28/12/2016 08:28 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội dự kiến đưa vào vận hành tuyến xe buýt nhanh (BRT) Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, việc tạo làn đường riêng cho buýt nhanh, mà chưa có giải pháp chống ùn tắc trước áp lực giao thông hiện nay đang khiến dư luận băn khoăn.
Suốt tuyến Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã cho cắm các biển cảnh báo phương tiện lưu thông, kẻ vạch sơn kẻ đường dành riêng xe buýt nhanh. Tuy nhiên, dọc tuyến đường này hiện có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Chỉ cần chờ 1 - 2 nhịp đèn tín hiệu giao thông hay có va chạm nhẹ xảy ra, ùn ứ có thể dẫn đến ùn tắc ngay lập tức. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, các lực lượng chuyên ngành điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. Song, chính điều này khiến nhiều người lo ngại vạch phân làn riêng khó phát huy tác dụng.
Bác Nguyễn Đức Hải, ở phố Lê Văn Lương cho biết: “Tình trạng trộn dòng phương tiện dọc tuyến đường đã xảy ra từ lâu, nếu phân làn đường riêng sẽ khó khả thi. Mặc dù báo chí khẳng định tính hiệu quả của xe buýt nhanh, nhưng nếu phân làn không hiệu quả, lực lượng chuyên ngành không tổ chức giao thông từ xa tốt, xe buýt nhanh khó có thể vận hành nhanh. Chưa kể, với tần suất từ 5 - 15 phút/chuyến, ngày thường có 358 chuyến, giữa các chuyến sẽ khó đảm bảo làn đường dành riêng buýt nhanh chạy khi các phương tiện trộn dòng...”.
Việc ra vào bến xe của buýt thường sẽ trùng lặp với làn đường buýt nhanh trên những đoạn phố chật hẹp như tại nhà chờ Giảng Võ.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang, tuyến buýt BRT có 44 điểm dừng (cả 2 chiều) phục vụ đón trả khách. Sở đã điều chỉnh, di chuyển 10 điểm dừng và bổ sung 10 điểm cho 2 chiều vận hành, đảm bảo buýt nhanh khớp nối chuẩn với nhà chờ. Các tuyến buýt thường đang hoạt động trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT cũng được điều chỉnh bằng cách bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT, nhưng bảo đảm hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT.
Nhiều người dân bày tỏ, khi buýt nhanh hoạt động, tại nhiều thời điểm sẽ khó tránh khỏi tình trạng buýt nhanh, buýt thường hoạt động cùng lúc. Với số lượng gần 30 xe buýt nhanh, chưa kể xe tăng cường, tần suất chạy dày, sẽ khiến tuyến đường thêm “bức bối”. Không ít vị trí nhà chờ buýt nhanh như nhà chờ Thành Công, Láng Hạ, Giảng Võ... hiện nằm đối diện với bến xe buýt thường. Thực tế này dễ khiến buýt thường đè vạch phân cách mềm khi ra vào bến...
Nhiều chuyên gia giao thông cũng băn khoăn về hiệu quả của dải phân cách mềm khó khả thi. Vì trên tuyến đường buýt nhanh hoạt động, có nhiều đoạn tuyến phố chật hẹp, nhiều người lái xe máy thiếu ý thức còn leo lên vỉa hè để lưu thông khi gặp ùn tắc, thì vạch phân cách mềm sẽ không có tác dụng phân làn. Chưa kể, các tuyến đường như: Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ... đang là những “điểm đen” về ùn tắc giao thông của Hà Nội, khi buýt nhanh hoạt động có thể làm gia tăng thêm ùn tắc.
Chờ... buýt nhanh hoạt động
Buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Núi Trúc - Giang Văn Minh - Cát Linh. Các đoạn không bố trí làn dành riêng (xe BRT chạy chung với các phương tiện khác) bao gồm: đoạn Yên Nghĩa - Ngã 3 Ba La; đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ.
Phương án tổ chức giao thông tại các điểm quay đầu hiện có như sau: Thực hiện đóng điểm quay đầu trước cửa Triển lãm Giảng Võ cũ trên đường Giảng Võ, mở điểm quay đầu thay thế tại vị trí trước số nhà 215 Giảng Võ. Tại 12 điểm quay đầu trên tuyến (không có đèn tín hiệu) sẽ tổ chức sơn kẻ, lắp đặt đèn cảnh báo, biển cảnh báo. Tùy vào tình hình giao thông thực tế, sử dụng hệ thống hàng rào di động tại các điểm quay đầu để điều chỉnh linh hoạt tổ chức giao thông tại các điểm này.
Tại 2 điểm quay đầu có bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông, gồm 1 điểm quay đầu trước trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Km14+110 và một điểm quay đầu đối diện khách sạn Fortuna - Km12+850 sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho buýt BRT đi trước các hướng phương tiện quay đầu.
Dự án buýt nhanh BRT có tổng vốn đầu tư 55 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Giá vé đồng hạng 7.000 đồng/lượt, 100.000 đồng/tháng đối với đối tượng không ưu tiên đi 1 tuyến buýt và 50.000 đồng/tháng đối với đối tượng ưu tiên đi 1 tuyến buýt. Thời gian hoạt động Bến xe Kim Mã từ 6 - 20 giờ 30 phút, Bến xe Yên Nghĩa từ 5 giờ 45 phút - 20 giờ 15 phút. Tần suất 30 phút/lượt, 60 lượt/ngày. |
Tại nút giao Tố Hữu - Trung Văn, cấm phương tiện ô tô rẽ trái từ Tố Hữu và Trung Văn và ngược lại, các phương tiện rẽ phải hoặc đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Tố Hữu.
Đối với xe tải và xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 500 kg trở lên, xe khách, xe hợp đồng như sau: Cấm các phương tiện này hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6 - 9 giờ; chiều 16 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc).
Trừ các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường. Các trục đường giao cắt với tuyến BRT, các phương tiện này hoạt động bình thường. Đối với xe taxi, cấm hoạt động trong giờ cao điểm (Sáng 6 - 9 giờ; chiều 16 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật được hoạt động bình thường. Các trục đường giao cắt với tuyến BRT, xe taxi hoạt động bình thường.
Ngoài ra, để hạn chế dừng đỗ xe trên trục đường hành lang BRT, tổ chức cấm dừng đỗ tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định: Tuyến buýt BRT là tuyến vận tải hành khách công cộng quan trọng đầu tiên vận hành, nên việc áp dụng vào thực tế tình hình giao thông chật chội như ở Hà Nội rất khó khăn. Vì vậy, sau khi áp dụng sẽ còn tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh một cách hợp lý nhất. Để buýt BRT mang lại hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt và xử lý vi phạm nghiêm minh, cũng như ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Theo Đăng Sơn - Vietnam+
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất