Tuyển Việt Nam đừng kỳ vọng nhiều ở Công Phượng

01/10/2015 05:45 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 2 năm qua, Công Phượng là cầu thủ Việt Nam thi đấu nhiều nhất ở mọi cấp độ. Từ U19 tới U23 và đội tuyển quốc gia, từ các giải trẻ tới sân chơi V-League. Phải thi đấu quá nhiều trong thời gian quá dài, liệu có thể kỳ vọng gì ở Công Phượng?

Còn hơn cả "không phổi"

Hãy bắt đầu từ giải U19 quốc tế tổ chức vào tháng 1/2014 ở TP.HCM. Đó là một giải đấu mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần với cá nhân Công Phượng khi U19 Việt Nam thua tổng cộng 13 bàn/3 trận trước các đối thủ vượt trội về đẳng cấp.

Cuộc “hành xác” kéo dài 2 năm của Phượng bắt đầu từ đây. Sau giải đấu đó, lứa U19 nhận sự đầu tư “khủng”, có liên tiếp hai chuyến tập huấn dài ngày ở châu Âu và Nhật Bản, đi qua ít nhất 4 quốc gia. Đến tháng 8, tưởng họ sẽ có thời gian nghỉ thì VFF lại quyết định để U19 Việt Nam tới Brunei đá 7 trận mệt nhoài trước các đối thủ U21.

Trong tháng 9 và tháng 10, Phượng cùng đồng đội dự 2 giải đấu căng thẳng dành cho lứa U19 Đông Nam Á và châu Á. Vừa trở về Việt Nam, số 10 và đồng đội bay thẳng vào Cần Thơ “chiến” tiếp 4 trận ở giải U21 quốc tế. Đối thủ vẫn là các đội U21.

“Món tráng miệng” cho năm 2014 của Công Phượng và các đồng đội ở HAGL là chuyến tập huấn Thái Lan và giải Tứ hùng tổ chức ở Pleiku trước thềm V-League 2015.

Bị sử dụng quá đà, cá nhân Công Phượng và lứa trẻ HAGL gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Họ đã tham dự tổng cộng 9 sự kiện bóng đá khác nhau ở 9 địa điểm khác nhau trên ít nhất 7 quốc gia, xuyên qua 3 châu lục. Ở tuổi 19, từng ấy là quá nhiều.

Quá trình thi đấu liên miên ấy đã hạn chế tối đa thời gian nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng của lứa cầu thủ này và bản thân Công Phượng. Hậu quả là HAGL thi đấu bết bát khi V-League 2015 khởi tranh. Họ chỉ đá tốt ở cuối mùa và may mắn trụ hạng với chỉ vài điểm hơn vị trí bét bảng.

Một mình Công Phượng tiếp tục chịu khổ

Nhưng nếu lứa trẻ HAGL đã kết thúc cuộc “xa luân chiến” trong năm 2014 thì Công Phượng vẫn một mình tiếp tục. Anh là cầu thủ duy nhất của HAGL đóng vai trò trụ cột ở cả 2 đội U23 Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á và SEA Games 28.

Khi các đồng đội ở HAGL có 2 quãng nghỉ vào tháng 3 và tháng 5, tháng 6 thì Công Phượng vẫn mải miết cày ải. Trong 3 đợt tập trung đội tuyển Việt Nam gần nhất trước các đối thủ CHDCND Triều Tiên, Man City và Iraq với Thái Lan lần này, Công Phượng đều có tên. Dù chỉ ngồi dự bị, thời gian khổ luyện ở đội tuyển vẫn sẽ gây ảnh hưởng tới Công Phượng.

Tại sao cầu thủ trẻ cần thi đấu vừa phải và nghỉ ngơi hợp lý? Vì cơ thể của họ, thể hình, thể lực, sức mạnh, tốc độ đều chưa phát triển hết. Giống như một cơ thể sống, những quãng nghỉ là giấc ngủ cho cầu thủ hồi phục và phát triển: cao hơn, mạnh hơn, cứng cáp hơn.

31 - 40 - 50 - 47 - 53. Dãy số này là số trận thi đấu của siêu sao Cristiano Ronaldo trong 5 mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của sự nghiệp. Trong mùa bóng đầu tiên ở Sporting Lisbon, Ronaldo chỉ chơi 25 trận - có lẽ chỉ nhỉnh hơn số trận Công Phượng đá trong nửa năm. Ở 2 mùa đầu tiên của sự nghiệp, Ronaldo chỉ chơi 70 % số trận của đội bóng. Ở Việt Nam, cầu thủ trẻ hay nhất V-League 2015 Đỗ Duy Mạnh cũng chỉ đá khoảng 70 % số trận.

Riêng Công Phượng phải chơi gần như trọn vẹn tất cả các trận (anh rất hiếm khi chấn thương). HLV Miura là người duy nhất tỏ ra thận trọng trong việc sử dụng Công Phượng khi chủ động cho anh nghỉ khá nhiều trận để giữ sức.

Hiện tại không phải là thời điểm để đặt kỳ vọng lên vai một cầu thủ đang có dấu hiệu quá tải như Công Phượng. Thứ “Messi Việt Nam” cần nhất lúc này có lẽ là quãng thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng sau một mùa giải mệt nhọc.

Đặng Văn Robert thay Văn Biển

HLV Toshiya Miura đã quyết định gọi cầu thủ Việt Kiều Đặng Văn Robert (B. Bình Dương) lên đội tuyển Việt Nam thay cho Văn Biển của Hà Nội T&T.

Văn Biển xin rút khỏi đợt tập trung này vì gia đình có việc đột xuất. Ông Miura đã gọi hậu vệ phải Việt kiều Đặng Văn Robert thay thế bất chấp việc Robert không được ra sân quá nhiều ở Bình Dương.

Sau Michal Nguyễn, đây là cầu thủ Việt kiều thứ 2 được ông Miura triệu tập lên đội tuyển Việt Nam. Cả 2 đều là cầu thủ 2 gốc Việt, khác với những cầu thủ nước ngoài nhập tịch như Hoàng Vũ Samson hay Quốc Thiện Esele. Đội tuyển Việt Nam hiện vẫn chưa mở cửa cho những “ông Tây” này.

Công Vinh đấu tay đôi với Công Phượng

Tâm điểm của buổi tập chiều qua (30/9) là các cuộc đối đầu trực tiếp giữa những tuyển thủ quốc gia. HLV Miura đã dành 2/3 thời gian buổi tập cho các bài đối kháng 4 đánh 4, 3 đánh 3, 2 đánh 2 và đặc biệt là 1 đánh 1.

Đây có lẽ là lần đầu tiên dưới triều đại Toshiya Miura, đấu đối kháng được quan tâm tới như vậy. Ông Miura đã rút được kinh nghiệm từ trận thua Thái Lan khi đối phương thể hiện tốc độ và kỹ thuật vượt trội.

Để đánh bại đối thủ trong cuộc tái đấu ở Mỹ Đình, từng cầu thủ Việt Nam trước tiên phải không thua trong tranh chấp tay đôi. Công Vinh, Văn Quyết, Mai Tiến Thành, Xuân Thành, Công Phượng và tân binh Đặng Văn Robert là những người đã thể hiện tốt trong bài tập đấu tay đôi.

Ở chiều ngược lại, Mạc Hồng Quân và Đinh Tiến Thành là những cái tên chơi tệ. Hồng Quân tỏ ra chậm chạp và nặng nề trong khi trung vệ Tiến Thành đơn giản là không đủ kỹ thuật để đối mặt với các đồng đội.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link