04/04/2015 09:36 GMT+7 | Trong nước
Jansen, người sở hữu công ty tái chế Bonnie’s Car Crushers đã trả lời không chút ngập ngừng, rằng anh có thể xử lý hết đống xe đó.
Mỗi bộ phim "đốt" hàng trăm chiếc xe
Jansen cùng đội trợ lý đã mất vài ngày để kéo những chiếc xe hỏng lên xe tải và đưa đi. Các nhà làm phim dặn đi dặn lại Jansen rằng phải nghiền nát toàn bộ những chiếc xe, để ngăn không cho bất kỳ ai mua chúng về phục chế.
Điều đáng nói là trong số đó có vài chiếc Mercedes-Benz đời mới, một chiếc Ford Crown Victoria và một chiếc Mitsubishi Montero. “Thật bất thường khi thấy một số mẫu xe Mercedes-Benzes đời mới bị hư hỏng nặng, gần như chẳng thể phục hồi được nữa" - Jansen kể.
Không phải vô cớ khi Jansen được dặn dò kỹ như thế. Dennis McCarthy, thành viên đoàn làm phim Furious 7 (Quá nhanh quá nguy hiểm 7) nói rằng mọi chiếc xe dùng trong quá trình ghi hình đều được thống kê cẩn thận để tiện quản lý. Các xe hỏng tới mức không thể phục hồi sẽ bị đem hủy thành sắt vụn. Việc này nhằm giúp tránh các trách nhiệm pháp lý, trong tình huống có người phục hồi, sử dụng xe hỏng và gặp nạn.
McCarthy cho biết đoàn làm phim Fast and Furious (Quá nhanh quá nguy hiểm) thường "đốt" hàng trăm chiếc xe sau mỗi phần phim. Ví dụ như trong Furious 7, họ phá hoại tổng cộng 230 chiếc xe. Riêng hoạt động ghi hình cảnh đuổi nhau ở Colorado, đoàn làm phim đã phá hơn 40 chiếc xe, theo lời McCarthy kể.
Trong phim Fast & Furious 6 (2013), cảnh một chiếc xe tăng phóng ra khỏi một xe vận tải quân sự và nghiền nát nhiều chiếc xe khác trên một xa lộ ở Tây Ban Nha cũng tiêu tốn không ít xe.Lần đó, người của McCarthy đã phải ký thỏa thuận với nhiều bãi rác xe và các đại lý bán xe đã qua sử dụng. "Chúng tôi phá hủy chừng 25 chiếc xe mỗi ngày. Sau mỗi đêm chúng tôi loại bỏ chúng và lại sử dụng 25 chiếc xe khác" - McCarthy kể - “Chuyện giống như một quy trình xử lý chạy suốt cả ngày, với các xe tải chở xe liên tục chạy đến rồi đi khỏi trường quay".
Trong phim Fast Five (2011), tại cảnh đánh cướp ngân hàng ở Puerto Rico, các nhà làm phim đã ký thỏa thuận với chính quyền để kéo các xe qua sử dụng, không đắt tiền, từ bãi hủy xe San Juan tới phim trường. Sau khi các xe này hỏng nặng trong quá trình quay phim, họ đưa chúng trở lại bãi.
Hủy bỏ toàn bộ để tránh kiện tụng
Những chiếc xe là "diễn viên" trong các màn đuổi bắt gay cấn, va chạm và tai nạn "đã mắt" thường được chế tạo cẩn thận và công phu trước lúc ghi hình. Người ta thường thêm vào kết cấu của chúng các lồng đảm bảo an toàn, các loại lốp chịu ma sát lớn trên đường và những thùng chứa nhiên liệu đặc biệt. Nhưng sau khi đã nhảy dù khỏi máy bay, lao xuống khỏi vách núi và bị xe tăng nghiền nát, chúng thường bị vứt bỏ không thương tiếc.
Trước đây giới sản xuất phim thường dàn xếp để những chiếc xe từng tham gia đóng phim được kéo về bãi rác. Sau đó họ sẽ chẳng quan tâm tới chiếc xe đó nữa. Kết quả là nhiều xe đã lặng lẽ rời khỏi bãi rác.
Đây là điều đã xảy ra với những chiếc Mustang mà Steve McQueen cầm lái trong phim Bullitt (1968). Dù một chiếc Mustang bị hư hỏng nặng, chiếc thứ 2, được sử dụng chủ yếu trong các cảnh quay tốc độ cao và không hề bị lật, đã rơi vào tay giới sưu tầm.
Tương tự, trong số 300 chiếc Dodge Charger được sử dụng trong chương trình truyền hình Dukes Of Hazzard hồi đầu những năm 1980, nhiều chiếc bị đưa tới bãi rác. Nhưng rồi người ta đã tìm tới mua và cố gắng phục hồi chúng về nguyên trạng.
Khi các bộ phim có cảnh đuổi xe chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang những quả bom tấn trị giá nhiều triệu đô la, các nhà sản xuất xe cho Hollywood đã siết chặt chính sách hủy bỏ xe hư hỏng. Chẳng ai muốn bị kiện, chỉ bởi một fan phục hồi chiếc xe Mini Cooper từng được sử dụng tại phim The Bourne Identity và gặp nạn do lái nó lao rầm rầm xuống các bậc thang, như trong phim.
"Tôi không phục hồi bất kỳ thứ gì có lồng bảo hiểm trong đó, như một chiếc xe dùng trong các cảnh quay mạo hiểm chẳng hạn. Chúng tôi sẽ tự động hủy bỏ nó" - Ray Claridge, Chủ tịch Công ty xe phục vụ làm phim ở Los Angeles cho biết - "Tôi không thích gặp rắc rối về pháp lý".
Thực tế thì không phải xe nào cũng bị hủy bỏ. Cách đây 2 năm, Claridge và cộng sự đã lắp đặt 150 chiếc xe cho phim Captain America: The Winter Soldier (Đại úy Mỹ: Chiến binh mùa Đông). Sau khi phim kết thúc hoạt động thu hình ở Cleveland, những chiếc xe được đưa về công ty trong tình trạng bị phá hủy dưới nhiều cấp độ. Phải mất 5 ngày để công ty phân loại xe ra 2 nhóm: nhóm hết hy vọng sẽ đưa tới bãi rác để hủy bỏ và khoảng 40 chiếc vẫn còn tái sử dụng được.
Xe diễn thành hàng sưu tầm đắt giá |
Tường Linh (Theo WSJ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất