16/08/2017 06:55 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Người viết mượn tựa đề cuốn tiểu thuyết của Aleksey Nikolayevich Tolstoy, để nói về những cung đường đã và còn chịu nhiều “đau khổ”, mang tên các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang chỉ trong mấy ngày phải “xả” đến 2 lần. “Đau khổ” cho nhân viên thu phí lẫn các chủ xe. Lạ đời, trong dòng người đang tắc nghẽn, không mấy ai phản ứng các tài xế chơi chiêu đưa tiền lẻ, bỏ tiền lẻ vào chai, thậm chí cổ vũ. Hiện tượng Cai Lậy trước đó đã xuất hiện.
Dư luận không quá khó để lý mặt trái của BOT. Hôm qua, 15/8, trong phiên họp của UBTVQH về giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nói rõ: mọi bức xúc về BOT là đều liên quan đến… khoảng cách trạm và mức phí.
Có thể diễn giải thêm lời ông Nghĩa, yêu cầu khoảng cách giữa 2 trạm thu phí là 70km thì các nhà đầu tư lại co lại cự ly. Theo thống kê, trên Quốc lộ 1A, trung bình cứ 62km lại có một trạm thu phí. Mức phí không hợp lý, chủ yếu quá cao và không đúng với nhiều cung đường.
Nếu ai đã từng rong ruổi các cung đường từ Nam đến Bắc, đều dễ cảm nhận, dù đã cải thiện, nhưng chất lượng đường sá vẫn chưa xứng đáng với sự đầu tư, tiền dân đóng thuế. Nhiều dự án BOT, thông qua xã hội hóa, bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông một cách quấy quả rồi đứng ra tận thu phí.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trong báo cáo chuyên đề trên đã nêu lên một số vấn đề như: hầu hết các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT đều được chỉ định, nên đã hạn chế tính cạnh tranh, giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Một số dự án không đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch. Hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo các tuyến đường có sẵn…
Còn đây là cách nói của Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, nhiều dự án BOT thực tế chỉ “tráng lại”, có dự án mở thêm mỗi bên được vài chục cm gần như không thay đổi, rồi thu tiền dẫn đến việc người dân bức xúc.
***
Đến đây, hẳn những người không quan tâm đến BOT cũng đã hình dung được vì sao các BOT lại dày đặc như ở Việt Nam chúng ta? Tại sao nỗi lo lợi ích nhóm vẫn ám ảnh liên quan đến các dự án BOT, và tại sao dân lại bức xúc?
Quốc lộ 1A từng được bầu chọn là 1 trong 10 con đường đẹp nhất thế giới để đi xe đạp. Cá nhân tôi không lấy làm tự hào về danh hiệu đó. Bởi con đường huyết mạch và thấm đẫm những giá trị lịch sử dân tộc này cần trở thành cao tốc, hay chí ít được mở rộng thênh thang với nhiều làn xe, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm tiền bạc cho dân. Con đường đó phải giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do một con trâu hay đoàn tàu bất thình lình xuyên qua. Con đường đó phải giảm bớt những tiêu cực, trong đó có nạn mãi lộ nhức nhối…
Do đó, giải quyết sự tụt hậu chung của giao thông đường bộ (đặc biệt các tuyến quốc lộ, cao tốc) rất phức tạp, không chỉ nhắm vào mỗi BOT.
Xin kết thúc bài viết bằng một câu nói đùa của nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, trong một lần đăng đàn tại một cuộc họp HĐND thành phố: “Có cái gì ở trạm CSGT Kim Liên (trên QL 1A ở cửa ngõ phía Bắc Đà Nẵng) mà ai vô CSGT cũng đòi cho ra đứng đó. Chỉ ít lâu sau là ai nấy khấm khá cả lên. Tiền ở đâu ra, tài sản ở đâu ra, dân biết hết, còn các anh có biết không?
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất