Vàng nhẫn “có giá”

16/03/2011 12:17 GMT+7 | Thế giới

Nhiều người dân trở lại mua vàng nhẫn 1-2 chỉ. Sau khi có thông tin quản lý vàng miếng, nhiều tiệm vàng chế tác nhẫn không kịp thở. Thị trường vàng có xu hướng quay lại thời kỳ vài chục năm trước trong khi người dân có nhu cầu tích trữ vàng chính đáng đang bị “móc túi” mà không biết.


Vàng nhẫn, vật trang sức đang trở thành tài sản tích trữ - Ảnh: H.T.V.
Chê vàng miếng


Trước đây người dân dùng vàng nhẫn để giao dịch khi thị trường chưa có vàng miếng. Sau này khi các công ty vàng sản xuất các loại vàng miếng 5 phân, 1 chỉ thì vàng nhẫn hầu như vắng bóng tại các đô thị. Tuy nhiên, gần đây vàng nhẫn trở lại tại nhiều tỉnh thành với nhiều trọng lượng khác nhau.

Thậm chí gần đây nhiều tiệm vàng còn niêm yết giá bán vàng nhẫn bên cạnh các loại vàng khác như 9999, 18k, 24k... Trước đây vàng nhẫn 9999 (hay còn gọi là nhẫn vàng trơn) luôn bán với giá thấp hơn vàng miếng thì hiện nay do nhu cầu loại vàng này tăng đột biến nên nhiều tiệm vàng thu thêm 10.000-20.000 đồng/chỉ gọi là bù phí gia công.

Vừa trở về từ chuyến thực tế các tỉnh thành miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ, ông Nguyễn Công Tường - phó phòng kinh doanh vàng Công ty SJC - ghi nhận tình trạng mua vàng nhẫn để cất giữ thay vì vàng miếng không chỉ có ở Hà Nội, TP.HCM mà đã lan ra rất nhiều tỉnh. “Có trường hợp điện thoại đến đặt mua vài chục lượng vàng dưới dạng nhẫn loại 1 chỉ, tính ra đến vài trăm chiếc nhẫn trơn” - ông Tường nói.


Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hiện nay NH Nhà nước chưa ra bất cứ thông báo nào cấm mua bán vàng miếng. Đại diện NH Nhà nước cũng nhiều lần khẳng định NH Nhà nước vẫn công nhận quyền sở hữu vàng miếng hợp pháp của người dân. Việc quản lý thị trường vàng cũng sẽ đi theo lộ trình và hướng đến việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Người dân cần bình tĩnh, tránh nghe các thông tin không đúng đổ xô đi mua vàng nhẫn dẫn đến thiệt hại cho bản thân.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, chủ tiệm vàng lớn ở quận 5 (TP.HCM), cho biết thời gian gần đây tiệm vàng của chị không kinh doanh vàng miếng nữa mà làm vàng nguyên liệu làm nhẫn (còn gọi là vàng thau) để bỏ mối cho các tỉnh ở ĐBSCL, sản xuất ra bao nhiêu cũng hết.

Không ít người dân sở hữu vàng miếng đến các tiệm vàng đề nghị đổi vàng miếng ra vàng nhẫn khi nghe tin đồn tới đây vàng miếng chỉ được bán chứ không được mua. Trước nhu cầu vàng nhẫn tăng mạnh, phó tổng giám đốc một công ty vàng lớn cũng cho biết sắp tới công ty sẽ nghiên cứu đưa ra thị trường nguyên liệu làm vàng nhẫn 9999 để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, xác nhận có biết tình hình này.

Mua đắt bán rẻ

Khác với vàng miếng được các công ty có thương hiệu sản xuất, đảm bảo đúng tuổi, vàng nhẫn chủ yếu được chế tác thủ công, mỗi tiệm vàng đều có thương hiệu khác nhau. Tiêu chuẩn, chất lượng cũng như độ tuổi do các tiệm vàng này định đoạt chứ không có cơ quan nào kiểm định. Do vậy tính thanh khoản của vàng nhẫn rất thấp và người mua cũng phải theo nguyên tắc “mua đâu bán đó” nhằm tránh bị ép giá.

Ông Tường cho biết quy ước tuổi của vàng nhẫn cũng không đồng đều, có nơi quy định vàng nhẫn là 9,5 tuổi, 9,6 tuổi, có nơi lại là 9,8 tuổi. Do vậy mua ở địa phương nào chỉ bán được ở địa phương đó, đến nơi khác không bán được hoặc bị ép giá. Theo một chủ tiệm vàng, việc ép giá với vàng nhẫn sản xuất ở nơi khác là đúng vì chỉ có nơi sản xuất mới biết được chính xác trọng lượng, tuổi vàng. Còn tiệm vàng khác mua vào là “ôm” hàng vì không bán lại được như vàng miếng, còn nấu lại thì không dám vì biết chắc là rớt tuổi.

Ngay cả nơi sản xuất vàng nhẫn cũng ép giá người bán. Giá mua vàng nhẫn thường thấp hơn 400.000-500.000 đồng/lượng so với giá bán ra, gấp cả chục lần so với chênh lệch của vàng miếng. Do chênh lệch quá hời này mà những ngày gần đây nhiều tiệm vàng không mặn mà kinh doanh vàng miếng, đổ xô đi mua nguyên liệu để chế tác vàng nhẫn.

Người tiêu dùng bị “móc túi”

Không chỉ bị thiệt vì mua đắt bán rẻ, người mua vàng nhẫn còn chịu hàng loạt thiệt thòi vì các tiệm vàng tìm mọi cách trừ tiền khi mua lại với lý do trọng lượng hao hụt, không đủ tuổi, móp méo...

Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết khi mua lại vàng miếng, những đơn vị kinh doanh vàng chỉ kiểm tra xem có đúng là vàng miếng, còn nguyên niêm phong hay không; khi mua lại vàng nhẫn các tiệm vàng sẽ phải thử bằng nhiều cách như đánh đá, cân tỉ trọng. Để tránh rủi ro, các tiệm vàng luôn tìm cách ép giá mua xuống thấp và người bán buộc phải chấp nhận vì không còn chọn lựa nào khác.

Do vàng nhẫn được sản xuất thủ công nên chất lượng bị thả nổi. Độ tinh khiết của vàng nhẫn cũng kém xa so với vàng miếng vì mối nối phải hàn bằng hợp kim.

Theo tổng giám đốc một công ty vàng, các tiệm vàng tự mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường để sản xuất vàng nhẫn chứ không đặt gia công tại các công ty vàng. Không có cơ quan nào kiểm định nên các tiệm vàng muốn làm sao thì làm.

“Cùng lắm người mua chỉ đối chứng xem chiếc nhẫn có đủ trọng lượng không chứ không biết chính xác tuổi vàng là bao nhiêu” - vị tổng giám đốc này nói. Trong khi với giá hiện nay thì cứ giảm đi một tuổi vàng thì tiệm vàng bỏ túi hơn 300.000 đồng/lượng. Đó là lý do có sự cách biệt về giá gia công giữa các tiệm vàng. Thậm chí nhiều tiệm vàng hạ thấp hoặc không lấy giá gia công do đã “ăn gian” tuổi vàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giải thích cụ thể về chủ trương cũng như sớm thông báo lộ trình tiến tới xóa bỏ vàng miếng để người dân khỏi hoang mang đi mua vàng nhẫn.

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link