16/10/2012 10:02 GMT+7 | Thế giới
TT&VH đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, nơi tiếp nhận các tấm bản đồ này.
TS. Trần Đức Anh Sơn cũng là người nghiên cứu đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng”.
Được biết 80 bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam sẽ được đưa về Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Ông có thể cho biết quá trình liên hệ của Viện và ông Trần Thắng?
TS Trần Đức Anh Sơn |
Năm 2008, anh Trần Thắng tới dự buổi ra mắt 4 cuốn sách của tôi gồm: Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; Huế, triều Nguyễn; Rong ruổi thực lục và cuốn Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế. Trần Thắng làm ở Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, là tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu văn hóa Việt Nam và đem văn hóa Việt đến bạn bè thế giới. Thời gian tôi làm đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng”, thông qua mối quan hệ của anh Thắng, một số bạn bè nước ngoài đã cung cấp thông tin, đặc biệt là bản đồ mà tôi cần. Khi TS Mai Hồng công bố “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904, tôi biết sẽ còn nhiều tấm bản đồ chỉ ra Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa, tôi tiếp tục nhờ anh Thắng tìm giúp.
Anh Thắng tìm mua lại những bản đồ này tại các cửa hàng đồ cổ. Việc mua các bản đồ này chủ yếu diễn ra trên đất Mỹ, một số ít mua ở Ba Lan và Anh.
Việc tiếp nhận 90 bản đồ này ra sao?
Theo dự kiến ban đầu, ngày 12/10, 80 tấm bản đồ sẽ về Việt Nam qua đường bưu điện. Nhưng xét kĩ, chúng tôi thấy “xách tay” thì chắc chắn hơn. Vì thế, tới giữa tháng 11 năm nay, những bản đồ này sẽ về Việt Nam qua đường “xách tay”.
Hiện có 3 cuốn Atlat, sau khi về Việt Nam, tôi đề nghị Đà Nẵng mua lại toàn bộ. Nhưng giờ, thành phố chỉ mới mua Atlat năm 1933 “Trung Hoa dân quốc bưu chính dư đồ” với 3.000 USD. Anh Thắng tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 1 cuốn Atlat năm 1908, thời kì nhà Thanh là “Trung Quốc địa đồ”. Cuốn này vẽ biên giới của Trung Quốc chỉ tới ngang tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cuốn thứ 3 là “Trung Hoa bưu chính dư đồ” năm 1919, được in bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, hiện đang ở Ba Lan. Chúng tôi đang vận động tỉnh Khánh Hòa mua lại quyển này.
Theo ông, kế hoạch sử dụng và khai thác các tấm bản đồ này như thế nào?
Chúng tôi sẽ scan các tấm bản đồ này để nghiên cứu, còn bản gốc sẽ bảo quản đưa ra triển lãm sau. UBND huyện đảo Hoàng Sa đang có đề án xây nhà trưng bày, chúng tôi muốn đưa các tấm bản đồ này về trưng bày tại đây. Dự kiến tháng 4/2013, trong tuần lễ biển đảo Khánh Hòa sẽ đưa các bản đồ này ra triển lãm. Sau khi đem về Khánh Hòa triển lãm, tôi đề nghị TP Đà Nẵng cũng tổ chức trưng bày.Tuy nhiên, trước khi trưng bày, phải giải thích cho người dân hiểu bản đồ nói gì, phải đào tạo cán bộ để trả lời, giải thích khi người dân thắc mắc.
Từ chuyện 90 tấm bản đồ, tôi mong muốn biên tập công trình khoa học “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng” dài nghìn trang của mình thành 230 trang sách thật dễ hiểu, học sinh tiểu học cũng hiểu được.
Về việc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, 90 tấm bản đồ này có ý nghĩa thế nào?
Bản đồ cổ Vương quốc Trung Hoa năm 1626 (biên giới Trung Hoa đến đảo Hải Nam)
Về ý nghĩa, bản đồ là một dạng tư liệu, chứng cứ lịch sử để chúng ta có thêm bằng chứng đấu tranh đòi chủ quyền. 90 tấm bản đồ, trước hết mang tính chất giáo dục, tuyên truyền. Còn đấu tranh để cho Trung Quốc không được phép hợp thức hóa chủ quyền trên Hoàng Sa là cả một quá trình lâu dài, liên tục chứ không phải trong nay mai.
Tạm gác vị trí của một nhà khoa học lại, trên cương vị công dân Việt Nam, ông cảm thấy thế nào khi thấy những bản đồ này?Nghe thông tin các bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tôi rất xúc động vì đã có thêm bằng chứng về chủ quyền của chúng ta. Điều đáng xúc động nữa là có một Việt Kiều bỏ công sức, tiền của ra tìm kiếm những tấm bản đồ này, nghĩa là dù ở nơi đâu, những người con của Việt Nam luôn hướng về Tổ quốc.
Anh Thắng đã phải tự bỏ tiền túi ra, cùng sự giúp đỡ của bạn bè để mua 90 tấm bản đồ này, có những lúc anh chạy xe cả nghìn cây số khi nghe thông tin có một bản đồ nữa.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Thúy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất