Vĩnh biệt Tổng thống Hugo Chavez: Những chuyện cổ tích ở Venezuela

07/03/2013 07:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/3 (6/3 giờ VN), sau thời gian dài lâm bệnh nặng, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã qua đời trong sự tiếc thương của người dân. Sự ra đi của ông Chavez đã khiến một số tờ báo phương Tây, vốn không ưa ông, cũng phải cất lên những lời ca ngợi công lao to lớn của ông.

Xuất hiện trên truyền hình nhà nước Venezuela VTV cùng toàn bộ nội các, Phó Tổng thống Nicolas Maduro cho biết Tổng thống Hugo Chavez đã qua đời lúc 16h47 (giờ địa phương) ngày 5/3 tại bệnh viện quân y Carlos Arvelo ở thủ đô Caracas.

Người mang không khí dân chủ tới Venezuela

Các tờ báo phương Tây lập tức thể hiện sự phản ứng với sự kiện lớn này. Đặc biệt, hãng tin uy tín CNN, trong một bài viết rất dài, đã dành nhiều từ ngữ ca ngợi Chavez: "Chỉ tới khi Chavez qua đời ở tuổi 58, chúng ta mới có thể đánh giá lại di sản của một trong những tài năng chính trị bậc nhất của thế kỷ 21, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.

Chavez đã đặt vận mệnh của ông trong tay người dân nghèo và coi lá phiếu của họ như bước đầu tiên tiến tới việc xây dựng một trật tự chính trị mới và trật tự này sẽ phục vụ cho lợi ích của chính người dân.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã để lại những dấu ấn khổng lồ sau khi ông qua đời ở tuổi 58

Chiến thắng đầu tiên của Chavez trong cuộc bầu cử 1998 đã được các nhà quan sát bầu cử tại Trung tâm Carter đóng ở Mỹ ca ngợi là "một màn trình diễn thực thụ về dân chủ" và "một cuộc cách mạng thực hiện thông qua hòm bỏ phiếu".

Trong năm đó, Chavez giành chiến thắng với 56% số phiếu bầu và có 65% người Venezuela đã đi bỏ phiếu. Khi ông tái đắc cử hồi năm 2006, lượng phiếu bầu cho ông đã tăng lên 63%, với gần 75% cử tri đi bỏ phiếu và đây là một trong những điểm sáng của sự nghiệp Chavez.

Giữa hai cuộc bầu cử này, Chavez đã vượt qua một âm mưu đảo chính hồi năm 2002, khi hàng trăm ngàn người ủng hộ ông đã đổ xuống đường ở Caracas để thị uy. Ngoài ra, Chavez cũng đánh bại âm mưu của phe đối lập trong việc tổ chức trưng cầu dân ý về năng lực lãnh đạo của ông. Cần biết rằng cuộc trưng cầu dân ý chỉ có thể diễn ra sau khi Chavez đã thay đổi hiến pháp cho phép việc này thực hiện vào năm 1999.

"Hugo Chavez là người kỳ lạ" - nhà văn Uruguay Eduardo Galeano từng viết vào thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu - "Dù bị truyền thông bịa đặt là một nhân vật độc tài, ông lại bơm một liều vitamin khổng lồ cho nền dân chủ, vốn đã suy yếu đi ngay tại khu vực Mỹ Latin và nhiều nơi khác".

Những dấu ấn khổng lồ ở trong nước và thế giới

Khi lên nắm quyền, Chavez đã chuyển lợi nhuận từ ngành công nghiệp dầu khí Venezuela vào hàng loạt các sáng kiến chăm sóc y tế, giáo dục và chống đói nghèo. Ông mở các siêu thị và bệnh viện được trợ giá của Chính phủ tại các vùng nghèo nhất của đất nước.

Nhờ nỗ lực của Chavez, từ năm 1998 tới năm 2006, tỷ lệ người Venezuela sống dưới chuẩn nghèo đã tụt từ 50,4% xuống còn 36,3% (số liệu do Ngân hàng Thế giới cung cấp). Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong đã giảm từ 20,3/1.000 ca sinh xuống còn 12,9 trong năm 2011.

Giáo dục được phổ cập rộng rãi. UNESCO cho biết số trẻ em tham gia giáo dục trung học cơ sở ở Venezuela đã tăng từ 48% trong năm 1999 lên 72% trong năm 2010.

Phóng viên CNN từng có chuyến thăm tới Caracas trước cuộc bầu cử 2006 và gặp một người bạn mới tốt nghiệp một trường đại học công, nơi thu phí các sinh viên chỉ ở mức 300 bolivar một học kỳ. Ở thời điểm đó, số tiền này bằng với 15 xu (0,15 USD) của Mỹ. Người bạn này cho biết trước đó, sinh viên theo học đại học thường phải trả tới 1 triệu bolivar mỗi tháng để có thể được theo học tại một trường đại học tư nhân. Anh này cũng chỉ tay vào các hàng bán nước cam đặt theo dọc đường và cho biết một ly có giá 500 bolivar. "Hãy nhìn thì biết" - người bạn nói với phóng viên CNN - "Giáo dục dưới thời Chavez có chi phí còn rẻ hơn cả nước cam".

Không chỉ gây ảnh hưởng ở trong nước, trên thế giới, Chavez còn nổi bật vì công khai chỉ trích Mỹ. Ông đã gọi người đồng cấp Mỹ George W. Bush là quỷ dữ trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hồi năm 2006. Ở Mỹ Latin, ông truyền cảm hứng giúp cho cả một thế hệ các nhà lãnh đạo cánh tả trỗi dậy, nổi tiếng trong số đó là Evo Morales ở Bolivia và Rafael Correa ở Ecuador. Ông cũng cung cấp dầu lửa và thổi luồng sinh khí mới vào cuộc cách mạng Cuba. Các nước khác ở Mỹ Latin như Brazil và Argentina cũng được hưởng lợi từ cảm giác tự tin và đoàn kết trong khu vực mà Chavez giúp gây dựng".

Thắp sáng tương lai Venezuela

Dưới thời Obama, Chavez gây ít ảnh hưởng hơn chủ yếu bởi tình trạng sức khỏe. CNN nói rằng sau khi Chavez qua đời, bất kỳ đánh giá nào về các thành tựu và thất bại của ông đều sẽ gây nhiều tranh cãi, từ phía những người ủng hộ và những kẻ không thích ông.

Nhưng điều không thể tranh cãi được là cá tính cực kỳ mạnh mẽ và kỹ năng chính trị tài giỏi đã khiến ông đoàn kết được một liên minh cánh tả rộng lớn, tạo nên những thay đổi sâu sắc tại quê hương, theo chiều hướng rõ ràng đã tốt đẹp lên trông thấy.

Người thiệt thòi được chăm sóc tối đa dưới thời Chavez

Dưới thời Tổng thống Chavez, tỷ lệ thất nghiệp tại Venezuela giảm từ 12 % năm 1999 xuống 5,9% vào tháng 12/2012, là mức thấp nhất từ trước tới nay, nhờ gần 4 triệu việc làm mới được tạo ra trong giai đoạn trên, và mặt khác Chính phủ cấm sa thải người lao động từ cách đây 11 năm.

Trong khi đó, số người già được nhận trợ cấp tăng mạnh, từ 387.000 người năm 1998, lên hơn 2,4 triệu người năm 2012, với mức trợ cấp tương đương lương tối thiểu, thuộc mức cao nhất tại Mỹ Latin.

Xây dựng nhà ở cho người nghèo cũng nổi lên như là một thành tích quan trọng của các chương trình xã hội do ông Chavez thúc đẩy. Dự án này được triển khai từ năm 2005 và trong 2 năm gần đây (2011-2012), Chính phủ đã giao hơn 347.000 ngôi nhà và mục tiêu của năm nay là 380.000 ngôi nhà. Trong khuôn khổ dự án này, người dân nghèo vẫn mua được nhà vì chỉ phải trả 20% giá trị ngôi nhà nhưng được trả góp trong 30 năm.

Trước khi ông Chavez cầm quyền, 21% người dân Venezuela bị suy dinh dưỡng nhưng hiện tỷ lệ này chỉ còn 5%, nhờ hệ thống phân phối lương thực và thực phẩm được trợ giá. Ngoài ra, Chính phủ còn cung cấp ăn miễn phí cho 5 triệu người, trong đó có 4 triệu học sinh được ăn tại trường.
Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link