21/11/2013 12:43 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - 28 tuổi, đã 3 lần giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam (2004, 2006, 2007) nhưng khi sang chơi ở giải hạng bóng đá hạng Nhì Nhật Bản (J.League Division 2), Công Vinh vẫn phải nỗ lực rất nhiều mới có một vị trí đá chính. Chuyên mục Một giờ với… lần này muốn thay đổi cách thể hiện để phần nào chuyển tài hết những gì mà người viết đã cảm nhận được về tiền đạo xứ Nghệ vốn đã rất nổi tiếng này .
Gặp Công Vinh trên đất Nhật, dù thời gian ngắn ngủi, nghe anh kể về công việc, những suy nghĩ, tôi nhận ra rằng anh thực sự đã trưởng thành hơn rất nhiều trong một môi trường bóng đá mà tính cạnh tranh rất cao.
Nỗ lực, nỗ lực và… nỗ lực
Nhật Bản, là một nước phát triển hàng đầu thế giới. Sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima , cả thế giới đã phải ngưỡng mộ những giá trị văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt từng con người của quốc gia này. Nhật Bản có lẽ cũng là nơi có giá cả sinh hoạt đắt đỏ cao nhất thế giới, thậm chí còn cao hơn ở Anh quốc, nơi được coi là có mức giá sinh hoạt đắt đỏ nhất ở châu Âu .
Bất cứ ở đâu trên đất nước này, người dân đều làm đủ thứ nghề để sinh sống. Tại di tích cổ Kênh đào Otaru (Hokkaido), người viết đã chứng kiến hai thanh niên Nhật làm dịch vụ kéo xe tay kiểu “người ngựa, ngựa người” để kiếm sống (tất nhiên chỉ chạy một quãng đường ngắn nhằm phục vụ khách du lịch chụp hình làm kỷ niêm). Dù chỉ ở Nhật một thời gian ngắn nhưng tận mắt nhìn thấy từ người lái xe bus chở đoàn chúng tôi, ông bán cá, đến anh thanh niên phục vụ trong khách sạn , ai ai cũng chăm chỉ làm việc với sự nhiệt tình và chu đáo hiếm thấy.
Công Vinh để lại dấu ấn trong khoảng thời gian thi đấu cho Consadole Sapporo
Hình ảnh những người dân kiên nhẫn chờ đèn đỏ trên vỉa hè để băng qua đường (ngay cả khi tuyết đang rơi) luôn khiến du khách đã đến đây phải ghi nhớ về đất nước và con người xứ này.
Bóng đá và cầu thủ cũng vậy, muốn tồn tại thì phải nỗ lực và nỗ lực hết mình, bởi thi đấu bóng đá cũng là một nghề, một công việc được trả lương như bao công việc khác . Thông tin về mức lương 7.000 USD/ tháng của Công Vinh xem ra cũng phải là cao so với mức giá sinh hoạt tại đây.
Công Vinh kể: “CLB không quản lý cầu thủ như ở bên ta. Tất cả những việc như ăn, ở, đi lại… các cầu thủ phải tự lo. Cầu thủ người Nhật thì về sống với gia đình. Hàng ngày, tất cả đến sân tập phải đúng giờ, và tập luyện theo giáo án của HLV. Phải tập chăm, tập hết sức nếu không thì không được thi đấu, đã nhiều lúc em thấy mệt lắm nhưng cũng vẫn phải cố mà theo hết giáo án”.
Vì sao Vinh gốc là tiền đạo, thuận chân trái mà lại đá tiền vệ phải? Thi đấu “trái cựa” như vậy có khó khăn gì không, tôi hỏi. “Đó là quyết định của HLV nên em phải chấp hành. HLV người Nhật nghiêm lắm. Nhưng chính ông lại phân công em sút tất cả những quả phạt, một khi được có mặt trên sân”.
Vinh kể chuyện sau trận gặp Vissel Kobe: “Lần đầu được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, lại ghi bàn thắng quyết định để đội mình giành chiến thắng em vui lắm”. Chứng kiến sự chào đón của khán giả trên sân Sapporo Dome mới thấy để thành công tại đội bóng này, Công Vinh đã phải nỗ lực như thế nào. Gần hai chục ngàn người (chính xác là 18.080 người) đã vỗ tay nhiệt liệt khi BTC công bố Công Vinh là Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
Công Vinh được trao tặng một bó hoa nhỏ, đứng trên bục danh dự của sân, anh xin tặng bàn thắng này cho khán giả đã nhiệt tình ủng hộ đội bóng và bản thân anh. Công Vinh đã chạy một vòng quanh sân, tới khu vực khán đài mà những CĐV nhiệt tình nhất, những người đã đứng suốt trận đấu, từng nhiều lần hô vang “Việt Nam, Việt Nam, Công Vinh, Công Vinh” để đáp lại thịnh tình của khán giả,.
Chị Bùi Thanh Vân, 40 tuổi, đã có 11 năm sống ở Nhật, là một trong số ít Việt kiều sống tại Sapporo, đồng thời cũng là một fan của Công Vinh, sau trận đấu cho biết: “Bình thường sân này chỉ có khoảng hơn chục nghìn người tới xem, trận này hay nên có số lượng người cao gần gấp đôi. Từ khi có Công Vinh sang đây chơi bóng, nhiều Việt kiều ở các thành phố khác cũng bay tới đây xem em đá bóng. Người Nhật cũng biết đến Việt Nam nhiều hơn qua hình ảnh của Vinh”. Cũng xin tiết lộ, dù có sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi nhưng 1 tấm vé có chỗ ngồi tốt ở khán đài A sân Sapporo Dome có mức giá 4.500 yen (gần 50 USD).
Tác giả bài viết và Công Vinh sau trận đấu với Vissel Kobe
Những lần đầu tiên
Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu ở châu Âu - tại giải bóng đá Bồ Đào Nha dưới màu áo Leixoes năm 2009 với 2 lần ra sân và không ghi được bàn nào. Còn lần này tại Consadole Sapporo, Công Vinh cũng là cầu thủ đầu tiên và duy nhất cho đến nay chơi bóng ở Nhật Bản (dù chỉ ở giải hạng Nhì), với 8 lần ra sân, ghi 2 bàn thắng và kiến tạo được vài đường chuyền thành bàn .
Sự có mặt của tiền đạo này tại Sapporo đã là một sự kiện. Giới truyền thông cũng coi Công Vinh như một “mỏ vàng” để khai thác. Sau trận đấu, hàng chục đài truyền hình chầu chực ở sau sân để phỏng vấn, ghi hình càng cho thấy sự có mặt và hình ảnh một cầu thủ người Việt Nam chơi bóng tại đây đã tạo điều kiện tốt cho CLB này. Dù chỉ mượn từ CLB Sông Lam Nghệ An 5 tháng , nhưng sau khi có Công Vinh, đội bóng Consadole Sapporo đã có thêm 1 nhà tài trợ mới là Tập đoàn Sumitomo.
Qua tiếp xúc, được biết người Nhật sống rất khép kín và họ rất ít khi cho người khác biết về gia đình, bản thân. Chính vì vậy Công Vinh cũng phải vượt qua sự khác biệt về văn hóa này trên xứ người. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa lần thi đấu tại châu Âu và lần này, Công Vinh nói: “Ở Bồ Đào Nha, thấy một cầu thủ châu Á đá bóng họ coi thường và không hợp tác.
Mà anh biết đó, khi đá bóng mà không có tính đồng đội, tập thể thì khó đá lắm. Còn ở đây, các cầu thủ tôn trọng mình và mình cũng tôn trọng họ. Trong tập luyện hay thi đấu, các cầu thủ ít khi đá ác ý, vào bóng thô bạo. Tuy nhiên, người nước ngoài sống ở đây cũng gặp khó khăn. Đừng tưởng cứ có tiền là vào đâu cũng được, bởi nhiều nơi ở đây họ từ chối tiếp khách người nước ngoài”.
Vậy cuộc sống của Vinh bên này cũng buồn phải không, tôi nói trước khi chia tay Công Vinh. “Vâng, đặc thù nghề này nó vậy, hay phải xa gia đình nhưng em vẫn vui khi mình là người đầu tiên được thi đấu ở nước ngoài”.
Nói xong, Công Vinh cùng anh bạn Cho Jong Sin, trung vệ người Hàn Quốc chào mọi người và nhanh chóng ra về cho kịp chuyến tàu điện đêm. “Tam thập nhi lập”, nhìn Công Vinh xa dần trong đêm lạnh, bóng dáng một người đàn ông đã trưởng thành hơn rất nhiều sau chuyến xa nhà lần này. Bởi tôi luôn tin về anh như vậy khi viết những dòng này.
Sau chiến thắng 1-0 trước Vissel Kobe ở vòng 40 và trận thắng đậm 3-0 trên sân khách trước CLB Gifu ở vòng 41 cuối tuần qua, hiện CLB của Công Vinh đứng thứ 7, kém đội xếp trên là Tokushima Vortis 1 điểm. Nếu thắng ở vòng 42 (vòng đấu cuối cùng) trước Giravanz Kitakyushu trên sân nhà thì nhiều cơ hội cho Consadole Sapporo được đá trận play-off nhằm giành một suất lên giải hạng Nhất (Division 1) Nhật Bản. |
Đỗ Hải Âu (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất