01/02/2014 12:18 GMT+7 | Đọc - Xem
Nhà văn Ngô Phan Lưu rất thân quen với bạn đọc Thể thao&Văn hóa khi trong một thời gian dài ông giữ mục (Cà phê nông dân) viết đều đặn hàng tuần. Nay ở tuổi thất thập, vì sức khỏe yếu ông đã xin tạm biệt bạn đọc TT&VH.
Điện thoại hỏi thăm sức khỏe của ông vào những ngày cuối năm Quý Tỵ, được biết từ ngày không viết (Cà phê nông dân), thì ông cũng không còn cộng tác cho các báo như trước đây. Tuy nhiên, một lý do khác để Ngô Phan Lưu không viết nữa, là bởi bà cụ thân sinh của ông đã qua đời khi tuổi gần 100. Những tác phẩm của ông ra đời trong những khoảng thời gian mẹ ông nằm nghỉ, sau khi cơm nước do ông bưng tận giường cho bà.
Ngô Phan Lưu từng làm nhiều nghề để nuôi bản thân, gia đình và người mẹ già. Ông từng làm ruộng như một lực điền, cắt cỏ nuôi bò, làm thợ chụp hình đám cưới…Có một chuyện vui thời ông làm “nhiếp ảnh gia” của làng xã thôn quê nơi ông được dòng họ phân công giữ từ đường tiên tổ. Thời ấy chụp hình bằng phim, từ nhà Ngô Phan Lưu lên đến trung tâm tỉnh lị đi mất mấy ngày đường. Thường thì ông gom một vài đám cưới, đám tiệc, thôi nôi… mới đi rửa hình một lần về giao cho khách. Có một đám cưới từ ngày ông chụp hình đến khi đến nhà giao hình cho họ thì đôi “tân lang tân giai nhân” đã ly dị tự lúc nào không hay. Kết quả là sau mấy tháng làm nghề chụp hình tưởng kiếm được chút tiền lời lại hóa ra… lỗ nặng.
Nhà văn Ngô Phan Lưu trọn đời chăm sóc mẹ
Có lẽ, người có lòng hiếu thảo thường được trời thương ban cho hậu vận về sau gặp nhiều thuận lợi. Ngô Phan Lưu nuôi giấc mộng văn sĩ từ nhỏ nhưng bắt đầu viết văn khi tuổi đời đã trọn một vòng hoa giáp. Tinh anh của đời người lại phát tiết ra lúc này, giúp ông đem tác phẩm đi thi thì được giải, các đơn vị làm sách đặt hàng ông viết, các báo mở chuyên mục mời ông giữ… Càng viết sách viết báo càng khiến ông nhà văn nông dân này ham thích. Không đơn thuần là được thấy tác phẩm mình in thành giấy mực, Ngô Phan Lưu viết còn vì muốn tăng thêm thu nhập để phụ gia đình lo cho người mẹ già.
Trước khi đến với nghề văn như một người viết chuyên nghiệp, Ngô Phan Lưu từng là một nhà thơ sống khá tài tử theo nghĩa thích bù khú chè chén với bạn bè. Thân mẫu Ngô Phan Lưu không thích ông con mình có mùi men. Mỗi khi bà phát hiện mùi bia rượu thì bắt ông nằm sấp đánh đòn như thuở con “lên năm lên ba” trước mặt các cháu nội, cháu ngoại của ông.
Mẹ Ngô Phan Lưu đánh đòn ông nhiều lần như thế nhưng bà rất hiền. Mỗi khi có khách đến nhà, nhà văn lão nông đi pha trà mời khách, đều được bà nhắc tráng xong bình trà đổ nước sôi ra ngoài coi chừng trúng tổ kiến. Bởi bà luôn dạy Ngô Phan Lưu về chúng sinh bình đẳng, về luân hồi kiếp trước - kiếp sau… nên sống trong đời cần tử tế và trân trọng vạn vật xung quanh mình theo quan niệm dân gian của bà.
Ngoài mẹ già, Ngô Phan Lưu và vợ của ông còn chăm sóc một người em gái tật nguyền từ nhỏ. Người em gái có số phận không may mắn của ông cũng đã qua đời trước khi mẹ của ông xa lìa trần thế một thời gian không lâu.
Bây giờ Ngô Phan Lưu gần như không còn vướng bận gì, chữ Hiếu với mẹ ông đã trả xong, chữ Nghĩa với em gái ông cũng đã hoàn thành. Cuối năm 2013, Ngô Phan Lưu mãn tang mẹ và ông sẽ đón Tết Giáp Ngọ tại quê trước khi sang Mỹ định cư. Vợ chồng ông đi Mỹ từ sự bảo lãnh của các con trong gia đình. Con cháu của nhà văn Ngô Phan Lưu muốn ông bà sống bên cạnh để tiện chăm sóc, nhất là điều kiện y tế của Mỹ rất tốt cho người già. Xem ra, chữ Hiếu trong gia đình ông nhà văn nông dân này luôn được kế thừa từ các thế hệ mà chưa khi nào bị đứt quãng
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất