21/09/2017 16:06 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (21/9), Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi trả lời phỏng vấn trước báo chí về những vấn đề xung quanh cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam.
Nhà đầu tư không thể tùy ý sử dụng đất
Một vấn đề khiến đa phần nghệ sĩ bức xúc trong những ngày qua đó là việc nhà đầu tư chiến lược sử dụng đất trái mục đích, cụ thể là mảnh đất số 4 Thụy Khuê được lấy để cho các nhà hàng, quán ăn thuê.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định nhà đầu tư chiến lược không thể tùy ý sử dụng diện tích đất hiện đang thuộc quyền sử dụng của hãng phim để cho thuê.
Bởi trên thực tế Hãng phim không hề sở hữu tài sản đất, toàn bộ đều là thuê của Nhà nước và mỗi tháng phải trả tiền thuê theo giá trị đất đai hiện hành.
“Trên thực tế hãng phim không hề có tài sản nào về đất đai. Tất cả số đất “vàng” đó đều là đi thuê của Nhà nước”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi cổ phần hóa nhà đầu tư chiến lược cũng phải trình lên Bộ VH,TT&DL, Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội phương án sử dụng đất phù hợp với quy định.
Mọi hoạt động trên mảnh đất số 4 Thụy Khuê cũng như những đất đai khác của hãng phim đều phải tuân theo phương án đã duyệt và cam kết của chủ đầu tư, cụ thể là để làm phim.
Bộ VH,TT&DL cũng cử 2 đại diện về vốn tham gia vào Hội đồng quản trị là 2 Phó Tổng giám đốc Vũ Đức Tùng và Nguyễn Tuấn Anh.
2 người này sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của hãng phim, nếu có xảy ra sai phạm thì báo cáo với Bộ để có phương án xử lý, nếu vẫn cố tình làm trái, UBND TP Hà Nội có thể rút giấy phép thi công và thu hồi đất.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trực tiếp trả lời phỏng vấn:
Cổ phần hóa vẫn chưa hoàn tất
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, hiện nay do chưa hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp lần 2, nên Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) vẫn chưa chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Sở dĩ phải tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp lần 2, theo Thứ trưởng giải thích là do trong lần xác định đầu tiên còn có nhiều thứ chưa đưa vào hết. Với lần 2 này sẽ phải có sự giám sát của các cấp các ngành có liên quan, dự kiến khoảng tháng 6 năm sau sẽ hoàn tất.
Cũng theo ông Huỳnh Vĩnh Ái: "Khi xác định giá trị doanh nghiệp, hãng có giá trị khoảng hơn 50 tỷ, còn nhà đầu tư chiến lược bỏ ra 65% giá trị là 34 tỷ, chứ không phải hãng chỉ có giá 34 tỷ thôi. Giá trị chính xác của doanh nghiệp là 91 tỷ, trong đó 19 tỷ là vốn nhà nước, còn lại là vay ngân hàng, nợ đọng... ".
Đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ VHTT&DL cũng khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được thực hiện đúng theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ trên những tiêu chí tập thể công ty trình lên và hồ sơ năng lực của nhà đầu tư.
Tất cả cam kết của nhà đầu tư đã được đưa vào trong Điều lệ Đại hội cổ đông của hãng phim được tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Nếu nhà đầu tư chiến lược làm trái với cam kết thì sẽ bị xử lý theo đúng Điều lệ Đại hội và Luật doanh nghiệp.
Bộ VH,TT&DL hiện đang nắm giữ 28,846% vốn, sẽ giám sát và chỉ đạo hoạt động của hãng theo đúng mức vốn nắm giữ thông qua 2 người đại diện vốn là ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Vũ Đức Tùng. Trong vòng 5 năm tới, nếu nhà nước vẫn muốn giữ lại hãng phim thì Bộ sẽ tiếp tục quản lý thông qua người đại diện về vốn.
Trước đó, chiều 20/9 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, một cuộc họp xung quanh việc hậu cổ phần hóa, ồn ào tại Hãng Phim truyện Việt Nam đã được tổ chức.
Cuộc họp có sự tham dự của Đại diện Tổng Công ty Vận tải thủy, đại diện lãnh đạo Hãng phim hiện thời và Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa của Bộ VH,TT&DL…
Trong cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ ra những thiếu sót của Ban lãnh đạo hãng phim trong công tác điều hành, quản lý.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, đại diện Tổng Công ty Vận tải thủy đã "hứa" sẽ sửa chữa và thực hiện đúng cam kết đã đề ra khi cổ phần hóa.
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất