30/03/2023 20:51 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
12 năm làm 'bạn' với ung thư, đến nay dù căn bệnh có trở lại, chị Chanh xem đó là bệnh mạn tính theo mình cả đời.
Từng muốn kết thúc cuộc đời vì biết mắc K
Vừa kết thúc đợt hóa trị đầu tiên sau 12 năm căn bệnh ung thư trực tràng tái phát, mặc dù mệt nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Chanh (sinh năm 1987, cô chủ tiệm spa, quê Vĩnh Phúc) vẫn vui vẻ và lạc quan. "Vì bệnh nó cũng theo mình hơn thập kỷ rồi", chị Chanh nói.
Nhớ về thời điểm phát hiện bệnh, chị Chanh tâm sự, năm 2006 chị bắt đầu vào miền Nam xin việc làm tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Tới năm 2008, chị Chanh bị trĩ nội, đi nặng ra máu, nhưng không đi khám, không để ý. Cho tới tháng 7/2010, chị bị đau quặn bụng, đi vệ sinh khó và ra máu tươi. Chị Chanh bắt đầu đi khám, tuy nhiên bác sĩ chỉ nói chị bị kiết lị. Bác sĩ tiến hành kê thuốc, chị Chanh uống nhưng không đỡ mà tình trạng bệnh càng nặng hơn. Khi đó, bố mẹ chị yêu cầu chị ra ngoài Bắc để khám.
Chị Chanh vào bệnh viện Nông Nghiệp khám, tiến hành soi trực tràng thì phát hiện một khối u nằm ngay hậu môn, thấp và to như quả trứng, lan hết trực tràng. Các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu cho chị để lấy khối u và làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
"Khi đó tôi rất sốc, rất suy sụp và sợ. Khi mới mổ xong, vì bản thân không quen với hậu môn nhân tạo nên đêm nào tôi cũng khóc bởi đau. May mắn được các bác sĩ giới thiệu lên bệnh viện K kiểm tra kỹ càng thì kết quả ổn định. Tuy nhiên, điều xui rủi vẫn đeo bám tôi, khi hậu môn nhân tạo lồi to và có dấu hiệu chạy sang buồng tử cung.
Bác sỹ khuyên tôi nên cắt hết đi và mổ làm lại hậu môn nhân tạo, tôi đã nghe theo bác sĩ. Tôi ở lại viện 1 tháng cho lành vết mổ sau đó chuyển sang khoa hoá chất bắt đầu truyền 8 đợt. Cũng may dù trong quá trình truyền mệt và nôn cả ngày, cứ xong một đợt về nhà tôi nghỉ là lại khoẻ mạnh bình thường", chị Chanh chia sẻ.
Sau 20 ngày truyền hóa chất, chị Chanh bắt đầu sang khoa xạ, bác sỹ chỉ định 35 mũi xạ. Nhưng rồi chị Chanh cũng vượt qua và ra viện. Thời điểm đó, chị Chanh cho biết bản thân suy sụp, tuyệt vọng, không đêm nào ngủ được. Chị khóc tận 3 tháng trời. "Thậm chí tôi từng có ý định kết thúc cuộc sống đau khổ này. Vì đang từ một người khoẻ mạnh bình thường, bỗng nhiên mất hết không còn gì để tiếp tục, đêm nào cũng ngồi khóc, cả đêm suy nghĩ và tuyệt vọng. Hồi đó, mỗi khi đi trị bệnh về tôi không dám đi đâu, không dám nói chuyện với ai, chỉ ở nhà và nghĩ mình không làm được gì nữa."
Quyết tâm sống chung cùng bệnh
Sau vài tháng như thế, chị Chanh nghĩ thương mình, thương bố mẹ, thương anh trai vì mình mà vất vả. Đấy cũng là động lực duy nhất giúp chị vực dậy tinh thần chiến đấu.
"Tôi quyết tâm sống chung với bệnh, vì tôi nghĩ 'mình không chết, bệnh nó sẽ chết' nên là tôi bắt đầu sống lạc quan", chị Chanh kể lại.
Trong lúc điều trị bệnh, chị Chanh cũng 'kịp' học nghề trang điểm, sau đó chị xin làm tại một ảnh viện cách nhà 3km.
"Ở công việc đó, tôi gặp được những người bạn, những người đã giúp tôi được sống vui vẻ như người bình thường. Mọi người yêu thương, quý mến để tôi lạc quan quên đi bệnh tật", chị Chanh kể.
Cho tới 2017, chị Chanh phát hiện một khối u nhỏ ở ngực, sau đó lại to lên bất thường. Một lần nữa, chị đối mặt với tử thần, bác sĩ kết luận chị mắc ung thư vú giai đoạn 2.
"Tôi tiếp tục nhập viện mổ, được 1 tháng thì chuyển khoa hoá chất. Bác sĩ chỉ định truyền 8 đợt và tia xạ 35 mũi. Khi đó, tóc tôi bắt đầu rụng trọc hết đầu. Trong thời gian ở bệnh viện tia xạ, tôi có đi học thêm nghề phun xăm. Lúc đó, tôi vừa trị bệnh vừa vác cốp đồ về Hà Nội liên hệ với khách ở đó, vừa kiếm tiền vừa trị bệnh", chị Chanh xúc động nhớ lại.
Vừa chữa bệnh, vừa kiếm tiền, nhưng chị Chanh lấy đó là niềm vui. Gia đình chị không có điều kiện, qua 2 lần chữa bệnh cho chị, tài sản gia đình đã gần cạn kiệt. Vì thế, việc có thể tự lập là niềm vui của chị.
Sau 35 mũi xạ, chị Chanh cũng được ra viện. Chị nhớ lúc đó là mùa hè, đội bộ tóc giả khiến chị vô cùng nóng nực, khó chịu nhưng chị vẫn tiếp tục công việc một cách cần mẫn.
Sau đó, chị Chanh quyết định vay mượn bạn bè mở được một tiệm làm đẹp nhỏ, tiệm nghèo không có gì ngoài hai cốp đồ phun xăm và trang điểm.
"Nhưng có lẽ do tôi mất mát quá nhiều nên ông trời thương. Công việc của tôi cứ thế phát triển, còn tôi vẫn tiếp tục sống lạc quan. Trước đây, bác sĩ từng nói mổ trực tràng có lẽ chỉ sống được thêm 5 năm nữa. Bác sĩ còn nói bố mẹ tôi cứ chuẩn bị tinh thần. Nhưng với tinh thần lạc quan và thêm vào sự may mắn nên tôi đã tận dụng quãng thời gian đó để sống hết mình, làm việc hết mình, cho đi hết mình. Gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp giúp tôi không còn sợ và nghĩ về bệnh nữa. Tôi cũng hay nghe nhạc, đọc sách về những điều ý nghĩa", chị Chanh cho hay.
Để mới đây khi K trực tràng tái phát sau 12 năm, chị Chanh vẫn vui vẻ đón nhận, coi nó như là bệnh mạn tính. "Có bệnh thì chữa. Sau những gì đã trải qua, tôi không còn sợ, không suy sụp gì nữa cả. Để sống được không chỉ cần uống thuốc mà cần chữa cả tâm bệnh. Tâm mình thoải mái, vui vẻ là chiến thắng một nửa, thậm chí 70% bệnh tật rồi", chị Chanh cho hay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất