Cổ tích về 'nữ hoàng cự ly trung bình' Đỗ Thị Thảo

29/05/2015 14:33 GMT+7 | Gương mặt

(Thethaovanhoa.vn) - Với 2 tấm HCV cự ly 800m và 1.500m ở SEA Games 2013, Đỗ Thị Thảo được xem như là người kế thừa đàn chị Trương Thanh Hằng của tổ cự ly trung bình thuộc đội tuyển điền kinh Việt Nam. Hướng đến SEA Games 2015, mục tiêu bảo vệ thành công 2 tấm HCV tiếp tục đặt lên vai Thảo.

Để được ban huấn luyện tin tưởng giao nhiệm vụ cao ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á, ngoài may mắn, đằng sau cô gái trẻ rắn rỏi quê Mộc Châu (Sơn La) còn là một câu chuyện dài về nghị lực vượt khó như trong truyện cổ tích.

“Cô Tấm” của đội tuyển điền kinh

Thảo được sinh ra ở cao nguyên Mộc Châu trong một gia đình nghèo, bố bệnh tật triền miên, mẹ là trụ cột gia đình nuôi nấng 3 anh em ăn học. Tuy là con gái út, nhưng từ nhỏ Thảo đã là một cô bé chịu khó, tháo vát, đỡ đần giúp mẹ nhiều công việc nội trợ và đồng áng.

Thảo kể rằng, lên 7 tuổi cô đã biết đi cấy, chăn trâu, làm những công việc của con gái như nấu cơm, khâu áo, giặt đồ… Cũng nhờ thế mà Thảo biết sống tự lập từ bé và trở thành trụ cột “mưu sinh” của gia đình khi mới tròn 15 tuổi.

“Lúc tôi đang còn học cấp 2, tôi thường đi thi Hội khỏe phù đổng cấp huyện, cấp tỉnh và mang thành tích cao về cho nhà trường.

Đến năm 15 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển thể thao của tỉnh Sơn La, cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi từ đó. Vào đội tuyển thể thao của tỉnh, mọi chi phí sinh hoạt mình không phải lo, riêng tiền phụ cấp hàng tháng tôi tích góp gửi về phụ giúp mẹ chữa bệnh cho bố và nuôi 2 anh trai ăn học.

Ngày đầu, các thầy hướng tôi theo môn võ taekwondo, rồi sau đó mới chuyển hẳn qua điền kinh. Những trải nghiệm ấy giúp tôi trở nên rắn rỏi, bản lĩnh hơn trong tập luyện, thi đấu và sinh hoạt” - Đỗ Thị Thảo chia sẻ.

Bước đệm ở đội tuyển thể thao tỉnh Sơn La giúp Thảo tiến bộ khá nhanh, để rồi chỉ 2 năm sau VĐV này chính thức được gọi vào đội tuyển điền kinh quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Hồ Thị Từ Tâm. Một chương mới mở ra với Thảo, nhưng nó cũng đòi hỏi cô vượt qua các thách thức lớn hơn.

Thảo tâm sự: “17 tuổi tôi vào Đà Nẵng để tập luyện ở đội tuyển điền kinh quốc gia, nói thật lúc đầu là rất khó khăn. Gọi điện về cho bố mẹ thì lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười, nhưng nhớ nhà lắm, đặc biệt những tâm sự của con gái tuổi mới lớn chẳng biết nói với ai, khóc miết thôi.

Ngày mới vào Đà Nẵng tôi không thích thành phố này lắm, giờ quen rồi, chỉ muốn sống ở đây chứ không muốn về Bắc nữa.

Bố mẹ giờ đỡ vất vả hơn nhiều, vì 2 anh trai của tôi đã học xong ra trường và đi làm, còn tiền phụ cấp của tôi cũng khá (12 triệu/tháng) nên tôi khá yên tâm. Tôi ước sau này không còn thi đấu sẽ có một công việc phù hợp với chuyên môn, kinh doanh thêm cái gì đó nho nhỏ và đưa bố mẹ vào Đà Nẵng cùng sinh sống”.

Định mệnh vươn tới ngôi sao

Đỗ Thị Thảo trở thành ngôi sao của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 2013, vì “nữ hoàng tốc độ” Trương Thanh Hằng bị tai nạn, buộc phải giã từ sự nghiệp. Nhiều người bảo Thảo may mắn, cô gái trẻ người Sơn La đáp lại với tâm trạng đầy tràn: “Bản thân tôi thật lòng không muốn lấy vận đen của người khác để làm may mắn cho mình, nhưng đó là định mệnh rồi”.

Lời của Thảo rất chân tình, bởi ngoài may mắn mà định mệnh trao cho thì tài năng và những nỗ lực trong tập luyện mới quyết định thành công của một VĐV. Đáng nói hơn, đàn chị Trương Thanh Hằng cũng đã luống tuổi. Điền kinh Việt Nam cần có người kế cận kịp thời và Đỗ Thị Thảo đã làm được điều đó.

HLV Hồ Thị Từ Tâm cho biết: “Rất tiếc khi Trương Thanh Hằng phải chia tay sự nghiệp thi đấu sớm, nhưng tôi đã tìm được người kế cận xứng tầm. Hiện thành tích tốt nhất của Thảo ở nội dung 800m là 2’05’’51 và 1500m là 4’18’’92, chỉ còn kém Hằng khoảng 5 giây.

Để đạt tới đẳng cấp Trương Thanh Hằng bây giờ là hơi khó, song tôi hy vọng với nghị lực, quyết tâm cùng sức trẻ của mình Đỗ Thị Thảo sẽ còn tiến bộ trong tương lai. Mục tiêu bảo vệ 2 HCV ở SEA Games sắp tới, tôi nghĩ nếu thi đấu đúng phong độ, Thảo hoàn toàn làm được”.  

Về phần mình, Đỗ Thị Thảo cũng khá tự tin và tiết lộ: “Đối thủ của tôi là VĐV người Myanmar cũng có đợt tập huấn tại Trung Quốc vừa qua. Theo đánh giá của ban huấn luyện VĐV này tiến bộ khá nhanh và là thách thức của tôi ở SEA Games 2015, nhưng tôi tin mình sẽ thành công”.

Trương Thanh Hằng là thần tượng

“Ngày chị Hằng còn ở tổ đi bộ của đội tuyển điền kinh, tôi luôn xem chị ấy là tấm gương để mình phấn đấu. Trong các buổi tập chị Hằng luôn là người chạy phía trước, nhìn chị là tôi phải cố gắng hơn gấp nhiều lần để có thể tiến bộ. Trong sinh hoạt, chị Hằng rất gần gũi với tất cả mọi người, chị chỉ dạy cho em út rất nhiều thứ. Giờ không có chị Hằng, cả tổ đi bộ ai cũng cảm thấy trống trải và nhớ chị ấy”.

“Mỳ tôm là đặc sản mỗi dịp thi đấu SEA Games”

“Mỗi dịp đi thi đấu SEA Games bọn tôi thường phải mang theo rất nhiều mì tôm. Lý do là vì ở các nước như Indonesia, Myanmar đồ ăn không hợp khẩu vị, và để chống đói bọn tôi phải ăn mì tôm. Nói không quá chứ, những lúc như thế mì tôm trở thành đặc sản”.


Đăng Khoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link