'Cơn sóng thần kép' từ Italy tới châu Âu

22/03/2020 15:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Italy đã chính thức trở thành quốc gia đứng đầu “danh sách tử thần” về số ca tử vong vì COVID-19, đợt đại dịch tính đến sáng 22/3 đã cướp đi sinh mạng của 4.825 người ở “đất nước hình chiếc ủng”, vượt Trung Quốc đại lục hơn 1.000 ca.

Dịch COVID-19: Thông báo khẩn của Bệnh viện Bạch Mai

Dịch COVID-19: Thông báo khẩn của Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, hàng ngày có hàng nghìn bệnh nhân đến khám và điều trị, bên cạnh đó cũng có hàng ngàn người thân thăm và chăm sóc người bệnh hợp tác và tuân thủ các quy định với phương châm “AN TOÀN CHO NGƯỜI BỆNH LÀ ƯU TIÊN SỐ 1”.

Cách đây khoảng 1 tháng, Italy mới chỉ ghi nhận vài ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng giờ đây, không thể tưởng tượng nước này lại trở thành tâm dịch tại châu Âu và thế giới, mà tổng cộng 53.578 trường hợp ghi nhận vào sáng 22/3 chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng khi tốc độ lây lan “chóng mặt” trong vòng 24 giờ trước đó là 6.557 ca nhiễm mới.

Tính chất phức tạp của đại dịch COVID-19 ở Italy đang bộc lộ rõ, kể cả khi chính phủ nước này, dù hơi muộn, song đã có những biện pháp toàn diện và cứng rắn để kiểm soát tình hình.

Từ việc chỉ phong tỏa 11 thị trấn ở miền Bắc, chính phủ đã mở rộng phong tỏa ra cả vùng Lombardy cùng với 11 tỉnh lân cận và hiện nay là phong tỏa trên phạm vi toàn quốc.

Italy ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu. Hoạt động đi lại cũng bị hạn chế tối đa. Người dân khi ra đường phải có lý do bất khả kháng. Theo quy định, bất cứ ai khi ra khỏi nhà đều phải điền vào một tờ khai về mục đích đi lại cấp thiết của mình và hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về nội dung khai báo. Chính phủ đã cho phép các vùng triển khai quân đội để hỗ trợ cảnh sát tuần tra nhằm đảm bảo lệnh phong tỏa. 

Chính phủ Italy cũng đã thông qua sắc lệnh mới trị giá 25 tỷ euro nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, xã hội, doanh nghiệp và người lao động vốn đang chịu tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó, hàng hóa và nhu yếu phẩm vẫn được chính phủ đảm bảo trên cả nước. 

Do hệ thống y tế quá tải và có tới hơn 2.600 nhân viên y tế bị nhiễm virus, chính phủ đang có kế hoạch cho tốt nghiệp sớm đối với khoảng 10 nghìn sinh viên ngành y để bổ sung lực lượng cho các bệnh viện.

Chú thích ảnh
Cảnh sát biên giới đứng chờ kiểm tra các phương tiện từ Pháp vào Tây Ban Nha ngày 17/3/2020 vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte còn cho biết chính phủ cũng đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch mới về kinh tế, dự kiến vào tháng 4, với những khoản đầu tư lớn hơn, theo đó đơn giản hóa các thủ tục và cắt giảm thuế. Đây sẽ là kế hoạch nhằm hồi sinh Italy, dựa trên các nguồn lực quốc gia và nguồn ngân sách đang chuẩn bị phân bổ của Liên minh châu Âu (EU). Có thể nói Chính phủ Italy đang trong một cuộc chiến tổng lực nhằm đối phó với COVID-19 và tiếp tục có nhiều biện pháp mạnh, cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội.

Có tín hiệu đầu tiên cho thấy những chính sách kiên quyết phòng chống dịch COVID-19 của Italy đã bắt đầu có hiệu quả. Tại thị trấn Vò, một trong số 11 thị trấn bị phong tỏa đầu tiên ở miền Bắc, kể từ ngày 13/3 đến nay không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Số ca nhiễm ở 10 thị trấn còn lại cũng giảm mạnh.

Điều này là nhờ việc phong tỏa, cách ly triệt để cũng như tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cả đối với những người có triệu chứng lẫn không có triệu chứng mắc COVID-19. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm mới cũng như số trường hợp tử vong trong những ngày qua vẫn đang ở mức cao. Nguyên nhân có lẽ là do mức độ tuân thủ lệnh phong tỏa của người dân vẫn chưa triệt để.

Bên cạnh đó, việc tiến hành xét nghiệm vẫn chưa được thực hiện trên diện rộng như Hàn Quốc đã làm. Dù vậy, Chính phủ Italy kỳ vọng các biện pháp quyết liệt đang được áp dụng sẽ có hiệu quả trong vài tuần tới. Mô hình của Italy hiện được một số chuyên gia coi là “mô hình tiên phong” ở các nước phương Tây và đang được Tây Ban Nha, Pháp áp dụng.

Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh mà Italy và nhiều nước châu Âu đang đối mặt, dường như vai trò của EU được đánh giá là rất mờ nhạt. Thậm chí, một số người bi quan còn cho rằng “giấc mơ châu Âu” đang dần tan biến khi EU tỏ ra chậm chạp đến mức vô hình trong cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi thành lập.

Nhiều người Italy chỉ trích EU đã không hề có động thái gì khi các  nguồn tin báo chí cho biết Đức và Pháp hạn chế việc xuất khẩu các thiết bị y tế, chẳng hạn như khẩu trang và găng tay. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng chỉ dừng lại ở những tuyên bố về đoàn kết đối với Italy trong cuộc chiến chống dịch bệnh mà không có bất kỳ cam kết cụ thể nào.

Chú thích ảnh
Italy đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ quốc gia 60 triệu dân. Ảnh: AFP

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây công bố chương trình khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro, theo đó tiếp tục mua lại trái phiếu của các chính phủ và doanh nghiệp trong EU ít nhất cho đến cuối năm nay là điều đáng mừng. Tuy nhiên, phát biểu thiếu khéo léo trước đó của Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde hôm 12/3 về việc ECB không có chức năng và nhiệm vụ giải quyết mức “chênh lệch” lãi suất trái phiếu chính phủ giữa các nước, đã vấp phải nhiều chỉ trích. 

Chính phát biểu của bà Lagarde đã khiến lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Italy tăng vọt. Chênh lệch lãi suất trái phiếu của Italy và trái phiếu của Đức, thước đo quan trọng về độ rủi ro của nền kinh tế Italy trong Nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang ở mức cao nhất kể từ hồi tháng 6 năm ngoái.

Tổng thống Italy Sergio Mattarella hay một số chính trị gia cực hữu như lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Những người anh em Italy Giorgia Meloni và kể cả những nhân vật trước đây vốn sùng bái “giấc mơ đại gia đình châu Âu” đã tỏ ra thất vọng về phát biểu của bà Lagarde.

Trước một thử thách quá lớn hiện chưa có hồi kết, Italy đang phần nào cảm thấy “đơn thương độc mã” trong một thể chế mà nước này là quốc gia đồng sáng lập. Khủng hoảng dịch bệnh hy vọng rồi cũng qua đi, nhưng khủng hoảng lòng tin về vai trò của EU là thách thức lớn nhất mà EU đang phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Italy đang kiểm tra các hành khách ngày 10/3. Ảnh: Getty Images

Italy là một thành viên sáng lập của EU và là nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone. Trong bối châu Âu đang đối mặt với khả năng rơi vào suy thoái, Italy được coi là mắt xích yếu nhất ở châu lục này. Nợ công của Italy hiện khoảng 2,4 nghìn tỷ euro, chiếm gần 135% GDP.

Hệ thống ngân hàng ở các nước EU khác nắm giữ gần 450 tỷ euro trong số nợ công của Italy. Nếu “con tàu” Italy bị chìm và số chứng chỉ nợ công này bị sụt giảm về mặt giá trị, nó sẽ làm chao đảo hệ thống ngân hàng của EU.

Các ngân hàng châu Âu lo ngại cuộc khủng hoảng COVID-19 thậm chí có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như năm 2008. Cụ thể là lệnh phong tỏa, đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất, thương mại có thể gây nên làn sóng vỡ nợ đối với hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là xương sống của các nền kinh tế như Italy và Đức.

Nền kinh tế Italy, vốn đã bị sụt giảm 0,3% trong quý 4/2019, khá dễ bị tổn thương trước tác động của dịch COVID-19 và dự kiến có thể sụt giảm tới 0,8% trong quý đầu năm nay.

Với việc Italy áp dụng lệnh phong tỏa, hoạt động thương mại của cả nước bị đình trệ. Các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Italy vốn đang gặp khó khăn về tiền mặt có thể ngừng hoàn trả các khoản vay.

Việc chính phủ dành các khoản ngân sách lớn để đối phó với dịch bệnh cũng đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Điều này có thể sẽ khiến hoạt động cho vay của các ngân hàng giảm sút và hậu quả là càng làm chậm lại nền kinh tế. IMF từng cảnh báo một cuộc khủng hoảng ở Italy chắc chắn sẽ dẫn đến sự lây lan. Nếu trái phiếu Italy bị hạ cấp xuống “tình trạng có rủi ro cao” – điều mà IMF cho là chưa từng xảy ra đối với một nền kinh tế phát triển – những tổn thất, mất mát sẽ diễn ra khắp các thị trường tài chính.

Một số chuyên gia cho rằng để ngăn chặn điều này, Italy sẽ cần một gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ euro. ECB, IMF nên hành động trước khi tình hình trở nên tồi tệ.

Italy đang đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhưng điều trớ trêu là việc đối phó với virus SARS-CoV-2 có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng nợ công của các nước Eurozone năm 2011 đã từng khiến giới chuyên gia cho rằng Eurozone khó có thể tồn tại. Và nay, mối nguy cơ này lại được xới lên trong bối cảnh cả châu Âu đang phải vật lộn với cơn “sóng thần” COVID-19.

    TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link