23/03/2015 11:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Trợ lý ngôn ngữ cho HLV trưởng các ĐTQG chẳng những là người tinh thông ngoại ngữ để truyền đạt đúng những gì mà HLV muốn gửi gắm đến cầu thủ, mà còn phải là một con người làm việc có tâm, đầy trách nhiệm và am hiểu chuyên môn bóng đá. Họ mới là cầu nối đúng nghĩa giữa HLV trưởng với cầu thủ, và hơn thế nữa…
Trong thời buổi bóng đá hội nhập, nói không quá, trợ lý ngôn ngữ trở thành nghề “hot”. Ở mỗi CLB hay ĐTQG, vai trò của trợ lý ngôn ngữ rất quan trọng. Bên cạnh là chiếc cầu nối giữa cầu thủ với HLV, trợ lý ngôn ngữ còn làm rất nhiều việc thầm lặng khác, giúp cho HLV ngoại hòa nhập nhanh hơn, tham gia vào công tác tìm hiểu, tuyển chọn ngoại binh và giúp các HLV trưởng “chốt” các hợp đồng…
Có một thực tế bấy lâu nay là vai trò trợ lý ngôn ngữ thường ít được nhắc đến. Sau mỗi chiến công của đội bóng, người ta tung hô cầu thủ, HLV chứ mấy ai nhớ đến anh trợ lý ngôn ngữ.
Nhìn riêng góc độ này, trợ lý ngôn ngữ mới là cánh tay phải của HLV bởi công việc của khó khăn và nhiều áp lực, và anh ta luôn phải ở cạnh HLV trưởng, cả lúc thành công lẫn thất bại, lúc HLV vui lẫn khi đang “khó ở”.
Trong mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam hiện nay, có thể thấy vai trò của trợ lý ngôn ngữ vô cùng quan trọng. Anh ta phải truyền đạt những chỉ đạo chiến thuật của HLV Miura một cách nhanh nhất đến các cầu thủ. Điều đó là một đòi hỏi không hề dễ dàng, trợ lý cần phải tinh thông ngôn ngữ và am hiểu chuyên môn.
Có thể, trợ lý ngôn ngữ là người bạn tốt với các HLV ngoại (hoặc cầu thủ ngoại), bởi chỉ có họ mới hiểu được tâm tư tình cảm của HLV và có những sẻ chia. Chưa hết, trợ lý ngôn ngữ còn là “người bạn đường” đúng nghĩa với các HLV ngoại trong việc cung cấp thông tin về môi trường bóng đá, cuộc sống, văn hóa và con người bản địa.
Ai đó nói vui rằng, trợ lý ngôn ngữ có quyền lực hơn cả HLV cũng chẳng sai, bởi chắc chắn chỉ có trợ lý ngôn ngữ mới biết rõ nhất tâm tư tình cảm và những nhận xét, đánh giá của ông HLV với các cầu thủ.
Và ngược lại, tất cả những thông tin phản hồi cầu thủ mà HLV có được đều từ trợ lý ngôn ngữ. Thế nên, chỉ cần bị chi phối bởi một sự yêu ghét không rõ ràng xen lẫn vào công việc, trợ lý ngôn ngữ có thể làm sai lệch mọi sự thật.
Nói tóm lại, trợ lý ngôn ngữ dù bất kỳ hoàn cảnh nào phải là chiếc cầu nối giữa HLV với cầu thủ, tạo sự cộng hưởng, và cũng phải biết hy sinh cái tôi để hướng tới cái chung.
Bóng đá Việt Nam, từ cấp ĐTQG đến CLB, vẫn rất ít trợ lý ngôn ngữ giỏi nghề, am hiểu sâu sắc về các hoạt động bóng đá.
Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất