Thực hiện Quy tắc 5K trong phòng tránh thông tin giả, tin sai sự thật

19/08/2021 14:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát (27/4) đến nay đã có rất nhiều tin, bài, video... đăng tải thông tin sai sự thật, tin giả liên quan đến COVID-19 được đăng trên các trang mạng xã hội. Những đối tượng đăng tải thông tin kích động, có nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận đều đã bị các cơ quan có thẩm quyền điều tra truy xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mạnh tay dẹp nạn tin giả về dịch Covid-19

Mạnh tay dẹp nạn tin giả về dịch Covid-19

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nạn tin giả (fake news) liên quan đến tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp không kém tại Thành phố Hồ Chí Minh.

* Các thông tin giả đều bị phát hiện, xử lý kịp thời

Thời gian qua, cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố... đã có nhiều biện pháp xử lý các hành vi sai phạm liên quan đến tung tin giả, tin sai sự thật của nhiều đối tượng trên mạng xã hội.

Chú thích ảnh
Nội dung bài viết được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội vào ngày 7/8 vừa qua. (Ảnh: VAFC)

Tối 17/8, ông Nguyễn Phi Long, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, văn bản cho rằng tỉnh này tổ chức 50 chuyến xe đưa người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ Thành phố về quê là sai sự thật. Theo ông Nguyễn Phi Long, ngày 11/8, UBND tỉnh Bình Định có ban hành công văn số 4920/UBND-VX về việc đề nghị tiếp tục phối hợp trong công tác đưa người dân Bình Định tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về quê. Theo đó, tỉnh Bình Định dự kiến tổ chức tiếp 5 chuyến bay đưa miễn phí người dân Bình Định có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nhu cầu trở về tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 15/8.

“Tỉnh không tổ chức đưa người dân bằng ôtô. Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên mạng xã hội và theo thông tin từ bà con trong Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh đã có văn bản giả mạo công văn số 4920/UBND-VX nêu trên của UBND tỉnh Bình Định. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, giả mạo văn bản của cơ quan nhà nước. Hiện tại, UBND tỉnh Bỉnh Định đã giao cho Công an tỉnh điều tra, xác minh làm rõ vụ việc trên để có phương án xử lý thích đáng - ông Nguyễn Phi Long cho biết thêm.

Chiều 16/8, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng thông tin đã có kết quả xử lý vụ việc một người dân phản ánh thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Facebook cho rằng “chất đống mì tôm chỗ nhà ông tổ trưởng rồi chia nhau”. Đây là sự việc được ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu xác minh, kiểm tra sau khi Văn phòng Thành ủy báo cáo. Cụ thể, chủ tài khoản Facebook “Long Phú Khang” đã bình luận trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: “Nói hay lắm chứ đợt vừa rồi kiệt 137 Tô Hiệu bị phong tỏa 21 ngày mà thấy có được gói mì tôm nào đâu, thấy chất đống mì tôm chỗ nhà ông tổ trưởng rồi chia nhau chứ làm gì tới người nhà ở thuê”.

Qua làm việc với các cơ quan chức năng, ông Long - người đăng thông tin đã thừa nhận đã tiếp nhận thông tin một chiều, chưa xác minh cụ thể mà đã đăng thông tin sai sự thật và có lời xin lỗi người dân cũng như chính quyền địa phương. Công an Quận Liên Chiểu tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý hành vi đăng tải sai sự thật, đồng thời yêu cầu ông Long xóa, đính chính nội dung đã bình luận trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng...

Đặc biệt, có nhiều thông tin giả, thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điển hình như vụ việc ngày 13/8, khi Thành phố Hồ Chí Minh phân bổ vaccinen Vero Cell để tiêm chủng cho người dân, trên mạng xã hội phát tán hình ảnh, thông tin với nội dung “Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”. Qua kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định nội dung thông tin trên là tin giả, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 11/8, cơ quan chức năng đã xử phạt xác định Phan Phi Toàn, 33 tuổi, là chủ tài khoản Không Tên có nội dung bài viết sai sự thật về chính quyền địa phương và có lời lẽ xúc phạm các lãnh đạo phường, tổ trưởng khu phố. Công an thành phố Thủ Đức còn phát hiện Toàn có quân phục ngành Công an, quân hàm thượng úy và bảng tên Phó đội Trưởng Công an quận 3, Phó Phòng tổng hợp, roi điện và nhiều công cụ hỗ trợ... Đối tượng đang bị điều tra về động cơ đăng tin kích động, sai sự thật và giả danh cảnh sát.

Chú thích ảnh
Website www.11384vn.com giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an. Ảnh: tingia.gov.vn

Trước đó, thông tin lan truyền trên mạng xã hội và các hội nhóm về việc "không cho người dân di chuyển trong 7 ngày" đã gây tâm lý hoang mang. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định thông tin này là giả mạo.

Tương tự, tối 7/8, tài khoản Facebook Phong Lam và Nguyễn Thy gắn thẻ Trần Khoa đăng thông tin bác sĩ Khoa đang chăm sóc cha và mẹ cùng một sản phụ song thai mắc COVID-19 nặng. Khi cha mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Câu chuyện về "bác sĩ Khoa" được nhiều người chia sẻ, thu hút nhiều bình luận tiếc thương, cảm phục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó xác định nội dung trên là không có thật.

Hai chủ tài khoản chia sẻ thông tin sai sự thật này đã bị xử phạt, 3 chủ tài khoản phát tán tin giả đầu tiên cũng bị mời lên việc. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp cơ quan quan chức năng làm rõ động cơ của những người liên quan và dấu hiệu trục lợi trong sự việc này.

Ngoài những thông tin sai về phòng, chống dịch bệnh, một số người còn đăng bài có nội dung kích động. Điển hình như vụ việc ông Phan Hữu Điệp Anh, 60 tuổi, đã bị Công an quận Bình Thạnh bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, ngày 21/7.

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Anh thừa nhận đã lấy clip, hình ảnh người đàn ông tâm thần tự thiêu tại thành phố Thủ Đức, đăng lên Facebook của mình với nội dung "bức xúc cách chống dịch COVID-19... người dân phẫn uất, ngay giữa đường bức bách, tự thiêu". Thông tin này nhiều người dẫn lại, được xác định gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Qua xác minh, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, UBND phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định thông tin trên là sai sự thật và đã có hình thức xử lý thích đáng đối với người đăng thông tin giả.

* Phòng tránh thông tin giả, tin sai sự thật

Tin giả được xác định có hai dạng thức. Loại thứ nhất là là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.

Bên cạnh các đối tượng cố tình đăng tải thông tin sai sự thật, đăng tải video clip gây kích động, xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, gây chia rẽ đoàn kết, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, người dùng mạng xã hội đã chia sẻ những thông tin giả, thông tin chưa chưa được kiểm chứng, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động... Tất cả những trường hợp này đều góp phần gây hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Bài viết xuyên tạc giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trên mạng xã hội

Các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, yêu cầu các trang mạng xã hội như Facebook, Google gỡ bỏ hàng nghìn tài khoản vi phạm pháp luật, video clip có nội dung xấu độc, bịa đặt... gây bất ổn xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương, lực lượng Công an đã phối hợp xử lý nhiều cá nhân, tổ chức phát tán tin giả.

Theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng;  tổ chức sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Đồng thời, Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định trường hợp người có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc gây dư luận xấu sẽ bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Bên cạnh các quy định pháp luật hiện có, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và gửi nhiều văn bản đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí; tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội... về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng.

Trong các văn bản, Bộ đề nghị các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương; khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng Công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội cần cập nhật thông tin liên tục, kịp thời, chính xác từ nguồn tin chính thống củ ngành Y tế, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn; chấn chỉnh tình trạng thông tin không chính xác, chưa kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, đăng tải những hình ảnh, nội dung không phù hợp, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí; chủ động phát hiện và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện, không gian truyền thông.

Đồng thời, để góp phần phòng tránh được các thông tin sai sự thật, tin giả, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần áp dụng quy tắc 5K, đó là: Không tin ngay - Không vội nhấn nút thích - Không thêm thắt - Không kích động - Không vội chia sẻ.

Mỗi người cần tỉnh táo, trở thành "người đọc thông thái", thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ trên mạng xã hội; không nên chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Nói "không" với tin giả, tin sai sự thật cũng là một biện pháp hữu hiệu góp phần cùng các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Phúc Hằng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link