TP. HCM “học” chống ngập

01/04/2011 12:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - TP.HCM đang phải chịu tác động lớn của nước biển dâng khiến nhiều nơi trong thành phố vốn trước kia không bị triều cường đe dọa, nay lại bị ngập nặng. 15 năm trước toàn bộ khu vực phía Nam thành phố là những chuỗi hồ, kênh rạch chứa nước mưa, nước triều nay trở thành đô thị đang khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khổ cực hơn vì ngập nước, ô nhiễm.

Giải pháp nào cho tình trạng hiện nay cho người dân thành phố? Vấn đề này đã được các chuyên gia Việt Nam và Hà Lan thẳng thắn trao đổi tại Hội thảo “Quản lý nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực TP.HCM” diễn ra chiều 31/3.

Quy hoạch chống ngập

Việt Nam là 1/10 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, TP.HCM cũng đang phải hứng chịu sự biến đổi này, trong khi thành phố lại chưa có kế hoạch tổng thể để quản lý biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao dần mỗi năm, tần suất mưa mạnh hơn và mực nước biển dâng mỗi năm một cao.

Ông Trịnh Công Vấn, chuyên gia cao cấp về Quản lý tài nguyên nước đánh giá: Tình trạng ngập lụt tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, một mặt do tác động của tự nhiên, mặt khác, nguyên nhân tác động từ con người, đó chính là hệ lụy từ việc phát triển đô thị quá nhanh và thiếu kiểm soát. TP.HCM lại phát triển đô thị trên vùng đất có cao độ thấp, các khu trũng chứa nước, hồ điều tiết bị san lấp. Đến nay, hệ thống hạ tầng đô thị đã quá tải so với phát triển dân cư, chưa kể đến ý thức của người dân về tiêu thoát nước còn yếu.

Cứ thủy triều lên, người dân TP.HCM lại “bì bõm” trong nước

Từ năm 1999, tổ chức JICA của Nhật Bản đã có những nghiên cứu và các dự án liên quan đến quy hoạch tổng thể thoát nước thải và nước mưa. Quy hoạch này đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2001 và TP.HCM đã triển khai các dự án theo quy hoạch tổng thể trên của JICA. Tuy nhiên, ông Trịnh Công Vấn cho rằng: Với mục đích thu gom tối đa lượng nước mưa để tiêu thoát nhanh nhất ra hệ thống kênh rạch, tại khu vực trung tâm đã triển khai 3 dự án lớn gồm: Cải tạo hệ thống tiêu nước, cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm... Nâng cấp hệ thống thoát nước cho khu vực trũng (bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh) bằng bơm. Tuy nhiên thực tế là việc thực hiện các dự án ưu tiên này đều chậm.

Các chuyên gia đánh giá ngoài việc nâng cấp hệ thống tiêu thoát theo quy hoạch của JICA thì giải pháp là phải kiểm soát vận hành hồ chứa ở vùng thượng lưu, kiểm soát thủy triều và nghiên cứu về mưa. Cụ thể, ông Trịnh Công Vấn cho biết các phần chính của dự án: Về hệ thống đê bao xây dựng ven sông Sài Gòn - Nhà Bè - Soài Rạp và sông Vàm Cỏ, có xét đến độ cao của đỉnh đê cho từng đoạn và ảnh hưởng của bão. Xây dựng các cống kiểm soát triều tại các cửa sông, cải tạo, nạo vét các kênh trục và xây dựng các hồ điều tiết tại các khu vực trũng. Với hệ thống công trình như vậy sẽ bảo vệ khu vực TP.HCM không bị ngập do triều cường, lũ và nước biển dâng và hệ thống tiêu thoát của thành phố sẽ tốt hơn. Đặc biệt khuyến khích xây dựng các hồ điều tiết và thảm thấm nước của đô thị...

Về đê bao, chuyên gia Hà Lan Sven Plasman chia sẻ kinh nghiệm: Chúng ta cần có dữ liệu để quản lý, đánh giá an toàn và lập bản đồ rủi ro. Như tại Hà Lan, đánh giá an toàn của đê được thực hiện 5 năm/1 lần. Từ đó, nên có các tiêu chuẩn an toàn, tốt nhất là xây dựng thành luật, tải trọng... Bài học quan trọng nhất là hạn chế thiên tai phải đưa vào công việc hàng ngày của Ban quản lý nhà nước. Các chuyên gia Hà Lan giới thiệu đến Việt Nam những mô hình dữ liệu mà Hà Lan đã áp dụng để quản lý đê.

Bảo vệ nguồn nước

Quản lý nguồn nước là một quan tâm hàng đầu của Hà Lan và hiện nay tại TP.HCM. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên sẽ gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô và nước mặn sẽ lấn sâu vào đất liền. Riêng tại TP.HCM, tình trạng này sẽ rất nguy hiểm, vì nếu độ mặn của sông Sài Gòn tăng lên, điều đó đồng nghĩa với chất lượng nước sạch tại các nhà máy nước cung cấp cho gần 10 triệu người dân tại TP.HCM sẽ có vấn đề.

Chuyên gia về ngành nước, ông Peter Vermaat, cho biết: Biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mọi mặt của ngành cấp nước, đặt biệt nhiều rủi ro với chất lượng nước sạch. Và tôi dám khẳng định rằng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long sẽ tương tự như Hà Lan. Tuy nhiên, ngành cấp nước tại Hà Lan đã đáp ứng được những thách thức này và khi đó biến đổi khí hậu có thể trở thành những “người bạn tốt” của các chuyên gia ngành nước. Tại hội thảo, ông Peter Vernnat đã đưa ra những giải pháp áp dụng thành công cho ngành cấp nước Hà Lan và ông khẳng định rằng những giải pháp này sẽ áp dụng rất tốt cho Việt Nam.

Ngày 30/3 vừa qua, cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP.HCM và thành phố Rotterdam trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng nhân dịp Thái tử Williem Alexander và Công nương Maxima của Hà Lan sang thăm Việt Nam từ ngày 28 đến 31/3.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link