Kinh doanh thịt thối: Luật nhiều, xử chẳng bao nhiêu

24/04/2012 10:45 GMT+7 | Y tế

Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này? Chúng tôi đã tổ chức một “bàn tròn qua email” và nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành pháp luật. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.



Cơ quan chức năng quận Thủ Đức, TP.HCM thu giữ thịt, lòng thối ngày 17-4 - Ảnh: ANH THOA

Trong những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến việc sau khi cơ quan chức năng truy tìm chiếc xe chở 2,2 tấn thịt thối lại phát hiện thêm 8,4 tấn thịt thối tại một nhà kho ở Bình Dương.

Phạt như phủi bụi

Chưa triệu tập được chủ 8,4 tấn thịt thối

Ngày 23-4, Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết đang tiếp tục mời ông Nguyễn Hiệp Hương lên làm rõ về số lượng hơn 8,4 tấn chân bò và chân heo thối được phát hiện trong cơ sở kinh doanh trái phép của ông. Tuy nhiên, việc gửi giấy mời cho ông Hương đang gặp khó khăn, vì ông này khai không có chỗ ở cố định (đi nhiều nơi để thu mua phụ phẩm heo, trâu, bò...).

Ông Hương cũng có dấu hiệu không hợp tác. Chiều cùng ngày, ông Tạ Trọng Khang, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay Chi cục Thú y đang phối hợp cùng Công an thị xã Thuận An lập hồ sơ về các sai phạm của cơ sở này để có quyết định chính thức xử phạt các hành vi ở mức cao nhất. Về nghi vấn 2,2 tấn chân trâu, bò thối được “giải cứu” từ hố tiêu hủy ở Đồng Nai, được xe đông lạnh do tài xế Nguyễn Văn Hoàn chở vào kho của mình, ông Hương không thừa nhận.

Báo chí đã cung cấp đầy đủ tên tuổi cũng như biển số chiếc xe đã “giải cứu”, nhưng đến nay cơ quan điều tra chưa triệu tập tài xế này. Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi của tài xế Hoàn và những người tham gia “giải cứu” thịt thối từ hố tiêu hủy có dấu hiệu của tội hình sự.

Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, không rõ nguồn gốc, thực phẩm ôi, thiu, nhiễm bẩn, quá hạn sử dụng hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh... hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại điểm a và điểm g khoản 5 điều 15 của nghị định số 45/2005/NĐ-CP là từ 10-15 triệu đồng.

Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định đây là mức phạt quá thấp. Trong khi những người kinh doanh, chế biến thực phẩm kém chất lượng có thể kiếm lợi nhuận bất chính hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng, thì mức phạt 15 triệu đồng chỉ như phủi bụi, không đủ sức răn đe.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cũng cho rằng việc xử phạt như vậy là quá nhẹ so với mức độ thiệt hại của các hành vi nói trên gây ra cho xã hội.

Ngoài ra, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm còn được điều chỉnh bởi Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản...

Với hệ thống các văn bản pháp luật nêu trên, thế nhưng tại sao những vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn, khối lượng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh bị phát hiện ngày càng nhiều hơn và chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính? Ông Nguyễn Minh Sơn (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang) cho rằng do hệ thống pháp luật về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu đồng bộ, còn chồng chéo hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Luật “treo”

“Luật an toàn thực phẩm được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-6-2010 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, thay thế pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Tuy nhiên, cho đến nay Luật an toàn thực phẩm vẫn chưa thể đi vào cuộc sống. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn phải “chờ” hướng dẫn của Chính phủ và của các cơ quan hữu quan”- luật sư Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự, TAND tối cao) nói.

Luật sư Trương Xuân Tám nói: “Tại khoản 3, điều 6 của luật có cho phép mức xử phạt hành chính về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là bằng bảy lần giá trị thực phẩm vi phạm. Nếu điều luật này được thi hành thì mỗi vụ vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí như vụ phát hiện 7,4 tấn thịt thối, nếu mỗi ký thịt đó trị giá 50.000 đồng, số tiền bị phạt tới hơn 2,5 tỉ đồng, đủ sức làm chùn tay các kẻ hám lợi”.

Bộ luật hình sự thì bị “treo” ở dạng khác: điều 244 Bộ luật hình sự quy định về tội “vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, gồm ba khung hình phạt tương ứng với ba cấp độ nguy hiểm khác nhau và một điều khoản về hình phạt bổ sung. Nhưng từ trước đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý về hình sự vì không chứng minh được hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói: “Thực tế cho thấy việc xác định, chứng minh nguyên nhân gây ra thiệt hại từ các nguồn thực phẩm là vô cùng khó khăn, bởi lẽ tác hại của thực phẩm nhiễm khuẩn, hóa chất... là tác hại tích lũy lâu dài chứ rất ít trường hợp gây thiệt hại ngay lập tức. Đó là chưa kể đến việc cho dù có xác định được nguyên nhân nhưng vẫn chưa có tiêu chí cụ thể xác định thế nào là tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Luật sư Trương Xuân Tám cũng cho rằng: “Đây chính là một kẽ hở lớn, vì rất khó chứng minh chuyện gây thiệt hại này, nếu không muốn nói là không thể”.

Bổ sung luật

Nhiều luật sư thống nhất ý kiến rằng cần bổ sung điều 244 Bộ luật hình sự.

Luật sư Đinh Văn Quế nói cần bổ sung ý những người đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, cần đưa thêm vào điều 244 các hành vi sản xuất, nuôi trồng thực phẩm mà biết rõ là không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như sử dụng chất tạo nạc, thuốc tăng trọng đã bị cấm trong chăn nuôi; sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm trong trồng trọt.

Luật sư Đinh Văn Quế và luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng cần xử lý việc sản xuất, chế biến, vận chuyển, cung cấp hoặc bán thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn như đối với hàng cấm và phạt nặng.

Luật sư Trương Thị Hòa có ý kiến: “Trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần tăng hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Hơn nữa, đối với loại tội phạm này cần quy định tịch thu một phần tài sản”. Ngoài ra, luật sư Hòa, luật sư Hậu cho rằng cần bổ sung điều khoản quy định về định lượng. Theo luật sư Hòa, quy định từ 500kg thực phẩm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên thì xử phạt hình sự.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng nên xem tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là một tội phạm cấu thành hình thức, nghĩa là ngoài mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả có thể xảy ra, chỉ cần duy nhất một yếu tố bắt buộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Do vậy, theo ông Nguyễn Minh Sơn, cần bổ sung, sửa đổi quy định của Bộ luật hình sự, theo hướng sẽ đủ yếu tố cấu thành tội phạm nếu hành vi mua bán, sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng “có khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng”

Cấp bộ trưởng ký mới được phạt 50 triệu đồng

Theo ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6 (thuộc Cục Thú y), hiện nay theo quy định của ngành thú y, khi phát hiện việc vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng động vật kém chất lượng, hôi thối thì có thể áp dụng các hình phạt đối với chủ lô hàng như: phạt tiền, tiêu hủy số hàng bị tịch thu.

Mức độ phạt tiền thấp nhất hiện nay là 150.000 đồng và cao nhất là 50 triệu đồng. Thế nhưng chỉ có UBND huyện hoặc cấp sở mới có đủ thẩm quyền để ký quyết định xử phạt đến 20 triệu đồng. Còn phạt đến mức 40 triệu đồng là do UBND tỉnh hoặc thành phố ký quyết định xử phạt. Riêng mức phạt 50 triệu thì phải cần đến chữ ký của cấp bộ trưởng ra quyết định xử phạt.

“Theo tôi, mức độ phạt cũng như những biện pháp chế tài hiện nay của ta chưa mang tính răn đe cao. Chính vì thế mà có nhiều cơ sở, nhiều chủ hàng tái phạm đi tái phạm lại việc buôn bán sản phẩm động vật kém chất lượng, hôi thối”- ông Bình nói


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link