13/11/2015 17:54 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Tại cuộc họp mới đây, Tổng thư ký (TTK) AFF, ông Datuk Azzuddin Ahmad đưa ta đề xuất với Hội đồng thể thao Đông Nam Á, thay đổi điều lệ môn bóng đá nam SEA Games.
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, tuy nhiên, theo Thể thao & Văn hoá cuối tuần, đây là một phát kiến thú vị và có lợi cho việc kích thích đào tạo trẻ ở các nền bóng đá "vùng trũng".
Chỉ có lợi, không có hại
Nhìn ra thế giới, tại Olympic Atlanta 1996 (Mỹ), lần đầu tiên môn bóng đá nam Đại hội được giới hạn tuổi U23+3 (tức thành phần Olympic quốc gia sẽ bao gồm các cầu thủ dưới 23 tuổi và 3 cầu thủ trên 23 tuổi). Một năm sau đó, BTC Asian Games (Đại hội Thể thao châu Á) cũng đã hiệu đính theo quy chuẩn và gần 20 năm qua, bóng đá châu Á đã thực sự mang một diện mạo mới, khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran…, đã đạt đến tầm World Cup.
Việc Nigeria giành HCV Olympic môn bóng đá nam 1996 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho không chỉ quốc gia này, vốn sở hữu một thế hệ cầu thủ có thể nói là tài năng nhất từ trước đến nay, mà cho cả bóng đá lục địa đen, cũng như thế giới. Rõ ràng, ở cấp độ bóng đá trẻ, một nền bóng đá còn đang phát triển cũng có cơ hội gần như ngang bằng với các quốc gia mạnh.
Việc tổ chức tốt giải U21 toàn quốc sẽ giúp bóng đá Việt Nam có đủ lực lượng dự SEA Games nếu môn bóng đá nam thay đổi
Từ trường hợp cụ thể đó, có thể thấy theo một lộ trình xuyên suốt và logic, việc giới hạn độ tuổi trong thành phần đội tuyển Olympic mang đến những hiệu ứng tích cực. Và ở tầm thấp hơn các sân chơi Olympic hay Asian Games (tức ASIAD), SEA Games cũng cần hiệu đính để hợp thời. Với môn bóng đá nam, U23 thực sự không còn thích hợp nữa, bởi ở độ tuổi đó, đa phần đều đã khoác áo đội 1 CLB, cũng như ĐTQG, đá AFF Cup hay Asian Cup rồi.
Năm 2001, khi BTC SEA Games lần đầu tiên giới hạn độ tuổi U23 môn bóng đá nam, Việt Nam đã không thể lọt vào bán kết ở kỳ Đại hội diễn ra tại Kuala Lumpur, dù chỉ 2 năm trước đó, chúng ta đã giành HCB và là nỗi khiếp đảm của nhà vô địch Thái Lan. Nhưng cũng chỉ cần thêm 2 năm sau, SEA Games 2003 lần đầu tiên được kéo về Việt Nam, Văn Quyến và đồng đội đã kéo lại được HCB và giữ đến năm 2007.
Tương lai, thuộc về người trẻ. Và khi chúng ta coi đấu trường SEA Games là sân chơi dự bị cho Asian Games hay cao hơn là Olympic Games, thì việc trẻ hoá tuổi đời VĐV là cần thiết và tích cực, nhằm kích cầu. Với những nền bóng đá còn kém phát triển như Đông Nam Á, việc rút tuổi xuống còn dưới 21, là nhu cầu cấp bách. Như TTK AFF Datuk Ahmad nói, nó bịt được lỗ hổng.
“Chúng ta đã có VCK U17, rồi U19 Đông Nam Á, thì cần phải kiện toàn cả U21 nữa. Nếu AFF chưa làm được điều này, thì chúng tôi cần sự hỗ trợ của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, cũng như BTC các kỳ SEA Games. Tôi đảm bảo nó chỉ có lợi, chứ không có hại”, TTK AFF, ông Datuk Ahmad, khẳng định chắc nịch. Phải, nếu bắt đầu áp dụng từ SEA Games 2017, đó há chẳng phải bước chạy đà cho Asian Games 2022!
Nhìn từ giải U21 quốc gia
Theo lộ trình phát triển và đào tạo trẻ, một lứa cầu thủ đến năm 18 tuổi, bắt buộc phải được cho xuất xưởng hay nói nôm na là “ra trường”. Bởi ở độ tuổi đó, gần như không thể đào tạo được nữa, mà cầu thủ cần môi trường lý tưởng để phấn đấu, trưởng thành và phát triển lên tầm cao mới. Chỉ ở cấp CLB mới duy trì tuyến U21, như một trạm trung chuyển – phương án 2 cho đội hình 1, chứ cấp độ ĐTQG thì không.
Nếu đề xuất giới hạn độ tuổi là U21, Công Phượng sẽ không có cơ hội thi đấu tại SEA Games 2017. Ảnh: Phạm Tuân
Bởi, như đã nhắc, ở đội tuổi 18-21, thậm chí nhiều cầu thủ đã khoác áo ĐTQG hay Olympic, nếu tài năng phát tiết đúng với thời điểm và quy trình đào tạo. Khi BTC SEA Games quyết định dùng các đội tuyển U21 quốc gia, đấy cũng được xem là một bước chuẩn bị cho ĐTQG, tiến ra các sân chơi lớn hơn. Ở Việt Nam, chúng ta đang có một giải U21 quốc gia 19 năm tuổi khá chất lượng, nhưng lại vẫn được xem như giải pháp tình thế.
Tất cả các đội bóng tham dự VCK U21 quốc gia (sau khi vượt qua vòng loại), đều được quyền tăng viện binh và thậm chí kéo rất nhiều các tinh binh từ đội 1, cũng như từ các ĐTQG xuống, vào thời điểm "nông nhàn". Mục đích cũng chỉ là săn thành tích, chứ một VCK U21 quốc gia, thi đấu ngắn ngày và chỉ có 8 đội tham dự, không thể nâng tầm nền bóng đá được. Nền bóng đá phụ thuộc trực tiếp vào đào tạo trẻ và các giải VĐQG.
Lịch sử cho thấy, không có nhiều những phát hiện thú vị tại các VCK U21 quốc gia, để cung ứng cho đội tuyển U23, Olympic hay ĐTQT. Nếu có những bổ sung vào phút chót, ở các năm lẻ (khi U23 quốc gia đá SEA Games) hay năm chẵn (ĐTQG đá AFF Cup), đó cũng là những cái tên rất cũ, vốn ăn cơm đội 1 CLB từ lâu. Các trường hợp của Công Vinh (2003), Phúc Hiệp, Long Giang (2007) hay Đình Đồng (2009) là khá hiếm hoi.
Quá tốt và quá thuận lợi khi thông qua các VCK U21 quốc gia, chúng ta thành lập đội tuyển U21 quốc gia đạt quy chuẩn, tham dự các giải đấu – sân chơi chính thức, mà cụ thể là SEA Games (trong năm lẻ), thay vì chỉ đá một giải giao hữu quốc tế như U21 quốc tế - Báo Thanh Niên diễn ra sau VCK U21 quốc gia. Trên thực tế, sáng kiến tổ chức U21 quốc tế của Báo Thanh Niên, cũng một phần đến từ nhu cầu thi đấu, học hỏi của người trẻ.
Vì thế, Việt Nam nên đồng ý, nếu Hội đồng thể thao Đông Nam Á thông qua đề xuất của AFF, với phát kiến của TTK Datuk Ahmad. Với U21 quốc gia, chúng ta cũng giảm thiểu đi được phần nào áp lực giành vàng bằng mọi giá.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất