Công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia và khai hội Katê năm 2024

02/10/2024 11:27 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 2/10, tại di tích tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng Bình Thuận và Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Võ Thành Huy cho biết, Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Po Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996). Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII- IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ; là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài. Linga vàng được chế tác rất đặc biệt, có trọng lượng 78,36 gram với tỉ lệ vàng ròng chiếm 90,4%; 9,6% còn lại là bạc và đồng.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định, Bảo vật quốc gia Linga vàng có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Po Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Đây là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.

Công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia và khai hội Katê năm 2024 - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia Linga vàng. Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Việc đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đã góp phần làm cho Lễ hội Katê (Tết Katê) năm nay thêm phần trang trọng, sôi nổi với niềm vui mừng, hân hoan của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận. Ngay sau phần khai mạc, Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư.

Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển trong tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Dòng người rước y trang Nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Tiếp nối là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính… Phần hội diễn ra rộn ràng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm như: trang trí Thôn-la; làm bánh gừng…

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm, Lễ hội Katê năm 2024 thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, nhất là các hoạt động trong phần hội.

Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong 2 ngày 1- 2/10. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà la môn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm; có quá trình hình thành, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và được duy trì cho đến ngày nay. Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Đồng bào Chăm ở Bình Thuận hiện có trên 40.000 người, sinh sống tập trung tại các huyện như: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh… Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Chăm có nhiều khởi sắc nên việc tổ chức đón Lễ hội Katê cũng sung túc hơn. Tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Dịp này, tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc Tết Katê đến các vị chức sắc, các gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu, chúc đồng bào Chăm hưởng một mùa Katê thật vui tươi, an lành và hạnh phúc.

Hồng Hiếu/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link