Covid-19 đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B

03/06/2023 18:27 GMT+7 | Tin tức 24h

Chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các thành viên khác của Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Tại các điểm cầu các địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố.

Theo Ban Chỉ đạo, từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 43.100 ca tử vong (0,37%). Riêng từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc, giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022; tỷ lệ tử vong (số người chết/số người mắc) giảm mạnh xuống còn 0,02%. Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện tỷ lệ người mắc COVID-19 nhập viện thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B và tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Hiện nay đủ điều kiện chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Covid-19 đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 20 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Trên thế giới, ngày 05/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC), nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

WHO khuyến cáo Việt Nam không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì năng lực quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, tránh việc có thể bị quá tải hệ thống y tế; đưa tiêm chủng vaccine COVID-19 vào tiêm chủng quốc gia; tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm để phát hiện sớm các biến thể mới; nâng cao năng lực điều trị để giảm số ca tử vong; chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có; tiếp tục truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng; rà soát, cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia, sẵn sàng, linh hoạt; các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine và tìm hiểu các tình trạng liên quan hậu COVID-19; cần giám sát chặt chẽ trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên, sẵn sàng nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.

Ban Chỉ đạo nhận định, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch trên địa bàn, là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, tổ chức, thực hiện kế hoạch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Các đại biểu cũng cho rằng, số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm mạnh, tác nhân gây bệnh là virus SARS-CoV-2 đã được xác định, dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát. Bệnh COVID-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng, địa phương cần điều chỉnh quy định, chính sách, điều kiện, yêu cầu… phù hợp với tình hình mới; đồng thời rà soát, tổng hợp, xử lý các vấn đề liên quan và tổng kết, đánh giá tổng thể, chi tiết các nội dung liên quan phòng, chống dịch COVID-19 trong 3 năm qua.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch trên địa bàn, là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, tổ chức, thực hiện kế hoạch “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Covid-19 đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kết luận phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, tại Việt Nam, số ca mắc, số ca tử vong đã giảm mạnh so với năm 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, việc công bố hết dịch COVID-19 sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, cùng với đó cũng có các điều chỉnh khác liên quan.

Theo Thủ tướng, đại dịch COVID-19 gây bất ngờ cho toàn thế giới. Đối với Việt Nam đây là lần đầu tiên phải đối phó với khó khăn, thách thức lớn chưa có tiền lệ, kéo dài, trong bối cảnh đất nước còn những khó khăn. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội; sự quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, toàn dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, Việt Nam đã phòng, chống dịch hiệu quả. “Thắng lợi này là thắng lợi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Trong quá trình phòng, chống dịch chúng ta đưa ra được các trụ cột, công thức, các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt phù hợp theo tình hình. Nhờ đó, Việt Nam sớm mở cửa nền kinh tế, đón khách quốc tế, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Theo Thủ tướng, bên cạnh thành công, Việt Nam cũng trải qua thời gian hết sức khó khăn, với những mất mát to lớn.

“Tôi chia sẻ với những mất mát mà nhân dân đã gánh chịu, đặc biệt là những mất mát của lực lượng tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; cảm ơn đồng chí, đồng bào trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19”, Thủ tướng xúc động.

Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, dịch bệnh chưa thể chấm dứt, đặc biệt hậu quả do đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài. Do đó, công tác phòng, chống dịch vẫn tiếp tục, nhất là nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và khắc phục hậu quả; tiếp tục ổn định đời sống của nhân dân, đặc biệt là người chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19; tổ chức tổng kết, sơ kết để rút ra bài học cho phòng, chống các dịch bệnh khác; tổ chức biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tốt, cũng như xử lý, rút kinh nghiệm đối với hành vi cần lên án…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để điều chỉnh phù hợp tình hình mới; tiếp tục xử lý các công việc liên quan còn dang dở và tồn đọng; xây dựng kế hoạch kiểm soát bền vững COVID-19 trong giai đoạn mới, cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra; thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 phù hợp. UBND các tỉnh, thành phố căn cứ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành, nhất là của Bộ Y tế thực hiện rà soát tình hình, công bố tình trạng dịch, cũng như thực hiện các nội dung liên quan trên địa bàn.

Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục huy động và sử dụng nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả do dịch COVID-19; tiếp tục làm công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh truyền thông để khuyến cáo, giải thích, phân tích để người dân hiểu và thực hiện; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; tiếp tục giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách; xử lý dứt điểm các tồn đọng liên quan theo kết luận của Trung ương, Chính phủ.

Thủ tướng cho biết, ngay sau đây, Ban Chỉ đạo sẽ được kiện toàn lại phù hợp tình hình mới. Nhân dịp này, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã chung sức, đòng lòng, cùng Việt Nam vượt qua đại dịch.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link