(Thethaovanhoa.vn) -
Đã hơn 15 năm trôi qua kể từ khi chuyện tử tế được đặt thành một vấn đề nghiêm túc trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Trần Văn Thủy. Người đạo diễn day dứt với câu hỏi: “Thế nào là chuyện tử tế?” nay đã sang tuổi xế chiều. Và câu hỏi ông vẫn là nỗi ám ảnh chưa có lời đáp của xã hội.Nhưng như lời đạo diễn Trần Văn Thủy: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”.
Xin lấy lời kêu gọi của vị đạo diễn,
Thethaovanhoa.vn tiếp tục thực hiện công việc “bền bỉ đánh thức”, tìm gặp những con người đang âm thầm cống hiến cho xã hội. Để mạn đàm quanh một câu chuyện duy nhất: “Chuyện tử tế”.
Chúng tôi bắt đầu chuyên mục bằng câu chuyện người đàn ông với hành trình làm những việc tử tế dài hơn chiều dài xứ sở...
“Tử tế là biết nhục!”Hà Nội giờ tan tầm, từng đoàn xe kẹt cứng trong tiếng còi inh ỏi. Ông lão vận áo bộ đội bạc màu mưa gió vẫn lầm lũi đi dọc vỉa hè, chăm chú từng cột đèn, bức tường công cộng. Thi thoảng ông lại dừng lại, bóc tờ quảng cáo mới dán, cất gọn vào túi rồi lặng lẽ bước đi.Việc làm bền bỉ 10 năm ấy của ông Nguyễn Văn Minh hẳn nhiên không phải là “những điều vớ vẩn”.
1. - “Vậy thưa ông, ông nghĩ thế nào là chuyện tử tế?”- Tôi mào đầu câu chuyện.
- “Theo tôi, tử tế là biết nhục. Người tử tế là người thấy xấu hổ khi người khác đánh giá xấu cộng đồng của mình. Và người tử tế sẽ không ngại hi sinh những quyền lợi bản thân để thay đổi những điều xấu ấy.”- Ông lão 72 tuổi, cán bộ hưu trí của nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông trả lời.
“Biết nhục” là tự trọng. Mà lòng tự trọng là những điều sơ đẳng trong đạo đức mỗi con người. Ông lão nói đúng mà “sáo” quá! Tử tế là một điều thiêng liêng, nó phải cao sang và rực rỡ hơn mới phải.
Song khi nghe ông cụ kể về hành trình 10 năm ròng hứng mưa gió, thị phi để làm đẹp hơn cho nơi mình sống, tôi nghĩ khác.
2. Ông Minh sinh ra ở phố Lò Đúc, trong một gia đình gia giáo của Hà Nội. Năm 1962, do điều kiện công tác, ông chuyển về sống ở Khu tập thể Bóng đèn phích nước Rạng Đông (trên đường Nguyễn Trãi).
Trong một lần xem TV, thấy một du khách nước ngoài phát biểu: họ rất thích Hà Nội song rác từ lòng đường tới bờ tường khiến họ ngán ngẩm.
“Tôi nghe mà đau, mà nhục! Hà Nội yên ả thanh sạch, niềm tự hào của tôi nay đã bị coi là mớ hổ lốn. Và lời nhận định của người du khách nước ngoài ấy là đúng.”- Ông Minh nói.
Không “đau suông”, “nhục suông”, từ cái ngày tháng 10 năm 2002 ấy, ông quyết định dọn rác đường và rác tường ở nơi mình sống.
Mỗi ngày hai lần, sáng ông Minh đạp xe từ 9 giờ tới 11 giờ, chiều ông đi bộ từ 4 giờ tới nhá nhem tối vừa để tập thể dục, vừa để bóc những tờ quảng cáo, rao vặt.
Ông Minh bóc tấm biển quảng cáo dán trên một cây cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi (Hà Nội)Theo chia sẻ của ông, hành trình buổi sáng cốt để quan sát những biển quảng cáo ngày hôm nay dán ở đâu, cao hay thấp, dày hay thưa. Nếu những biển quảng cáo dán ở chỗ dễ bóc thì ông xử lý luôn. Với những biển dán cao thì ông ghi lại để chiều mang móc kéo xuống.
Còn hành trình buổi chiều, ông cẩn thận mang theo dụng cụ tự chế là chiếc dao bé để cào bằng sạch những biển quảng cáo được dán chặt bằng hồ công nghiệp; chiếc móc để kéo biển quảng cáo ở trên cao; chiếc búa để cậy đinh ở các pano quảng cáo đóng trên các cây cổ thụ…
3. Hành trình của ông cả đi lẫn về, cả sáng và chiều trên đoạn đường từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi tới Ngã tư Sở khoảng 12 km mỗi ngày. Và 10 năm qua, ngoài lúc đau ốm, ngày nào ông cũng đi.
Bất giác tính nhẩm ra 10 năm qua, ông đã đi hơn 4 vạn cây số. Vậy là hành trình làm sạch nơi mình sống, làm những điều tử tế của ông lão thất thập còn hơn cả chiều dài xứ sở.
Ông đã làm những điều tử tế ấy bằng tất cả lòng tự tôn, quyết đoán và mạnh mẽ. Những người dán quảng cáo đã tìm cách vô hiệu hóa ông bằng cách dán cao, dùng keo “xịn” để không thể bóc. Những người quanh ông lúc đầu đã bảo ông “điên” khi “dỗi hơi” làm những việc không đâu. Con cái cũng ngăn cản ông vì sợ mưa gió và trả thù…
Dụng cụ đặc biệt của ông Minh để đối phó với keo dính các loại của "quảng cáo tặc"
Nhưng giờ, sau 10 năm, độ bền bỉ của ông đã khiến “quảng cáo tặc” phát nản. Sự quyết liệt của ông khi chế ra đủ các loại dụng cụ (từ dao chống “keo xịn” tới móc chống “treo cao”) đã vô hiệu hóa hoàn toàn những thủ đoạn tinh vi của “những điều vớ vẩn”.
Hơn thế, sự từ tâm trước thái độ của mọi người của ông đã khiến cộng đồng dần thay đổi cách nhìn. Thậm chí, nhiều người xe ôm, hàng nước, những cô cậu sinh viên giờ cũng thấy tờ rơi quảng cáo, rao vặt trên tường, cột đèn, cây cổ thụ là bóc.
Thành phố lên đèn, ông lão vẫn nhẩn nha đi bộ trên vỉa hè, ngó từng gốc cây, cột đèn xem có nhóm “quảng cáo tặc” vãng lai nào dán ở khu phố ông.
Đường vẫn tắc. Còi xe vẫn inh ỏi…
Phạm Mỹ