Cannes, Quả cầu vàng hay Oscar, Grammy. Ở đó, các hãng thời trang danh tiếng chẳng mất một xu mà vẫn được quảng bá rầm rộ. Hằng năm, người ta vẫn thấy đầy trên báo những bảng tổng kết xem năm nay ai là vua ở Oscar, Cannes hay Quả cầu vàng. Lúc thì Dior, lúc lại Oscar De La Renta, lúc khác là Hermès… Những mỹ nhân, những nam minh tinh, những cựu binh tóc bạc người quắc thước, sải những bước từ tốn trên thảm đỏ. Vẻ đẹp của thời trang quấn vào không gian đỏ rực của thảm đỏ tạo nên một bầu không khí hết sức sống động và chẳng bao giờ quên được dù chỉ là một lần tham dự.

Người ta so sánh độ dài cả trăm mét của chiếc thảm đỏ dẫn vào nhà hát trong những đêm Oscar hay Cannes có mức độ sánh ngang với Con đường Vinh danh. Chỉ trăm mét, với nụ cười trên môi, trên cơ thể lấp lánh trang phục đắt tiền và bàn tay vẫy cao, các ngôi sao hoàn toàn có thể bay bổng. Bai Ling, diễn viên hạng xoàng của Hollywood, một lần được mời dự Oscar cũng phát biểu rằng “đêm ấy tôi như con bướm bay lượn, người lâng lâng, bất cứ trang phục nào mặc trên người dù đắt đến đâu, cũng chẳng có nghĩa lý gì khi bạn bước trên thảm đỏ Oscar”.

Trật tự - Ngăn nắp - In đậm

Lấy đơn cử Oscar, một lễ trao giải được cả thế giới biết đến nhưng không phải khán giả truyền hình nào cũng được xem trực tiếp lễ chào đón từ thảm đỏ ngoài sân Nhà hát Kodak. Ngày Kodak trao Oscar là một ngày Kodak khác thường, là một ngày mà người ta quên rằng Los Angeles có khoảng 100.000 người vô gia cư và một số ít trong đó vẫn thường ngày lượm rác ngay bên hông nhà hát này.

Kodak của ngày trao giải Oscar đường sá được phân luồng. Tất cả xe cộ mời đi hướng khác, đại lộ Hollywood chỉ dành riêng cho xe của các ngôi sao dự giải. Một thảm đỏ hình chữ L ngược được trải dài cả trăm mét, hai bên hông được dựng một khán đài nhưng không phải để ngồi mà để cho các nhiếp ảnh gia đứng tác nghiệp. Phía bên ngoài, đối diện nhà hát là một hàng rào dài, lịch sự, được dựng lên để cho fan đứng chật ních ngắm sao thỏa thích. Trước hàng rào bao giờ cũng là một đám vệ sĩ đồ sộ đứng che chắn. Hàng trăm con người như thế được Oscar cắt cử để đảm bảo Oscar vừa xa hoa, trật tự nhưng không quá cứng nhắc. Đừng hòng có chuyện fan vừa mặc quần đùi vừa ngồi chồm hổm lấy điện thoại chụp minh tinh đi ngay trước mặt như hình ảnh vừa thấy ở một liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam.

Một nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp ở Mỹ cho rằng tiền là quan trọng nhưng không phải là vấn đề quyết định cho sự thành công của một chương trình thảm đỏ. Quan trọng là cách tổ chức, bố trí chặt chẽ, hiểu địa thế và đặc biệt là siết chặt nhưng không gây ngợp thở.

Một vài hình ảnh sốc nhất tại các thảm đỏ danh tiếng (từ trái qua: Rose McGowan tại giải MTV Video music 1998, Toni Braxton tại Grammy 2001 và Celine Dion tại Oscar 1999)

Các nhà báo phải có mặt từ trưa, ăn mặc phải chỉnh tề. Nhiếp ảnh thì được mời lên khán đài còn báo hình và báo viết được mời đứng ngay trên thảm đỏ đúng vị trí quy định. Tất cả những nhà báo có mặt đều phải có đăng ký với ban tổ chức, miễn người lạ. Trên thảm đỏ, các báo hình tha hồ phỏng vấn nhưng không được quá lâu. Trên khán đài, mỗi phóng viên ảnh đều có vị trí riêng, không chen lấn, không hò hét, không cãi nhau, huých vai…

Các đơn vị tài trợ cũng được kín đáo sắp xếp vị trí đứng để đón khách mời, các banner quảng cáo được dựng lên rất cao để khi lên hình sẽ đảm bảo không một logo nào bị biến mất. Các nhân vật ít nổi tiếng nhất sẽ phải đến trước tiên theo đúng giờ quy định và sau đó sẽ là sự hiện diện của những ngôi sao lớn, nhỏ.

Khoảnh khắc

Thảm đỏ Oscar suốt 83 năm nay là một nghi lễ đặc biệt mà không ai dám một lần chối từ. Mới đây, nhiếp ảnh gia nghệ thuật Aline Smithson tiết lộ rằng tham dự Oscar là một điều gì đó mang tính lịch sử mà cả gia đình bà (bố mẹ, con cái, ông bà) đều mơ ước một lần được đứng trên thảm đỏ. Cách đây chưa lâu, khi lần đầu tiên được mời tham dự Oscar, bà đã kín đáo rải 2 gói nhỏ chứa tro của bố mẹ và cô em gái một người bạn lên thảm đỏ Oscar. “Có điều gì đó mang tính vĩnh cửu và tôi muốn biến ước mơ của họ thành sự thật”, Aline bộc bạch.

Hình ảnh thảm đỏ trong làng giải trí Mỹ luôn là một nghi lễ trang trọng, nó đánh dấu sự ra mắt của một bộ phim, của một sự kiện văn hóa quan trọng và trên hết thảm đỏ cũng là thước đo đánh giá sự thành công của một chương trình. Có những câu chuyện thảm đỏ đã đi vào huyền thoại như việc chàng trai Steve-O đã tè ngay một bãi trên thảm đỏ trước mặt giới báo chí trong ngày ra mắt bộ phim Jackass Number Two (2006), Rose McGowan mặc chiếc áo “lộ hết” trên thảm đỏ chào mừng tại giải MTV Video music (1998), Scarlett Johansson bị tay nhà báo cà chớn Isaac Mizrahi “nắn” ngực ngay tại thảm đỏ Quả cầu vàng 2006, Toni Braxton mặc chiếc váy giống như bikini có đuôi tại lễ trao giải Grammy 2001, Celine Dion cố tình mặc chiếc áo vest ngược tại Oscar 1999… Những hình ảnh đó giờ vẫn được xem là sốc nhất của các chương trình thảm đỏ và dường như nó càng tôn vinh hơn sự hấp dẫn của các thảm đỏ danh tiếng.

Mức độ danh tiếng của các thảm đỏ được tạo dựng từ tên tuổi của các chương trình. Nhưng dù sao, dù là chương trình to hay nhỏ, dù là chương trình ở châu Á, châu Âu hay Nam Mỹ thì thảm đỏ vẫn là một nghi lễ nên được coi trọng. Ở đó các ngôi sao, các nhân vật quan trọng được tôn vinh, như thể thảm đỏ là một con đường danh vọng mà họ sẽ phải luôn hướng tới và có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp của mình.

Bài 2: Chuyện từ Cannes

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link