Có một Hồ Sĩ Bình "chờ hương thả gió"

25/06/2024 18:05 GMT+7 | Văn hoá

"Ai về ngồi với hoàng hôn/ Nghe trong lau lách động lòng bãi xa" (Tôi về). Đó là mấy câu thơ của Hồ Sĩ Bình, người lữ khách đơn côi, rong ruổi suốt những dặm dài của đất nước, từ Nam chí Bắc, từ rừng xuống bể, từ cao nguyên núi đá xuống đồng bằng chiêm trũng. Mỗi vùng đất anh đi qua đều ghi dấu trong thơ những hoài niệm và suy ngẫm.

1. Và, Chờ hương thả gió (NXB Hội Nhà văn) là tập thơ thứ 3 - cũng là tập sách thứ 7 - của anh vừa ra mắt bạn đọc vừa qua, sau Mưa nắng lưng đèo (2018) và Ngày sinh của gió (2021).

Vốn sống dày dạn cùng niềm say mê chinh phục những miền đất mới đã tạo cho Hồ Sĩ Bình một cá tính thơ riêng. Thơ Hồ Sĩ Bình vừa có chút phiêu diêu tự tại vừa ngang tàng, phóng khoáng, bay bổng. Những nỗi buồn, niềm tiếc nuối trước những những giá trị cuộc sống đang bị mai một bởi lớp bụi thời gian và những xô bồ trong hiện tại không hiếm trong thơ anh. Nhiều thi sĩ khao khát tìm lại chút hương xưa; và Hồ Sĩ Bình cũng không ngoại lệ: "Ngùi thương hoa bưởi hoa ngâu/ chờ hương thả gió mùa sau. Tôi về".

Có một Hồ Sĩ Bình "chờ hương thả gió" - Ảnh 1.

Nhà thơ Hồ Sĩ Bình

Những chuyến đi đã bừng thức trong anh những nỗi niềm, khát vọng. Đi nhiều với anh không phải là nguôi quên mà để trở về, về với những khoảng lặng cùng ký ức xa xưa. Hà Nội, nơi anh đến thường xuyên, những ngọn gió, con đường ngõ phố, món ngon hàng quán không níu được bước dừng chân của người lãng tử; "Chỉ có chén trà vỉa hè/ kéo tôi ở lại/ và nắng/ mơn man óng ả một màu Thu Hà Nội/ không ai từng vẽ nổi lên tranh" (Hà Nội kéo tôi đi) … Thật vậy, đến Hà Nội, ai cũng thích dừng chân bên quán cóc, thưởng thức một chén trà cho thư thái lòng, để ngẫm suy về sự đổi thay; rồi sau đó dạo quanh những con phố hẹp dưới cái nắng dịu ngọt và vàng mật của trời thu. Với Hồ Sĩ Bình, Hà Nội vừa quen lại vừa lạ, "vội vã lần nào cũng thế chia tay/ chỉ kịp mang theo/ một chút hương mùa nhẹ biếc".

Đà Lạt, xứ hoa đào mộng mơ với những con đường lộng lẫy hoa vàng nay đâu còn nữa, chỉ còn một niềm trống vắng: "Những bức tranh đã bị gỡ bỏ/ phôi phai một sắc hư huyền/ dư âm một chỗ ngồi bỏ cuộc" (Đà Lạt và tôi). Nỗi chơ vơ, hụt hẫng dâng đầy trong tâm hồn người trở về khi những con đường quanh co của phố núi mờ sương thiếu vắng đi sắc rực rỡ của muôn vàn loài hoa.

Rồi, về với Bắc Ninh nghe câu quan họ của các liền anh liền chị, thưởng thức tranh Đông Hồ; thi sĩ như gặp lại Hoàng Cầm cùng linh hồn Kinh Bắc: "Sông Đuống đa tình chảy qua Kinh Bắc/ phải lòng quan họ nên lúng liếng một đời sông" (Tương tư quan họ); "tôi gặp lại Hoàng Cầm bên bến cũ/ hồn ở đâu giấy điệp có tơi màu" (Bên tranh làng Hồ).

Có một Hồ Sĩ Bình "chờ hương thả gió" - Ảnh 2.

Tập thơ “Chờ hương thả gió”

Hoặc, Cố đô Huế cũng là nơi Hồ Sĩ Bình gắn bó nhiều nhất, bởi chốn ấy là bầu trời kỷ niệm với giảng đường cùng những người bạn vong niên. Hàng loạt bài thơ trong tập sách ghi dấu ấn kỷ niệm với một đối tượng "em" nào đó cùng nhữngluyến lưu của một tình yêu chưa kịp ngỏ: "Chiều rất cũ như ngày xưa rớt lại/ nghe giữa lòng hoang vắng chút mơ phai" (Ngày em về Bến Ngự); "Đợi sông đi gánh mây vời/ để ai ngồi lại ngậm lời phù hư" (Ngày sau bão).

Huế với Hồ Sĩ Bình như là duyên nợ và thành phố ấy duyên dáng như những bài thơ anh viết, có tên: Gặp lại Huế, Trở lại phố xưa, Ngày sau bão, Chiều ga Thừa Lưu, "Thư tình gửi Nam Giao, Hương ơi" …

2. Rong ruổi cùng 56 bài thơ của Chờ hương thả gió, ta bắt gặp hệ thống từ chỉ địa danh; sự xuất hiện dày đặc của từ loại này đã minh chứng cho những cung đường in dấu bước chân lãng du của Hồ Sĩ Bình; niềm mê say đi đã khơi mở cho những vần thơ "tốc ký" nhưng không hề dễ dãi trong cấu tứ, cách vận ngôn. Trong tập thơ Ngày sinh của gió (2021), hơn 1 lần anh đã từng bày tỏ: "Đôi khi ngại những con đường/ không đi hết mê say".

Đi để trở về, những chuyến đi không chỉ giúp Hồ Sĩ Bình mở rộng tầm nhìn, có thêm chất liệu dồi dào cho sáng tác mà còn là nơi để anh nhìn lại chính mình: "Áo cơm mài giũa bút cùn/ tôi về quy ẩn cho rừng bớt đau" (Hương ơi). Thơ Hồ Sĩ Bình chuyển tải những gửi gắm, suy nghiệm về thơ ca qua việc vận dụng tối đa vốn sống từ những chuyến rong ruổi cùng quá trình đọc và học không ngừng.

Có một Hồ Sĩ Bình "chờ hương thả gió" - Ảnh 3.

Ý thức mình giậm chân tại chỗ, đang mòn dần đi là ý thức của cái tôi luôn trở trăn, đau đáu với khát vọng vươn tới sự đặc sắc, riêng biệt: "Thơ và chữ/ cứ run rẩy cằn cựa réo riết tâm can với nỗi thất vọng/ than ôi/ làm sao mang thơ tôi đến cửa thiền/ nơi em đang ngồi đợi" (Làm sao).

Càng ý thức cao về nghề viết, Hồ Sĩ Bình càng nhận ra mình như con ngựa già mỏi vó: "Ngựa già, đừng hát chi bài ca muôn thuở/ bóng câu ngoài cửa sổ… Hãy nhốt vào bộ nhớ/những cánh đồng lặng im/ và khát khao về cỏ/ trời nam lu/ ngựa già, níu bóng quay về" (Ngựa già). Thậm chí, anh lo lắng khi nghĩ đến một ngày: "sợ sẽ đến một ngày người ta đọc thơ tôi thật ngán ngẩm/như chén rượu tàn, như nước ốc/ nơi quán vắng bên sông chiều ba mươi" (Nếu một ngày)…

Vốn là một người thơ sống khép kín, trầm lặng nhưng luôn đăm đắm với khát vọng sáng tạo, Hồ Sĩ Bình luôn chú ý tìm tòi những cách biểu đạt riêng qua việc đa dạng bút pháp, thể thơ; giọng điệu phiêu bồng, lãng đãng; ngôn từ có chút cổ kính: "Giữa phố cũ nỗi đời thương cỏ biếc/ đi tìm ai ngùi ngụi chút hương cau/ chiều đã tím chạc chìu ai có biết/ khi qua sông bui búi những ngàn sau" (Trở lại phố xưa).

Và như thế, những tâm tình của Hồ Sĩ Bình trong Chờ hương thả gió hẳn sẽ nhận được sự đồng vọng của biết bao độc giả…

"Nhà thơ Hồ Sĩ Bình quê gốc ở Quảng Trị, hiện sống và công tác ở NXB Hội nhà văn - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link