28/08/2023 18:29 GMT+7 | Văn hoá
Vở Cô đào hát (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc, chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) từng gây tiếng vang vào cuối thập niên 1990, đã trở thành tác phẩm mẫu mực của sân khấu phía Nam. Mới đây, vở đã trở lại với khán giả tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) bằng phiên bản mới, sang trọng và hiện đại.
1. Vở diễn chỉ xoay quanh Cầm Thanh cùng 3 người đàn ông trong cuộc đời cô, nhưng lại vô cùng nặng tâm lý, cần có nội lực diễn xuất đầy đặn. Mỗi nhân vật đều có những trăn trở của riêng mình, nhưng đều có một điểm chung là số phận con người trong thời ly loạn.
Kép hát Vân Hạc là hình mẫu người nghệ sĩ tài hoa, như cái chất giọng sáng trưng của nghệ sĩ Minh Trường. Anh diễn ra được nét lãng tử thâm tình, nhưng có phần ích kỷ và hèn nhát. Vân Hạc yêu Cầm Thanh, nhưng chỉ dám thể hiện tình cảm đó trên sân khấu, qua những vai diễn. Anh sợ nếu yêu ngoài đời thật sẽ chẳng còn làm khán giả hứng thú mà đến rạp xem họ diễn, rồi đoàn hát sẽ phải đóng cửa.
Mặt khác, anh cũng biết rằng một cô gái như Cầm Thanh sẽ chẳng dành cho mình, sẽ bị dây vào vô số những rắc rối trước những kẻ cầm quyền như tên quan Ba. Phảng phất ta thấy ở Vân Hạc bi kịch của người nghệ sĩ thời đó, bề ngoài xiêm y lộng lẫy, nhưng lại rất yếu đuối trước cường quyền. Nơi diễn ra những cái giả như sân khấu lại là chỗ duy nhất người ta dám sống thật, còn ngoài đời thật lại phải che giấu chính mình. Minh Trường làm khán giả buồn cười bởi những miếng hài có duyên, nhưng cũng không khỏi chua xót trong từng câu thoại đầy hối hận và cay đắng.
Lê Anh Dũng của NSƯT Kim Tử Long lại là một kiểu đàn ông khác. Anh điềm đạm, lịch lãm đúng chất trí thức, nói tiếng Tây như gió, lại hết mực yêu thương vợ. Tưởng chừng như người đàn ông hoàn hảo, thế mà lại đầy mâu thuẫn.
Một chủ báo điện ảnh kịch trường, nhưng đâu đó trong sâu thẳm vẫn khinh thường "thằng kép", "con đào". Người tự nhận mình là trong sạch khi giữ cho con chữ không nói sai sự thật, vậy mà cứ đi bài tâng bốc vợ mình, dù chưa một lần đến sân khấu xem cô diễn. Một người chồng tự xưng yêu vợ đến bất chấp quá khứ, để rồi khi cưới về cứ mãi loay hoay với những nghi ngờ, thậm chí có ý dâng vợ cho quan Ba nhằm cứu vãn tờ báo.
Có lẽ đối với nhiều người, nhân vật Lê Anh Dũng là kẻ đạo đức giả, nhưng suy cho cùng anh ta cũng là một bi kịch của những con người bị buộc phải thỏa hiệp với thời cuộc. Những hoài bão, lý tưởng, những suy nghĩ tốt đẹp ban đầu dần tha hóa lúc nào không hay, để rồi nhân danh "đức hạnh" mà chà đạp người khác nhằm cứu vãn chút danh dự còn sót lại.
Cuối cùng, có lẽ người đàn ông yêu Cầm Thanh nhất chính là thông ngôn Trần Hữu Liêm (Võ Minh Lâm). Anh yêu cô một cách vô tư, bằng tất cả những kính dâng, tôn thờ nhưng cũng đầy chia sẻ. Để khi không thể bảo vệ được người mình yêu, anh đã hóa điên. Bởi chỉ có kẻ điên mới không biết sợ hãi, không biết thỏa hiệp để giữ cho mình thứ tình yêu trong sáng và nguyên vẹn nhất.
Hữu Liêm chính là hình ảnh đại diện cho khán giả. Biết bao thế hệ người hâm mộ đã từng yêu nghệ thuật như thế, thuộc từng lời ca giọng hát cho đến cái nhấc tay. Chỉ cần hát sai 1 nhịp thôi là họ nhận ra ngay, thẳng thắn góp ý rồi lại cười xòa, lại mê. Võ Minh Lâm có ngoại hình trong sáng nên rất phù hợp với chất ngây thơ của Hữu Liêm.
Nhân vật quan trọng nhất của vở diễn là Cầm Thanh (NSƯT Quế Trân). Một cô đào tài danh phải hết lần này đến lần khác hy sinh. Cầm Thanh giống nhân vật Huyền Trân công chúa mà cô diễn trên sân khấu, là đại diện cho thân phận người phụ nữ, phải hy sinh nhan sắc và hạnh phúc cho những gì cao cả. Sự hy sinh ấy thật cao quý, nhưng đáng buồn thay, có lúc lại bị người đời đánh giá bằng lăng kính khắt khe mang tên "đức hạnh".
Cuối cùng Cầm Thanh phải hóa điên. Cô đã mệt mỏi, chỉ có điên mới không còn phải gánh vác trách nhiệm, gánh vác ánh mắt của người đời. Có chăng cô chỉ còn gánh vác thiên chức của người nghệ sĩ, là lưu truyền lại giá trị cái đẹp trong những nhân vật cải lương.
2. Phóng tác từ truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, vở diễn được người xem yêu thích và gặt hái được nhiều thành tích ở cả phiên bản kịch nói lẫn cải lương trước đây.
Làm mới mà vẫn giữ được cái hồn cốt, cái tinh túy của một tác phẩm đậm dấu ấn với những cái tên tuổi từng thể hiện thành công như NSƯT Vũ Linh, NSƯT Phương Hồng Thủy, Ngân Tuấn, Linh Tâm… (ở cải lương), hoặc NSND Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Thương Tín, Quốc Thảo… (ở kịch nói) là không hề đơn giản.
Trong lần tái dựng này, đạo diễn Hoa Hạ đã khắc họa thành công cái đẹp của thánh đường nghệ thuật. Từng tạo hình sân khấu đều đầy mỹ cảm, vũ đạo ước lệ đã hỗ trợ những lớp diễn khó, dàn nhạc có những điểm nhấn làm nổi bật tâm lý nhân vật, hoặc lớp diễn cao trào.
Sự đầu tư nghiêm túc thể hiện từ những chi tiết nhỏ như quyển chương trình tặng khán giả, màn giới thiệu của ông bầu gánh hát theo kiểu rất xưa, mà rất thú vị. Vì vậy, vở Cô đào hát xứng đáng là một điểm sáng của sân khấu cải lương trong mùa diễn nửa cuối năm 2023.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất