11/12/2015 06:43 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi xa quê, buổi tối xem Cô dâu 8 tuổi mới bớt nhớ nhà. Nhưng cô không muốn thì thôi, tôi biết thân biết phận rồi, tôi sẽ không xem nữa”. Bà giúp việc thẫn thờ đi vào phòng, mấy hôm sau trầm ngâm hẳn, rồi sau đó bà đòi về.
Đó chỉ là một trong số vô vàn câu chuyện thú vị xung quanh bộ phim gây sốt này.Có Cô dâu 8 tuổi đời mới tươi
Chị Thanh Tú (Quận Cầu Giấy), người chia sẻ câu chuyện nói trên với phóng viên kể thêm: “Tôi chỉ khóa mã tivi đề phòng con nhỏ xem tivi suốt ngày, nhưng không ngờ lại làm bác giúp việc phật ý. Hôm sau tôi quyết định ngồi xem cùng bác ấy, tôi mới hiểu vì sao mà khán giả lại mê phim này. Có bộ phim bác ấy vui hẳn lên và lại hăng hái làm việc”.
Cậu em họ của chị Tú, tên là Thế Hải (Sinh viên ĐH Thương mại) ngồi gần nghe thấy vừa cười vừa nói: “Từ hồi có phim này, tầm 20h tốt nhất đừng có mà gọi điện cho mẹ em. Mỗi lần em về thăm nhà, mẹ còn chẳng nói chuyện với em mà, chuyện gì cũng phải chờ hết phim Cô dâu 8 tuổi đã”.
Anandi lúc mới về nhà chồng
Chị Kim Thu (Hà Tây) kể bà bác của chị từ quê lên phố trông cháu đã nằng nặc đòi về vì tivi nhà con gái hỏng. Không được xem phim bà cảm thấy thiếu động lực để tiếp tục công việc nặng nhọc này.
Nếu trước kia những bộ phim nước ngoài như Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria, Hoàn châu cách cách, phim Việt Nam như Gió làng Kình, Chuyện làng Nhô, Ma làng… đã từng khiến người Việt Nam dán mắt vào màn hình, xôn xao bàn tán, thì Cô dâu 8 tuổi cũng tạo được hiệu ứng tương tự.
Đi đâu cũng thấy người dân bàn tán về bộ phim này.
Giấc mơ thoát ly hiện thực
Tôi vẫn còn nhớ năm 1999 đang ôn thi đại học, lúc đó Đài Truyền hình Việt Nam chiếu Hoàn châu cách cách. Dù được khuyến cáo là nên tập trung ôn thi, nhưng cuối cùng tôi vẫn xé rào. Mỗi tối có bộ phim này thấy tôi có cảm giác phấn chấn hẳn, khiến tôi quên đi cái “hiện thực” đầy căng thẳng: ôn thi đại học.
Có những bộ phim cho người ta cảm giác cuộc sống nhẹ nhõm, vui vẻ hơn. Cô dâu 8 tuổi là một trường hợp như vậy.
Anandi (giữa) khi đã trưởng thành
Anandi không phải một người thành thị ở nhà lầu đi xe hơi, suốt ngày chỉ lăn tăn ba cái chuyện tình yêu như phim Việt. Cô sống trong một xã hội mà người phụ nữ không được coi trọng, hủ tục tảo hôn vẫn tồn tại.
Nhưng Anandi may mắn vì vẫn có rất nhiều con người tử tế xung quanh cô. Như gia đình nhà chồng Anandi yêu thương cô như con đẻ, thậm chí tác thành hôn nhân lần 2 cho cô. Nên dù Anandi ở Ấn Độ, nhưng người ta cảm thấy đồng cảm được với cô.
Cuộc sống trong ngôi làng của Anandi, cũng có những vấn đề như ở các ngôi làng tại Việt Nam. Nên không ngạc nhiên khi khán giả chính của bộ phim này là người lao động tại các thành thị, người nông dân ở các vùng quê.
Những ai đã bỏ công theo dõi cuộc đời của cô bé Anandi từ năm 8 tuổi, thì giờ cảm thấy rất háo hức khi biết cô đã tìm được một người đàn ông vừa tài giỏi, vừa đẹp trai, đầu óc tân tiến và thực lòng yêu cô.
Cuộc sống của Anandi đã nói hộ giấc mơ của biết bao nhiêu người dân Việt Nam, đang chật vật với cơm áo đời thường. Họ cũng cần được mơ mộng, cần những khoảnh khắc thoát ra khỏi lo toan thường nhật. Và Anandi đã giúp họ đi xa hơn hiện thực hàng ngày đó.
Câu hỏi cho những nhà làm phim Việt
Phim ảnh là sắp đặt, là dàn dựng, nhưng cần phải sắp đặt “như thật” thì mới có khán giả.
Ở Việt Nam phim Việt Nam ngày càng nhiều hơn, nhưng mấy bộ phim đạt được yếu tố “như thật”? Hay chỉ là những đề tài hào nhoáng, trên "trời", và gần như chẳng chạm đến trái tim một ai.
Bạn thử nghĩ xem, những bộ phim Gió làng Kình, Chuyện làng Nhô, Ma làng có chung điểm gì? Nó có chung chữ “làng”, đề cập đến cuộc sống của 80% người dân Việt Nam. Khi phim nói tiếng nói của người dân, hiểu được cuộc sống của họ thì sẽ được người dân yêu quý một cách thật lòng. Đó là phần thưởng vô giá với những người làm phim.
Tôi vẫn còn nhớ trong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế của nhà làm phim Trần Văn Thủy, ông có kể khi đoàn vác máy quay đến lò gạch đã bị ông chủ lò gạch chạy ra xua đuổi. “Xin các ông đi chỗ khác cho chúng tôi nhờ, không có quay quắt gì sất cả. Chán cái đám phim ảnh các ông lắm rồi. Có giỏi thì chụp cái cảnh chúng tôi sống thế nào đi. Cứ bày đặt mãi thế mà không thấy ngượng hả?”.
Cũng đáng để những nhà làm phim ngẫm nghĩ khi để cô Anandi tít tận Ấn Độ nói hộ nỗi lòng khán giả nước Nam.
Ngọc Diệp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất