28/02/2019 07:50 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thật khó tin, khi đội bóng mạnh nhất C-League 2018 (giải đấu cao nhất của Campuchia - Cambodian League), nhà vô địch Naga World, lại dễ dàng để CLB Hà Nội, ĐKVĐ V-League và là đội bóng mạnh nhất Việt Nam trong khoảng 8 năm qua, dội đến 10 bàn thắng, trong trận ra quân vòng bảng AFC Cup 2019. Nói là khó tin, bởi cũng buổi chiều hôm ấy, đội tuyển U22 Việt Nam chỉ thắng U22 Campuchia tối thiểu 1-0 ở trận tranh hạng 3 giải U22 Đông Nam Á 2019.
Chúng ta hãy khoan tranh biện bởi sân chơi cấp CLB không bao giờ giống với hệ thống giải đấu dành cho các cấp độ ĐTQG. Đấy là đương nhiên. Chỉ là khoảng nửa thập niên đổ lại, bóng đá Đông Nam Á đã xích lại gần nhau và khoảng cách giữa Việt Nam và Campuchia không còn quá lớn như 20 năm đổ về trước.
Cách đây 14 năm, nhà đương kim á quân V-League 2005, là Đà Nẵng từng đã để thua Gamba Osaka của Nhật Bản với tỷ số không tưởng: 0-15, trong một trận đấu ở vòng bảng AFC Champions League 2006. Cho đến tận bây giờ, đấy vẫn là tỷ số cách biệt kỷ lục của một trận đấu thuộc AFC Champions League (hay Cúp C1 châu Á trước đây). Vào thời điểm đó, chúng ta nghĩ gì khi đại diện V-League thua tan tác trước một đội bóng ở J-League, ngoài việc hổ thẹn? Có cả những thông tin không chính thức về việc “kiếm thêm” của các cầu thủ.
Đội hình của Đà Nẵng khi ấy có thể nói là “Dream Team” với đầy đủ tinh binh. Trấn giữ khung thành là Võ Văn Hạnh; hậu vệ Mã Trí (Ludovic), Phạm Minh Đức, Hùng Dũng, Mạnh Dũng; tiền vệ Bình Minh, Thành Thông, Hồng Minh, Quang Tuấn; tiền đạo Văn Hùng, Nuro Amiro (thay bằng Lê Huỳnh Đức ở hiệp 2). Đây không phải là đội tuyển Việt Nam thu nhỏ thì là gì và về mặt kinh nghiệm thi đấu giải châu Á dành cho CLB, những Văn Hạnh, Minh Đức, Mạnh Dũng..., đâu có thiếu, khi họ vừa từ Gia Lai ngược ra Chi Lăng tập kết?
Đội bóng mạnh nhất nhì Việt Nam đã để thua thảm trước đại diện J-League 1, có nghĩa rằng hệ thống và chất lượng V-League còn quá kém, so với giải đấu của họ. Chứ ở cấp độ ĐTQG, 1 năm sau đó khi Việt Nam và Nhật Bản gặp nhau ở trận đấu cuối bảng AFC Asian Cup 2007, chúng ta để thua 1-4 và vẫn vào tứ kết.
J-League đã và đang được biết đến như giải đấu số 1 châu Á, nền bóng đá Nhật Bản đã ở đẳng cấp FIFA World Cup từ 20 năm qua, đương nhiên không so với phần còn lại. Nhưng ngay lúc này, tức là sau 14 năm, nếu một đại diện V-League như CLB Hà Nội chẳng hạn gặp đội mạnh nhất J-League 1, chắc chắn tỷ số 0-15 sẽ không xảy ra; đội tuyển Việt Nam khi đối đầu với đội tuyển Nhật Bản cũng khó mà thua cách biệt 3 bàn. Bóng đá Nhật vẫn phát triển không ngừng, nhưng chúng ta đã tiến bộ, từ ý thức - tư cách cầu thủ đến cách tổ chức đội bóng. Đấy là điểm đáng ghi nhận.
Trở lại với tỷ số trận đấu giữa CLB Hà Nội và Naga World ở Hàng Đẫy mới đây, so với ngày Đà Nẵng đại bại trên sân của Gamba Osaka cách đây 14 năm, như thế bóng đá Campuchia và hệ thống giải vô địch quốc gia của họ vẫn còn đầy đủ tiềm năng, như chính nền bóng đá non trẻ của quốc gia nằm ở Tây Nam chúng ta.
C-League 2018 có 12 CLB tham dự và Western Phnom Penh đã phải xuống hạng. Một CLB ở C-League được quyền đăng ký đến 5 suất ngoại binh, trong đó bắt buộc phải có ít nhất một suất châu Á. Chi tiết này rõ ràng sáng nước hơn V-League với tối đa 3 ngoại binh và một giai đoạn dài không thể kiểm soát vấn đề nhập tịch. Nhìn vào danh sách đăng ký của các CLB, có thể thấy sự đa dạng về nguồn gốc xuất xứ cầu thủ ở C-League như thế nào. Rất nhiều cầu thủ (và HLV) đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil, cho tới Nigeria, Cameroon, Singapore, Triều Tiên và cả Iraq...
Thế nên đừng vội cười họ sau một trận thắng đậm. Mà nói thẳng, nếu không phải CLB Hà Nội hay B.Bình Dương, thì không một đội bóng nào ở V-League đủ sức, cả về tài lực lẫn nhân lực, để có thể đại diện Việt Nam bơi ra biển lớn được cả.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất