Con cái chúng ta ăn gì?

21/03/2019 06:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi còn nhớ như in những năm tháng học mẫu giáo, giờ ăn trưa luôn là một trong những giờ “thú vị” nhất. Thú vị, bởi đầu tiên là các bé chỉ được ăn hết nửa bát cơm thôi, sau đó thì đồng loạt đứng xếp hàng để cô chan canh cho.

Từ vụ sán lợn Bắc Ninh: Kiểm soát chặt thực phẩm tại trường học

Từ vụ sán lợn Bắc Ninh: Kiểm soát chặt thực phẩm tại trường học

Ngày 19/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 1074/BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Rồi một lần, tôi đau bụng quằn quại, tưởng phải đi bệnh viện. Còn bé quá, tôi không biết thực sự mình đã được cho ăn những gì, và nó có sạch không?

Thực ra, cái thời bao cấp ấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không nóng bỏng và nhức nhối như bây giờ. Bố tôi nghĩ, hôm ấy, tôi đau bụng là do bị giun (mà có lẽ khi đó, tôi tin là bụng đứa trẻ nào cũng có giun cả!). Chuyện đau bụng vì ăn ở mẫu giáo do đó bị loại trừ.

Thế nên hôm nọ, đọc cái tin các phụ huynh một trường ở Thuận Thành, Bắc Ninh, phát hiện trong bếp ăn của con cái mình thịt lợn nghi có sán, tôi đã giật mình. Và chính từ phát hiện gây sốc ấy, họ đã cho con mình lên Hà Nội xét nghiệm. Kết quả: nhiều đứa trẻ dương tính với sán lợn, đồng nghĩa với việc sán lợn đã có trong cơ thể chúng.

Chú thích ảnh
Trẻ ăn bán trú tại trường học. Ảnh: TTXVN

Bếp ăn ở ngôi trường ấy được cung cấp đồ từ một công ty mới thành lập năm ngoái, và không hiểu bằng cách nào mà đã trở thành cung cấp đồ ăn cho 19 trường trên địa bàn tỉnh. Một cơn hoảng loạn thực sự đã diễn ra khi ngay sau đó, cả nghìn phụ huynh tiếp tục đưa con từ Bắc Ninh tới các bệnh viện ở Thủ đô.

Tôi rất hiểu những phụ huynh ấy. Là một người cha, tôi biết rằng, một khi đứa trẻ có vấn đề gì đó liên quan đến sức khoẻ - mà những đứa trẻ này còn đang học mẫu giáo, giống tôi ngày xưa - thì bố mẹ lo lắng và hốt hoảng đến mức nào.

Bây giờ, đang có những luồng thông tin khác được đưa ra. Có ý kiến rằng việc nhiễm sán lợn đến từ việc ăn không chín, uống không sôi - nghĩa là bọn trẻ bị sán nhiều khi chẳng phải vì ăn ở bếp nhà trường. Rồi, có nhận xét rằng tỷ lệ nhiễm sán của các em trong đợt xét nghiệm vừa qua là “nằm trong khoảng chung của người Việt”.

Ở góc độ khoa học, những ý kiến ấy có thể đúng hoặc sai. Nhưng, từ đó, cũng đã có những người quay ra và hoặc chỉ trích báo chí đã mải câu view vì thiếu hiểu biết mà khiến dư luận hoảng loạn, hoặc trách chính các bậc cha mẹ đã quá lo lắng. Ừ, ăn bẩn là đặc tính của người mình mà, bình thường thôi...

Có lẽ, họ không tự đặt mình vào vị trí của những phụ huynh có tới 3 con bị dương tính với khuẩn sán lợn. Họ chưa bao giờ một lần bắt gặp cảnh những thứ đồ ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm lại xuất hiện trong bếp ăn của con mình tại trường.

Hãy hiểu một điều rất đơn giản: giữa những dòng thông tin trái chiều liên quan đến việc sán lợn có nguy hại hay không, phụ huynh chỉ muốn tin vào một điều duy nhất: bản năng làm cha mẹ của mình. Và bản năng ấy khiến họ phải vội vàng đưa con đi khám.

Tôi tin chắc, dù diễn biến ra sao, vụ việc này lại khiến các bậc phụ huynh càng thêm đau đáu với một loạt câu hỏi: con cái chúng ta ăn gì, được ăn theo cách nào, nguồn gốc thức ăn ở đâu, ai kiểm tra giám sát mức độ sạch sẽ?

Những câu hỏi ấy sẽ không chỉ tồn tại ở ngôi trường tỉnh Bắc Ninh ấy, mà còn bao trùm hàng biết bao trường học bán trú với hàng triệu trẻ trên toàn quốc. Bởi, chúng đã được nhắc tới từ khá lâu - và xem ra, chưa được trả lời một cách thấu đáo và rành mạch.

Mà Bắc Ninh thì chỉ cách Hà Nội có 30 km thôi.

Chẳng lẽ, khi nỗi lo lắng không được giải toả, chúng ta lại bàn đến chuyện luân phiên tới trường giám sát bếp ăn, hoặc nấu cơm và bỏ cặp lồng cho con mang đi như thời tem phiếu?

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link