Cố tác giả Hoàng Luyện: Gương mặt nổi bật trong lịch sử sân khấu Việt Nam

16/05/2023 17:00 GMT+7 | Văn hóa soi đường

22 năm ngày mất (28/3 âm lịch) của tác giả Hoàng Luyện, khán giả và giới chuyên môn lại nhớ về ông với những tác phẩm sân khấu từng làm nên hiện tượng ở miền Bắc một thời.

1. Tên thật Phạm Vũ La, tác giả Hoàng Luyện (3/4/1925 - 28/4/2001) là gương mặt nổi bật trong lịch sử sân khấu Việt Nam giai đoạn 1960 - 1980 với những tác phẩm mẹ sông Hồng, Nắng tháng Tám, Giấc mộng hoa đào, Cây gậy thần….

Quê Mỹ Hào (Hưng Yên), Hoàng Luyện tham gia kháng chiến từ năm 1943. Ông làm báo, làm cán bộ tuyên huấn, rồi sáng tác nhiều kịch bản ngắn phục vụ phong trào du kích ven tả ngạn sông Hồng. Khi Thủ đô giải phóng, Hoàng Luyện về làm cán bộ Vụ nghệ thuật, Bộ Văn hóa thông tin và tham gia công tác đào tạo sân khấu Hà Nội.

Là người con của đất chèo Hưng Yên, nhưng Hoàng Luyện mê say cải lương và ông thành danh với hàng loạt kịch bản thuộc loại hình này. Trong đó, Bà mẹ sông Hồng -  kịch bản thành công nhất của ông - là kết quả của hàng chục năm hoạt động vùng tề bên kia sông Hồng với bao lần chứng kiến những đấu tranh anh dũng, những hy sinh tổn thất cùng các tấm gương của các bà mẹ, người chị là du kích, là cơ sở cách mạng...

Cố tác giả Hoàng Luyện: 'Ai chết cũng giống nhau, khác là phần để lại…' - Ảnh 2.

Tác giả Hoàng Luyện thời trẻ

Bà mẹ sông Hồng là vở cải lương đầu tiên có hình ảnh người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng vẫn mang đậm bản sắc của loại hình sân khấu này - mà Giải thưởng Lớn được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng năm 1960 cho tác giả, là mình chứng. Và vở diễn của Đoàn cải lương Kim Phụng ngày ấy cũng trở thành một hiện tượng của bộ môn nghệ thuật ca kịch này trên đất kinh kỳ: Bà mẹ sông Hồng được đoàn Kim Phụng biểu diễn suốt 20 năm với trên 2000 đêm diễn từ Bắc chí Nam.

Rồi sau Bà mẹ sông HồngNắng tháng Tám - vở cải lương khai thác đề tài về cuộc đấu tranh của công nhân và đồng bào vùng than với bọn chủ mỏ và thực dân trong những năm tiền khởi nghĩa. Kịch bản Nắng tháng Tám được Đoàn cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) dàn dựng trong suốt những năm của thập kỷ 70 và cũng đạt suất diễn kỷ lục hơn 500 đêm. Như bạn nghề kể, khi ấy, có những thời điểm Nắng tháng Tám được diễn liên tục cả tuần, vậy mà đêm nào cũng chật ních khán giả.

Cố tác giả Hoàng Luyện: 'Ai chết cũng giống nhau, khác là phần để lại…' - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở "Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm" của Nhà hát chèo Thái Bình

2. Là tác giả thuỷ chung với nghệ thuật truyền thống dân tộc nhưng Hoàng Luyện không bao giờ cho rằng truyền thống là mô hình vĩnh cửu và bất biến. Điều này thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của ông, khi chúng luôn cho thấy những tìm tòi, cách tân.

Đơn cử, không chỉ là tác giả cải lương, cố tác giả Hoàng Luyện còn là cây bút của làng chèo với hơn chục kịch bản lớn nhỏ về đề tài chiến tranh chống Mỹ: Trên đồi vinh quang, Nàng tiên thuở ấy, Bài thơ bên núi Cánh Diều, Cánh buồm nâu…

Rồi năm 2021 vừa qua, tròn 20 năm sau khi tác giả qua đời, kịch bản Cây gậy thần (Thiên duyên huyền tích) của ông lại được dàn dựng trong dự án Huyền sử Việt với sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật Xiếc và Cải lương. Khai thác về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, mối thiên duyên vô tiền khoáng hậu thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người trong Cây gậy thần  cũng đã trở thành câu chuyện thấm đẫm chất thơ,  mang lại nhiều chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh trong tâm thức của biết bao thế hệ người Việt.

Cố tác giả Hoàng Luyện: 'Ai chết cũng giống nhau, khác là phần để lại…' - Ảnh 5.

Tác giả Hoàng Luyện và con gái Xuân Hồng

Khá thú vị, dự án này có sự tham gia của con gái và con rể cố tác giả, Thạc sĩ Xuân Hồng và Thạc sĩ Lê Thế Song. Theo lời Xuân Hồng, gia đình làm nghệ thuật, mẹ chị là giọng ca Cải lương có tiếng, còn chị cũng xuất thân từ Cải lương, nhưng có thời điểm, mẹ phải chuyển ra buôn bán lo kinh tế để bố chị toàn tâm toàn ý với nghệ thuật. Bản thân chị từng gác lại đam mê sân khấu để học ngành phiên dịch. Nhưng rồi, theo truyền thống gia đình, nghệ thuật như một "thiên duyên", để chị và chồng tiếp nối chặng đường của cha mình. Bản thân chồng chị, tác giả Lê Thế Song là người đã chuyển thể nhiều kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện thành công và giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan sân khấu.

Gần nhất, tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nam, 2 tác phẩm của Hoàng Luyện là Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và Thiên duyên huyền tích - Cây gậy thần đã được Nhà hát Chèo Thái Bình dàn dựng để tham gia. Con rể ông, Ths NTSK, tác giả Lê Thế Song là người chuyển thể và biên tập thành công  2 tác phẩm này. Trong đó, vở Thiên duyên huyền tích - Cây gậy thần đã đoạt huy chương Vàng tại Liên hoan.

Cố tác giả Hoàng Luyện: 'Ai chết cũng giống nhau, khác là phần để lại…' - Ảnh 6.

Cảnh trong vở "Cây gậy thần - Thiên duyên huyền tích"

Năm 2017, với những đóng góp xuất sắc cho sân khấu, cố tác giả Hoàng Luyện đã được truy tặng Giải thưởng Nhà  nước về văn học nghệ thuật. Nhân ngày giỗ ông, hãy cùng nhớ về một cây bút đam mê và lặng lẽ cống hiến - như lời ông tâm sự với con gái Ths. Xuân Hồng: "Con nên học nghề viết kịch, vì ai chết cũng giống nhau nhưng khác nhau là phần để lại. Tác giả dù ra đi nhưng tác phẩm mãi còn đó cho đời".

Hồng Gấm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link