Những vụ kiện 'động trời' của Cù Huy Hà Vũ

08/11/2010 10:26 GMT+7 | Pháp luật

Thông tin luật sư Cù Huy Hà Vũ đang bị tạm giam đã làm nhiều người phải giật mình. Vị tiến sĩ  luật này đã trở nên nổi tiếng với những vụ kiện khiến giới luật sư sửng sốt.


Ông Cù Huy Hà Vũ (Ảnh VietNamNet)

Chiều 5/11, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an phía Nam đã tạm giữ hình sự đối với ông Cù Huy Hà Vũ (SN 1957, ngụ 24 phố Điện Biên Phủ, Q. Ba Đình, TP. Hà Nội, là Tiến sĩ Luật). Ngay trong chiều 5/11, công tác khám xét nhà của ông Vũ cũng được cơ quan an ninh tiến hành tại Hà Nội.
 
Cù Huy Hà Vũ, quê xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được nhiều người biết đến là con trai của thi sĩ Huy Cận và là con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu. Ông có bằng Thạc sĩ Văn chương của Pháp, bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne và đồng thời cũng là một họa sĩ.
 
Tuy nhiên, người ta biết đến Cù Huy Hà Vũ nhiều hơn ở phương diện là “cha đẻ” của nhiều vụ kiện được đánh giá là khuấy động dư luận. Không ít vụ kiện của tiến sĩ này đã khiến nhiều người phải "lắc đầu ngán ngẩm".
 
Đâm đơn kiện vì yêu vẻ đẹp xứ Huế
 
Trước khi bị bắt (5/11), ông được nhân dân ủng hộ trong việc góp công ngăn chặn dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, dự án tái dựng đền Cẩu Nhi trên gò nổi hồ Trúc Bạch, và cũng rất tích cực đấu tranh cho việc chống chặt cây xây khách sạn tại các công viên cây xanh.
 
Lí do của vụ kiện này được bắt đầu từ tháng 4/2005 khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định cho phép xây dựng khách sạn Life Resort trên đồi Vọng Cảnh. Theo ông Hà Vũ, đồi Vọng Cảnh là "di tích văn hoá bất khả xâm phạm" của Huế - đã được chính quyền xếp vào danh sách các danh thắng và di tích cần bảo vệ (năm 1993, đồi được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xếp vào danh mục bảo vệ).
 
Ông cho rằng, việc chính quyền đồng ý cho phép triển khai dự án xây dựng khu lịch ở đây là huỷ hoại thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú này... Vì vậy, dù không có quyền lợi và trách nhiệm liên quan nhưng ông Vũ vẫn quyết định đứng đơn khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để bảo vệ di sản văn hoá Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là một dự án rất được dư luận và báo chí quan tâm và phản đối quyết liệt.
 
Kết quả, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải dừng dự án này lại.
 
Sau này, ông cũng rất tích cực đấu tranh phản đối dự án tái dựng đền Cẩu Nhi trên gò nổi hồ Trúc Bạch khi đưa ra những tư liệu, lập luận để chứng minh rằng "Đền Cẩu Nhi chưa từng tồn tại trên thực tế...".
 
Kiện cả quyết định của… Thủ tướng
 
Ngày 11/6/2009, ông Cù Huy Hà Vũ gửi đơn kiện trước quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. TS. Hà Vũ cho rằng, dự án này đã vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ di sản văn hóa, Luật Quốc phòng, và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Tuy nhiên, ngày 19/6/2009, Chánh án TAND TP Hà Nội có quyết định không xem xét giải quyết đơn khởi kiện này của ông Cù Huy Hà Vũ. Nguyên nhân vì Tòa án không có căn cứ pháp lý để thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện này. Thứ hai, Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được ban hành hoàn toàn đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ ba, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bôxít là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
 
Rùm beng với giới ca sĩ
 
Năm 2006, ông Vũ lại tiếp tục “khuấy động” giới nghệ sĩ với vụ kiện album Chat với Mozart của ca sĩ Mỹ Linh.
 
Trả lời trên báo CAND, vị luật sư nổi tiếng này cho biết, theo Luật Sở hữu trí tuệ "Nhạc người ta đang không lời, mình cải biên thành có lời là không được. Nhạc của Mozart là đỉnh cao của âm nhạc. Người ta đang ở “cao”, mình kéo xuống “bình dân” là phá hoại văn hóa".
 
Đáp lại những cáo buộc trên, phía Mỹ Linh và đại diện là nhạc sĩ Huy Tuấn (người phụ trách biên tập âm nhạc cho Mỹ Linh Tour "06) vẫn "không bận tâm".
 
Kết thúc vụ lùm xùm này, tháng 4/2007, Cục Bản quyền Tác giả Văn học - Nghệ thuật đã có công văn cho rằng việc đặt tên và lời của nhạc sĩ Dương Thụ là không vi phạm tác quyền khi những tác phẩm này đã hết thời hạn bảo hộ.
 
Người ngoài Đảng tự mình ứng cử chức Bộ trưởng
 
Ông Hà Vũ còn làm dư luận giật mình khi vào tháng 5/2006, ông đã gửi đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Văn hoá Thông tin tới 4 cơ quan: Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ và Thủ tướng.
 
Ông Vũ tự tin chia sẻ trên VnExpress, "Điều 53 Hiến pháp quy định, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội... do đó tôi thấy mình hoàn toàn có quyền ứng cử vào vị trí bộ trưởng". Ông cũng tâm sự thêm: "Từ nhiều năm nay, tôi đã đấu tranh chống sự xuống cấp về văn hoá nhưng hiệu quả không là bao. Vì vậy, với tôi, giải pháp tốt nhất là trực tiếp tham gia quản lý điều hành ngành văn hoá thông tin".
 
Trước thông tin này, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình cho biết: "Cá nhân tôi cho rằng, đây là tin vui bởi điều này cho thấy sinh hoạt chính trị của chúng ta ngày càng dân chủ”.
 
Tuy nhiên, việc làm của ông Vũ chưa có tiền lệ và chưa có quy định nào về việc công dân ứng cử vào cơ quan hành pháp nên việc ứng cử chức Bộ trưởng của Cù Huy Hà Vũ đã không thành công.
 
Ông cũng làm tốn giấy mực của báo chí với vụ tranh chấp pháp lý quanh ngôi nhà của người cậu là thi sĩ Ngô Xuân Diệu.
 
Ngày 5/11/2010 vừa qua, vào lúc 0 giờ, tại TP Hồ Chí Minh, Cù Huy Hà Vũ bị công an bắt khẩn cấp tại một phòng 101, khách sạn Mạch Lâm, số 28 đường số 10, P.11, Q.6.
 
Dư luận đang chờ kết quả từ phía cơ quan điều tra về vị tiến sĩ nổi danh này. Về những việc làm của ông, nhiều người tỏ ra cảm phục khi Hà Vũ thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình nhưng cũng không ít người lắc đầu cho rằng ông chơi ngông và đang tìm cách đánh bóng tên tuổi cho mình.

Theo VNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link