20/07/2021 13:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - MV ghi dấu sự hợp tác giữa nhà sản xuất âm nhạc K-ICM và ca sĩ Văn Mai Hương. Chim quý trong lồng ra mắt ở thời điểm được coi là có ý nghĩa với cả 2 gương mặt quen này của nhạc Việt.
Phát hành tối 12/7, có trọn vẹn 1 tuần để khán giả nghe, Chim quý trong lồng lập tức có tên trong top 10 bảng xếp hạng âm nhạc #zingchart tuần 28 (từ 12 đến 18/7) với vị trí thứ 5. Trước đó, ngay sau khi phát hành Chim quý trong lồng đã là 1 trong những MV được nghe nhiều nhất trên YouTube với gần 5 triệu lượt cho tới thời điểm này (tối 19/7).
Dung tục hay không?
Trên các diễn đàn, có nhiều ý kiến phản ứng vì cách đặt tên ca khúc là Chim quý trong lồng. Có người cho rằng nó có phần dung tục, phản cảm và nhiều khán giả băn khoăn đại ý không hiểu tại sao nhà sản xuất âm nhạc K-ICM lại đặt tên ca khúc như thế, cũng như một ca sĩ có năng lực như Văn Mai Hương lại chấp nhận hát một ca khúc có cái tên như vậy? Nhiều khán giả còn liên kết xếp Chim quý trong lồng “chung chiếu” với những ca khúc có tựa đề phản cảm đã từng bị dư luận phản ứng dữ dội trước đó như Như cái lò (Sambi - Mr.A), Nắng cực (Phạm Toàn Thắng), Oh my chuối (Sĩ Thanh), Thu dẩm (LK)…
Thực ra liên tưởng với những cái tựa đề vừa kể ra đây là oan cho Chim quý trong lồng. Bởi lẽ, với tất cả những tựa đề được gọi là ca khúc mà người viết vừa dẫn ra, trước đây không ai nghĩ lại có một ngày chúng có thể len lỏi vào trong những sản phẩm mang danh âm nhạc, mang danh của sự sáng tạo nghệ thuật. Đó là một cái đau, rất đau của nghệ thuật đại chúng nói chung, âm nhạc đại chúng nói riêng ở thời loạn mạng xã hội. Nhưng Chim quý trong lồng thì khác, không thể xếp nó ngang hàng với những ca khúc đó.
Chẳng riêng người Việt Nam, người Á Đông đã quen với câu nói “chim quý lồng son”. Đại ý, người chơi chim hiểu giá trị của con chim quý nên khi đã sở hữu được nó, phải làm cái lồng thật đẹp cho xứng. Sở hữu chim quý cũng chứng minh “đẳng cấp” của người chơi chim. Người Á Đông và Việt Nam đều hiểu câu nói này còn có nghĩa bóng, khẳng định giá trị của người con gái khuê các, tựa như chim quý. Và vì vậy để môn đăng hộ đối, “chim quý” phải có “lầu son”. Nhiều người đã quen với câu hát “Con chim quý phải ở lầu son” (ca khúc Lời đắng cho cuộc tình của Duy Khánh), hay trong dân ca quan họ cổ có câu “Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu/ Người khôn có chốn, người sầu có nơi”... đều là cách ví von theo nghĩa bóng này.
Sẽ chẳng có những băn khoăn nếu ca khúc được đặt tên là Chim quý lồng son, nhưng nếu vậy thì sẽ mất đi độ thú vị. Cho nên, việc chọn cái tên Chim quý trong lồng cũng cho thấy sự “đáo để” của K-ICM. Rõ ràng bây giờ anh chàng này đã “không phải dạng vừa”!
Một bước tiến
Không chỉ cách đặt tên ca khúc, ca từ của ca khúc cũng cho thấy K-ICM có một bước tiến. Có những ý tứ được đưa ra như “Ai đo nông sâu đại dương” “Và ai đo tâm can người thương” hay “Ta đi ngang qua đời nhau/ Chưa lần ghé thăm bên nơi thâm sâu tình nồng”. Lại có những ca từ đầy hình tượng, dù đôi chỗ nhiều người khi nghe sẽ khó “giải mã” được ngay nhưng xuất hiện phù hợp và làm cho lời ca mang nhiều hàm ý hơn: “Bàn tay đan yêu thương ấy, vá may, không vừa, từng vết kim/ Cứ tìm hoài không thấy, hồng hoa xanh tím”. Và thêm nữa: “Thà làm cơn mưa xế chiều, hoàng hôn tí tách lời ru/ Thêm sắc nghe cung đàn/ Tan biến trong muôn vàn hình dung”.
Lại có những ca từ có lẽ thuộc về sự đúc kết từ chính những trải nghiệm từ cuộc sống sau những va đập của chính tác giả: “Ta và tâm hồn không đường chung một lối/ Đau ngoài da nhiều mấy, vết thương cũng lành” nhưng nếu “đau từ nơi trái tim” thì sẽ “ôm và mang theo suốt một đời”. Để rồi kết luận rằng: “Nợ duyên sao tránh”. Một chi tiết đáng chú ý nữa trong ca từ là câu khá lạ: “Yêu hóa như không quen, do quá yêu nên thành người dưng”. Rõ ràng, có thể nhìn thấy sự trưởng thành suy nghĩ của K-ICM.
Trên những lời ca khá ý tứ và có phần thú vị này là giai điệu trữ tình mang màu sắc của giọng thứ. Chim quý trong lồng thuộc dòng pop ballad, kết hợp một chút màu sắc dân gian đương đại, tạo nên một âm hưởng đan xen giữa cảm giác dễ nghe với những màu sắc nhạc cụ dân tộc khiến người nghe phải nhớ.
Chỉ cần nghe qua một chút cũng dễ nhận thấy tác giả có chủ ý kết hợp màu sắc dân tộc vào trong tác phẩm. Và điều đó hiện hữu rất rõ nét trong việc khai thác các nhạc cụ dân tộc như đàn nhị, sáo/tiêu... vào trong bản hòa âm. Có điều, cảm giác của màu sắc pop ballad hiện hữu ở cả phần hòa âm với giai điệu lời ca do Văn Mai Hương thể hiện, trong khi màu sắc dân gian đương đại thì thấy hiện hữu rõ ràng hơn ở phần hòa âm.
Yếu tố tôn vinh giá trị truyền thống còn được thể hiện ở phần trang phục. Các nhân vật xuất hiện trong MV đều mặc trang phục áo dài theo kiểu ngũ thân truyền thống dân tộc. Có thể coi sự xuất hiện của trang phục như vậy là thêm một điểm cộng cho MV.
Trong số những nhân vật chính tạo nên MV Chim quý trong lồng người hứng chịu nhiều phản ứng nhất có lẽ là Lê Bống, diễn viên chính của MV. Sự phản ứng dồn cả vào phần diễn xuất của nữ chính này với những động tác múa bị cho rằng chưa thực sự tự nhiên. Tuy nhiên, với một sản phẩm âm nhạc hướng tới công chúng trẻ, lại phát hành chính trên mạng xã hội trong “thời đại” 4.0,việc xuất hiện của một nhân vật có lượng người theo dõi đông đảo là điều có thể hiểu cho ê-kíp sản xuất và chấp nhận được.
Người hưởng lợi nhiều nhất qua MV này là tác giả và ca sĩ. Chim quý trong lồng là sáng tác độc lập của K-ICM được công chúng đón nhận. Trong khi đó, sau sự cố liên quan đến việc cover nhạc nước ngoài hồi đầu năm, Chim quý trong lồng là sự trở lại “đường đua” âm nhạc khá ấn tượng của Văn Mai Hương.
Bay ra đi nhé!
Nếu như điểm cộng lớn nhất cho Chim quý trong lồng là ý thức tôn vinh truyền thống dân tộc thì điểm trừ duy nhất mà người viết muốn nhắc tới của MV cũng xuất phát từ chính điều này.
Nếu chỉ nghe âm nhạc, MV gợi cho tôi cảm giác như lạc vào thế giới giống như đang thưởng thức bộ phim nào đó của Trung Quốc tái hiện bối cảnh những thập niên đầu của thế kỷ 20. Nếu gạt suy nghĩ nhạc phim ra, nó vẫn có những màu sắc Trung Quốc ở đó, trong một vài giai điệu lời ca, trong cách khai thác màu sắc nhạc cụ dân tộc thông qua giai điệu các nhạc cụ này thể hiện. Trong khi, nếu xem thêm phần hình ảnh MV, tôi lại thấy gần gũi với thể loại kiếm hiệp, cổ trang Trung Quốc.
Trên thực tế, nếu là chủ ý thì không bàn. Nhưng nếu không phải chủ ý, khi khai thác yếu tốt truyền thống dân tộc, người trong cuộc cần chú ý về việc đặc điểm nhạc truyền thống của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc. Tương đồng là bởi hầu hết các nhạc cụ truyền thống dân tộc của chúng ta hiện nay đều từng du nhập vào thông qua con đường Trung Quốc. Quá trình du nhập diễn ra từ cả nghìn năm trước. Âm nhạc của chúng ta cũng 5 âm và gọi theo cách gọi cung - thương - giốc - chủy – vũ giống của Trung Quốc. Nhưng nó chỉ giống tên gọi, còn mối tương quan quãng trong âm nhạc ngũ cung và giọng điệu thì hoàn toàn khác. Cho nên việc muốn thuần chất Việt đòi hỏi phải tìm hiểu thật kỹ âm nhạc truyền thống dân tộc từ quan họ, chèo, vọng cổ, dân ca cho đến nhạc lễ Bắc - Trung - Nam...
Tuy nhiên, việc có nét tương đồng gợi đến yếu tố âm nhạc ngoại là chuyện không hề mới. Nó vẫn tồn tại trong đời sống âm nhạc đại chúng ở Việt Nam ta từ hàng thập niên qua. Và đây không phải câu chuyện của cá nhân hay một vài cá nhân hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Vì vậy, rõ ràng cần phải ghi nhận những bước tiến trong nghề nghiệp của K-ICM, và MV Chim quý trong lồng là một sản phẩm chỉn chu, nghiêm túc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của một bộ phận khán giả. Đâu đó có nhắc đến MV Chim quý trong lồng như một tuyên bố “tự do bằng âm nhạc” của K-ICM. Nó đúng với cá nhân chàng nghệ sĩ trẻ này, vì đây là sáng tác độc lập đáng kể sau khi bước ra từ những rùm beng trong quá khứ.
Từ âm nhạc theo sở trường bản thân và phục vụ sở thích khán giả của mình đến góp phần cống hiến cho âm nhạc đại chúng chỉ cách một sợi dây vô hình. Có thể chỉ một bước chân, nhưng cũng có thể xa vời vợi. Với những gì đã thể hiện thông qua Chim quý trong lồng, từ vốn từ đến cách sử dụng ngôn từ, từ mong muốn hướng tới giá trị truyền thống đến cách thực hiện một sản phẩm âm nhạc, theo tôi, K-ICM hoàn toàn có thể tiến những bước tiến mới trong sự nghiệp.
Đừng ngại ngần, K-ICM hãy cứ coi mình là “con chim quý”. Nhưng hãy tìm cách thoát ra khỏi “cái lồng” và bay xa!
MV "Chim quý trong lồng":
Điểm: 7,8/10
|
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất