Dân Nam Phi sẽ không được viếng mộ Mandela?

18/12/2013 07:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là câu hỏi đã xuất hiện trong tâm trí của rất nhiều người dân Nam Phi, khi họ đưa tiễn người anh hùng dân tộc Nelson Mandela mới qua đời, về nơi an táng cuối cùng nằm tại quê nhà ông ở làng Qunu vào cuối tuần trước.

Trong khi bận bịu chuẩn bị công tác hậu cần và sắp xếp các thủ tục cần thiết để phục vụ tang lễ quốc gia, chính quyền Nam Phi đã không đưa ra bất kỳ thông báo gì liên quan tới hoạt động thăm viếng phần mộ của ông Nelson Mandela sau lễ tang.


Nơi "không dành cho công chúng"

Vì thế, khi nhiều người trong gia tộc Mandela, các chính khách và những người nổi tiếng có cơ hội tới chào vĩnh biệt ông tại phần mộ, không ít người dân Nam Phi cũng như thế giới, đã hy vọng sẽ được làm điều tương tự sau lễ tang.

Hồi tháng 6 năm nay, người con lớn tuổi nhất của Mandela còn sống là Makaziwe (59 tuổi), tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia rằng nơi chôn cất Mandela nằm trong nghĩa trang gia đình và nơi này "không dành cho công chúng".

Mấy ngày gần đây, chính quyền phát đi tín hiệu cho thấy gia đình Mandela có thể sẽ thay đổi quan điểm. Cụ thể ông Collins Chabane, một bộ trưởng trong Nội các Nam Phi, đã tuyên bố rằng thân nhân của Mandela đã luôn "rất rộng lượng" trong việc cho công chúng vào thăm trang trại của gia đình nằm ở Qunu. Nhưng sau đó ông có nói thêm: "Chuyện cho người vào viếng hay không sẽ tùy thuộc vào sự quyết định của gia đình".

Tuy nhiên theo thông tin từ kiến trúc sư Greg Straw, người đã thiết kế địa điểm tưởng niệm Mandela nằm trên khoảnh đất rộng 3,2 ha, nơi này rất có khả năng sẽ được mở cửa để đón công chúng.

Nelson Mandela đã được mai táng tại quê nhà ông ở làng Qunu theo nghi lễ cấp quốc gia

Tả lại cuộc đời qua con đường dẫn tới mộ

Straw cho biết rằng nơi an nghỉ cuối cùng của Mandela nằm trên một ngọn đồi nhìn ra ngôi làng nơi ông đã lớn lên, cũng là nơi ông tìm về nghỉ hưu. Phần mộ Mandela nằm trong một khoảnh đất nhỏ, cách nơi ở của ông hồi bé tại Qunu khoảng 2 km.

Ngôi mộ về cơ bản nằm trong một khu vườn tưởng niệm lớn hơn, với lối đi dẫn tới nó được thiết kế uốn lượn. Ông nói rằng lối đi này sẽ giúp du khách mường tượng ra hành trình dài tìm tới tự do của Mandela.

Con đường dài khoảng 1,2km, tính từ chân đồi lên điểm đặt phần mộ. "Mỗi khi bạn tới đây và thể hiện sự kính trọng, bạn đã bước qua cuộc đời và thời đại của Madiba" - Straw nói, sử dụng cái tên trong gia tộc Mandela - "Bạn sẽ bắt đầu khi đi qua một khoảng đồi bằng phẳng, nơi mọi thứ đều yên bình. Tiếp đó, khi Mandela bị tống giam, nó bắt đầu ngoặt vào một khúc quanh và lối đi sẽ xoắn lấy quanh quả đồi, như xuyên qua các khoảng thời gian khác nhau của cuộc đấu tranh. Nó dẫn tới đỉnh đồi, như minh họa cho thời điểm ông được tự do. Về cơ bản lối đi đã kể lại một câu chuyện và kể lại bằng sức mạnh thể xác".

Ý tưởng xây dựng con đường dẫn tới phần mộ Mandela được lấy cảm hứng từ cuốn hồi ký Long Walk to Freedom, của ông. Sách được xuất bản khi Mandela được tự do, sau 27 năm bị giam cầm dưới chính quyền apartheid phân biệt chủng tộc. Một bộ phim cùng tên vừa được công bố, chỉ vài tuần trước khi Mandela qua đời vào ngày 5/12.

"Anh biết rằng bản thân ông (Mandela) đã phải đi một hành trình dài. Sau khi đi hết con đường dẫn tới mộ này, người ta sẽ quay lại nhìn và thốt lên: 'Chà, đường đi dài quá nhỉ'" - Straw nói về ý tưởng.

Khao khát được tới bên mộ cha già

Trong cuộc tiếp xúc với với hãng tin AFP, Straw cũng cho biết về các thách thức trong việc biến một khoảnh đất nơi thường chỉ có gia súc tới gặm cỏ thành một điểm tưởng niệm phù hợp với tầm vóc Mandela.

Straw đã nhiều lần đi lại từ khu tưởng niệm tới Qunu và Mvezo, ngôi làng nơi Mandela sinh ra, để lấy các loại cây về trồng trong khu vườn. Ông mang về đủ thứ, từ cây lô hội tới cây keo và cỏ dại. "Tôi đã thu thập nhiều loại cây từ những nơi ông từng chơi hồi bé và mang chúng tới khu vườn" - Straw nói - "Tôi đã mang chúng tới Qunu và sắp xếp lại để có một khu vực mang đặc trưng Mvezo ở Qunu."

Theo ông, hoạt động lên kế hoạch xây dựng bảo tàng và các công trình khác trong vườn tưởng niệm, vốn chỉ bắt đầu cách đây vài năm, hiện vẫn chưa hoàn tất. Việc này diễn ra chậm do sẽ rất không nhạy cảm nếu hoàn thiện khu tưởng niệm khi Mandela còn sống.

Hiện cư dân sống quanh làng Mandela đều đã bày tỏ hy vọng về việc ngày nào đó được vào viếng mộ ông tại khu tưởng niệm. "Tôi nghĩ ngày nào đó nhân dân sẽ được phép tới và thăm mộ Tata (Cha). Nhưng có lẽ việc này sẽ chưa xảy ra trong tương lai gần" - cư dân Thobile Dyantyi, 23 tuổi, thổ lộ.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link