06/11/2008 08:35 GMT+7 | Thế giới
Ngày 5/11, chứng khoán Mỹ bất ngờ giảm trên 5% sau ngày ông Barack Obama trở thành tân Tổng thống Mỹ.
30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều mất điểm
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khép lại bằng chiến thắng thuyết phục của Thượng nghị sỹ Barack Obama. Cùng đó là chiến thắng áp đảo của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện trước đảng Cộng hòa.
Theo giới quan sát, việc nắm quyền chi phối ở hai viện sẽ giúp cho ông Obama có thể nhanh chóng đưa ra các quyết sách.
Vấn đề quan trọng nhất nổi lên lúc này là vấn đề chính sách kinh tế của ông Obama để vực dậy nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Theo giới phân tích nhận định, một trong những chính sách kinh tế mà ông Obama sẽ tập trung vào là chính quyền mới sẽ đẩy mạnh việc thắt chặt các quy định luật pháp, đặc biệt đối với ngành tài chính.
Một trong những điểm hàng đầu trong chương trình làm việc của tân Tổng thống sẽ là cải tổ toàn diện các quy định pháp lý đối với ngành tài chính nhằm hạn chế các hoạt động đầu tư có mức độ rủi ro cao. Các quy định này sẽ nhằm vào từng tổ chức riêng lẻ một để đảm bảo sự ổn định của cả hệ thống.
Vấn đề đặt ra lúc này là liệu bộ phận nào của ngành tài chính sẽ chịu tác động mạnh từ những thay đổi pháp lý nào. Có khả năng, đối tượng dễ bị tổn thương nhất sẽ là các quỹ đầu cơ, mặc dù chính các quỹ này là những người ủng hộ ông Obama.
Bên cạnh đó, vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng rất quan trọng trong việc thực thi các chính sách kinh tế dưới thời tân Tổng thống.
Giới quan sát nhận định, sẽ có 3 ứng cử viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ là tỷ phú - nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett, cố vấn kinh tế của ông Obama; ông Timothy Geithner, người hiện giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York; bà Sheila Bair, người hiện là Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ.
Ngoài ra, các ứng cử viên khác bao gồm hai cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ là Robert Rubin và Lauwrence Summers, cũng như Thống đốc bang New Jersey, ông John Corzine - cựu CEO của tập đoàn Goldman Sachs.
Một ngày sau khi ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, chứng khoán Phố Wall đã sụt giảm mạnh và trở thành phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử sau ngày bầu cử tổng thống.
Ngay khi thị trường bước vào ngày giao dịch, các chỉ số đã đồng loạt mất điểm. Đà giảm liên tục được duy trì từ 10 giờ (giờ địa phương) đến lúc thị trường đóng cửa.
Biểu đồ của thị trường lộ rõ một xu thế “cắm mặt” đi xuống của các chỉ số, tất cả 30 cổ phiếu blue-chip trong chỉ số Dow Jones đều giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu của Citigroup sụt giảm 13,97%, cổ phiếu Bank of America mất 11,33%, cổ phiếu JPMorgan Chase hạ 7%, cổ phiếu Intel trượt 7,38%...
Cổ phiếu của hai tập đoàn bảo hiểm trái phiếu hàng đầu nước Mỹ đã mất điểm với biên độ lớn sau khi Tập đoàn Ambac Financial Group công bố lỗ 7,81 USD/cổ phiếu và MBIA công bố lỗ 806,5 triệu USD, tương đương 3,48 USD/cổ phiếu, trong quý 3/2008.
Giới đầu tư đã bán tháo mạnh hai cổ phiếu này khiến cổ phiếu Ambac Financial Group hạ 40,88%, còn cổ phiếu MBIA thì mất 20,99%.
Tin xấu về kinh vĩ mô đã ập đến khiến thị trường không thể tiếp tục khởi sắc. Trong ngày 5/11, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) đã công bố chỉ số khu vực phi sản xuất (dịch vụ) ở Mỹ giảm từ 50,2 điểm trong tháng Chín xuống 44,4 điểm trong tháng Mười. Như vậy cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất ở Mỹ đều sụt giảm mạnh trong tháng 10.
Trong khi đó, tình trạng cắt giảm việc làm của giới chủ tư nhân lại gia tăng trong tháng 10. Theo đó, giới chủ Mỹ đã cắt giảm 157.000 việc làm, cao hơn mức dự báo của giới phân tích là 100.000 sẽ mất việc trong tháng 10. Giới phân tích cũng dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 10 có thể sẽ tăng từ 6,1% lên 6,3%.
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 5/11: Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 486,01 điểm, tương đương -5,05%, đóng cửa ở mức 9.139,27.
Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 98,48 điểm, tương đương -5,53%, chốt ở mức 1.780,12.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 52,27 điểm, tương đương 5,27%, đóng cửa ở mức 952,98.
Khối lượng trên sàn New York phiên này ở mức 1,31 tỷ cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trên sàn Nasdaq đạt 2,21 tỷ cổ phiếu. Trên hai sàn, thị trường cứ có 4 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.
* Giá dầu kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 5/11 đã sụt giảm 5,23 USD/thùng và đóng cửa ở mức 65,3 USD/thùng.
Chứng khoán châu Âu chấm dứt chuỗi 6 ngày tăng điểm
Trái với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán châu Á khi ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt mất điểm sau khi có 6 ngày tăng điểm liên tiếp trước đó.
Cổ phiếu khối năng lượng và khai mỏ đã giảm mạnh sau khi giá dầu giảm trên 7%, trong khi giá các kim loại cũng đều đi xuống, trong đó cổ phiếu BP, Royal Dutch Shell, BG Group, Cairn Energy và Tullow Oil đều mất ít nhất 2% giá trị. Cổ phiếu của nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal giảm hơn 14%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 108,77 điểm, tương đương -2,34%, đóng cửa ở mức 4.530,73, khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số DAX của Đức phiên này hạ 2,11%, khối lượng giao dịch đạt 49 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 1,98%, khối lượng giao dịch đạt 200 triệu cổ phiếu.
Obama đắc cử, chứng khoán châu Á lên điểm
Thị trường chứng khoán châu Á đã phản ứng tích cực với việc ông Obama giành thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008. Hầu hết các chỉ số đều lên điểm ấn tượng từ 2% đến 4,5%.
Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Tư đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong 3 tuần qua. Nhiều cổ phiếu blue-chip của các nhà xuất khẩu và ngân hàng đồng loạt tăng điểm góp phần giúp chỉ số Nikkei 225 khởi sắc.
Điểm đáng chú ý là vào thời điểm các phương tiện truyền thông công bố ông Obama thắng cử để sẽ trở thành tổng thống thứ 44 của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ thì chỉ số Nikkei bất ngờ tăng từ 9.350 điểm lên 9.530 điểm.
Lý giải cho việc này, chiến lược gia Nagayuki Yamagishi của Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJ Securities nói: “Phiên tăng điểm mạnh chiều nay cho thấy, thị trường đã gửi đi thông điệp – Chúc mừng ông Obama”.
Còn ông Katsuhiko Kodama, chiến lược gia cao cấp của Công ty Chứng khoán Toyo Securities nói “Tôi nghĩ đó là một tín hiệu mừng khi đảng Dân chủ sẽ chủ động thông qua các chính sách một cách thuận lợi bởi Thượng viện, Hạ viện đều dưới quyền kiểm soát của đảng này”.
Trong phiên này, cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn đã tăng điểm mạnh, trong đó, cổ phiếu của Honda lên 13,4%, cổ phiếu Canon tăng 12,8%, cổ phiếu Toyota tiến thêm 10,4%.
Đáng chú ý là mức tăng ấn tượng của cổ phiếu của ba ngân hàng hàng đầu của Nhật, theo đó, cổ phiếu của Mizuho Financial Group tăng 16,1%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group lên 11,3%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group tiến thêm 11,9%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 406,64 điểm, tương đương 4,46%, đóng cửa ở mức 9.521,24. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,87 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 10 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc phiên này đã tăng điểm ngày thứ năm liên tiếp với biên độ 2,44%. Hiện giới nhà đầu tư ở nước này đang chời đợi chính sách thương mại dưới thời tân tổng thồng Obama đối với Hàn Quốc.
Thị trường |
Chỉ số |
Phiên trước | Đóng cửa | Tăng / giảm (điểm) | Tăng / giảm (%) |
Mỹ | Dow Jones | 9.625,28 | 9.139,27 | 486,01 | 5,05 |
Nasdaq | 1.780,12 | 1.681,64 | 98,48 | 5,53 | |
S&P 500 | 1.005,75 | 952,77 | 52,98 | 5,27 | |
Anh | FTSE 100 | 4.639,50 | 4.530,73 | 108,77 | 2,34 |
Đức | DAX | 5.278,04 | 5.166,87 | 111,17 | 2,11 |
Pháp | CAC 40 | 3.691,09 | 3.618,11 | 72,98 | 1,98 |
Đài Loan | Taiwan Weighted | 4.992,63 | 4.978,26 |
14,37 | 0,29 |
Nhật | Nikkei 225 | 9.114,60 | 9.521,24 | 406,64 | 4,46 |
Hồng Kông | Hang Seng | 14.384,34 | 14.840,20 | 455,82 | 3,17 |
Hàn Quốc | KOSPI Composite | 1.153,35 | 1.181,50 | 28,15 | 2,44 |
Singapore | Straits Times | 1.849,47 | 1.868,82 | 39,13 | 2,14 |
Trung Quốc | Shanghai Composite | 1.706,70 | 1.760,61 | 53,91 | 3,16 |
(Theo VnEconomy)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất